WEF ASEAN 2018: Phụ nữ chính là tương lai của nền kinh tế châu Á
Tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về ASEAN 2018 tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati đã có bài viết trên trang web của WEF về chủ đề "Tại sao phụ nữ sẽ là tương lai của châu Á".
Châu Á được xem là trung tâm tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Kể từ thập niên 80, sự phát triển kinh tế ở châu Á đã giúp hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói và nâng tầm châu Á trong nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở châu Á lại đang có dấu hiệu chững lại khi mà tốc độ tăng trưởng ở hai con số của Trung Quốc và Ấn Độ được dự báo không còn duy trì được lâu. Trong khi đó, nhiều quốc gia lại đang đối mặt với những thách thức về bẫy thu nhập trung bình. Còn những quốc gia đang ở vị thế có mức thu nhập cao nhất thì cố gắng đẩy mức tăng trưởng GDP hàng năm. Tất cả những yếu tố trên còn chịu tác động từ tình trạng biến đổi khí hậu, già hóa dân số và sự bất bình đẳng gia tăng trong khu vực.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia nhận định phụ nữ chính là tương lai của nền kinh tế châu Á. |
Theo Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati, châu Á hiện nắm trong tay một nguồn lực lớn có thể làm thay đổi tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực đó là từ phụ nữ và trẻ em gái.
Theo báo cáo từ Ngân hàng Phát triển châu Á, hiện chưa tới một nửa phụ nữ ở châu Á đứng trong hàng ngũ lực lượng lao động so với tỷ lệ 80% của nam giới. Ngay cả những phụ nữ có việc làm, mức lương họ nhận được cũng thấp hơn 25% so với nam giới. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế cũng chỉ ra rằng, những vị trí lãnh đạo kinh tế, lãnh đạo công việc quản lý thì phụ nữ chỉ có 1/3 cơ hội so với nam giới.
Cái giá của sự bất bình đẳng giới
Thực tế, sự bất bình đẳng giới đang đẩy lùi châu Á. Theo công ty tư vấn của Mỹ McKinsey, ước tính nền kinh tế thế giới thiệt hại khoảng 4,5 ngàn tỷ USD GDP vào năm 2025 vì bất bình đẳng giới. Con số này tương đương với quy mô nền kinh tế Nhật Bản thiệt hại mỗi năm.
Đối với châu Á, giờ là lúc tập trung đầu tư cho phụ nữ và trẻ em gái. Đây cũng là cách để gỡ bỏ những rào cản nhằm tiến tới sự thành công phát triển kinh tế trong khu vực. Đặc biệt, 3 vấn đề lớn nhất cần được cải tiến là hoạt động kinh doanh, chính sách của chính phủ và định kiến xã hội.
Trong đó, điều đầu tiên vừa là thách thức vừa mang tính quyết định thay đổi mọi thứ trong xã hội châu Á là việc chấm dứt ngăn cản phụ nữ và trẻ em gái tiếp cận đầy đủ với tiềm năng trở thành lực lượng lao động.
Theo bà Indrawati, xã hội châu Á cần có cái nhìn khác về phân biệt giới tính khi đặt phụ nữ vào những công việc không được trả lương hay những công việc mang tính chăm sóc. Đây chính là rào cản ngăn phụ nữ tiến tới những công việc mang tính chuyên môn cao cũng như đẩy họ vào những công việc chỉ được trả lương thấp. Trong khi, những công việc này có khả năng bị máy móc và công nghệ hiện đại trong tương lai thay thế đảm nhận.
Chấm dứt văn hóa lo sợ
Bộ trưởng Indrawati nhấn mạnh thêm, cần chấm dứt văn hóa lo sợ đối với các trẻ em gái ở những thành phố châu Á. Một phần trong vấn đề này là thay đổi nhận thức đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng an toàn hơn cho trẻ em gái. Trong kỷ nguyên đô thị hóa gia tăng, trẻ em gái và phụ nữ trẻ tuổi sinh sống ở các thành phố lại càng có thêm cơ hội được tiếp cận việc làm và giáo dục nhiều hơn. Trước đây, trẻ em gái và phụ nữ trẻ tuổi thường bị giữ ở nhà bởi những lo ngại về việc bị quấy rối, xâm hại hay bóc lột.
