Washington Post: Nga có biết Trung Quốc đầu tư bao nhiêu tại Ukraine?
Vào 6/7, tờ Thời báo Tài chính (FT) đưa tin cho biết Ukraine đã trở thành nước xuất khẩu ngô lớn nhất vào Trung Quốc, vượt qua Mỹ. Điều này gây ngạc nhiên, vì Mỹ sở hữu một lịch sử gần như độc quyền trong việc xuất khẩu ngô sang Trung Quốc. Việc Ukraine trở thành mắt xích cung cấp thực phẩm quan trọng cho Trung Quốc không dừng lại ở ngô. Kể từ khi Nga sáp nhập Ukraine, Ukraine đã tăng cường thúc đẩy thương mại nông nghiệp với Trung Quốc lên mức 56%.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Đó là nghịch lý. Một mặt, Trung Quốc gần như không lên tiếng về vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Thậm chí, Bắc Kinh còn "phớt lờ" câu chuyện chính trị đó để cùng Nga ký kết hợp đồng khí đốt khủng vào năm 2014. Tuy nhiên, Trung Quốc có vẻ như cũng đang giúp cho nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá của Ukraine bằng đầu tư và thương mại.
Samuel Ramani là một chuyên gia nghiên cứu về Nga và Đông Âu tại trường Cao đẳng St. Antony, thuộc Đại học Oxford. Ông thường xuyên viết về chính sách đối ngoại của nước Nga trong quá khứ cũng như hiện tại. Ngày 24/7, tờ Washington Post có đăng một bài bình luận khá đặc biệt của ông về mối quan hệ Nga - Ukraine - Trung Quốc trong bối cảnh mà ai cũng tin rằng Trung Quốc đang ngầm hỗ trợ cho nước Nga trên các diễn đàn chính trị thế giới. Infonet xin lược dịch về bài viết này của ông Ramani để độc giả nắm rõ hơn về quan điểm địa chính trị trong khủng hoảng Ukraine.
Phân tích sâu sắc hơn về chính sách Ukraine đầy mâu thuẫn của Trung Quốc, rõ ràng chiến lược của Bắc Kinh là duy trì mối quan hệ thực dụng không liên kết trong không gian hậu Xô Viết. Nước này nhận ra lợi ích của việc cân bằng các mối liên kết thương mại với cả Nga và Ukraine, đặc biệt là muốn chiếm giữ lợi thế nhập khẩu giá rẻ từ nền kinh tế khủng hoảng ở Kiev. Nhìn về phía Ukraine, Trung Quốc đang tạo thuận lợi cho nước này tái thiết lại nền kinh tế từ đống tro tàn của chiến tranh, giúp mở rộng các ngành công nghiệp từng phát triển của Ukraine như công nghệ thông tin, xây dựng bất động sản, xuất khẩu nông sản...
Ukraine chuyển hướng trọng tâm sang Trung Quốc cũng giúp giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế lâu dài vào Nga. Mặc dù đang có xung đột với nhau, Nga vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine. Tăng cường hợp tác kinh tế Trung - Ukraine cũng giúp bù đắp sự miễn cưỡng giúp đỡ tài chính từ phía phương Tây.
Thường người ta sẽ cho rằng cuộc xung đột Ukraine sẽ giúp Nga - Trung bắt tay nhau chống lại phương Tây. Thực tế, Ukraine lại trở thành một khu vực cạnh tranh kinh tế giữa hai cường quốc thay vì một cơ sở cho việc hợp tác lâu dài. Để giải thích điều này, cần nhìn vào bối cảnh lịch sử quan hệ Ukraine - Trung Quốc trong thời gian gần đây.
- Việc tăng cường liên kết kinh tế Trung - Ukraine bắt đầu từ rất lâu trước khi vụ sáp nhập Crimea vào Nga năm 2014. Nó đã bắt đầu từ thời Tổng thống Viktor Yushchenko (2004-2010) còn đương nhiệm, khi Ukraine có tham vọng lớn sẽ hội nhập châu Âu. Trong năm 2009, Trung Quốc cung cấp viện trợ thiết bị y tế chống đại dịch cúm và đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng ở sông Dnipro do Kiev đề ra.
Mối quan hệ kinh tế Trung - Ukraine được mở rộng ngay sau khi xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008. Đầu năm, Ukraine suy giảm 15% GDP, lạm phát tăng 16,4%. Sự sụp đổ của ngành công nghiệp thép Ukraine lúc đó đã buộc nước này phải quay trở về với giá trị xuất khẩu truyền thống là nông nghiệp. Đồng thời, nhu cầu thực phẩm của Trung Quốc lại gia tăng, đẩy quan hệ hai nước trở nên gần gũi hơn. Lúc đấy, cả Nga và