“Điều cuối cùng chúng ta cần làm là đảm bảo các bé gái có được những hình mẫu và người dạy đúng chuẩn để họ có thể phát triển. Nếu các bé gái biết được rằng, ngày càng có nhiều phụ nữ đảm nhận cương vị lãnh đạo cả trong các phòng họp cho tới những vị trí cấp cao hay lãnh đạo các phòng ban, điều này sẽ tạo ra những thay đổi về nhận thức công việc mà phụ nữ có thể làm”, bà Indrawati nói.
Tuy nhiên, ở hiện tại, không chỉ những ngành công nghiệp kỹ thuật số bị nam giới chiếm đa số mà ngay cả những môn học giảng dạy liên quan tới khoa học, công nghệ, máy móc và toán học (gọi chung là Stem) cũng đang nghiêng về phía nam giới và học sinh nam. Thậm chí, các gia đình còn lo sợ việc tiếp cận Internet sẽ đẩy con gái họ vào cảnh bị lạm dụng hoặc bóc lột trên mạng. Đây chính là điều thứ hai cần thay đổi nhận thức.
Nói cách khác, theo bà Indrawati, các nước cần có những khoản đầu tư thông minh vào thế hệ lao động tương lai bằng cách trang bị cho các bé gái kỹ năng, công cụ và năng lực để họ không chỉ tiến tới con đường thành công mà còn có khả năng thúc đẩy mọi mặt của nền kinh tế trong tương lai.
Theo thống kê, có khoảng 50% phụ nữ tại châu Á tham gia vào lực lượng lao động so với 80% nam giới. Nguồn: Reuters |
Kỹ năng và hình mẫu
Chính phủ các nước cần đảm bảo các khoản đầu tư vào kỹ năng kỹ thuật số cũng như khả năng tiếp cận thông tin và công nghệ thông tin (ICT) sẽ được đưa vào chương trình giáo dục ở mọi cấp đồng thời tạo cơ hội học tập ngang bằng nhau cho cả nam và nữ học sinh. Ngoài ra, hệ thống giáo dục cần hướng tới mô hình học tập trực tuyến để thế hệ trẻ có thể chủ động vận dụng công nghệ mà họ đã được học cũng như nâng cao kỹ năng ICT trên mọi phương diện. Quan trọng nhất vẫn là toàn bộ hệ thống đào tạo và giáo dục cần xóa bỏ khoảng cách giới tính như việc chỉ đào tạo cho nam giới một số ngành nghề nhất định.
Lĩnh vực tư nhân cũng nên có những khóa đào tạo kỹ năng và học nghề trong tương lai cho những phụ nữ trẻ tài năng ngay cả khi họ không tham gia các khóa đào tạo truyền thống trước đây. Điều này sẽ cho phép các bé gái và phụ nữ trẻ ngày càng có thêm cơ hội để tiếp cận các ngành công nghiệp kỹ thuật số và Stem cũng như tạo điều kiện để họ có thể chuyển đổi công việc.
Thực tế, cần có thêm nữ giảng viên được đào tạo và tuyển dụng vào giảng dạy tại các trung tâm kỹ thuật số nhằm tạo ra một môi trường học tập an toàn và phù hợp hơn với các nữ học sinh. Các công ty Internet và cả chính phủ các nước cũng cần cam kết có thêm những chính sách bảo vệ quyền cá nhân và tăng khả năng được tiếp cận Internet cho nữ giới, đồng thời có biện pháp đấu tranh ngăn nạn quấy rối phụ nữ và trẻ em gái trên mạng.
Khi trẻ em gái và phụ nữ trẻ tuổi có những hình mẫu để theo đuổi, họ sẽ không chỉ tiến tới để có một công việc tốt mà còn là nguồn nhân lực tạo ra những công việc mới trong tương lai. Việc đầu tư vào những ý tưởng mới hay xây dựng các công nghệ mới hỗ trợ những doanh nghiệp mới khởi nghiệp sẽ giúp họ trở thành những nhà lãnh đạo tiềm năng cho nền kinh tế châu Á tương lai.
Bà Indrawati kết luận, chính sự kiện Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11 – 13/9 là thông điệp gửi tới giới chức các nước, các lãnh đạo doanh nghiệp, dư luận xã hội và các tổ chức giáo dục rằng, phụ nữ chính là tương lai của châu Á.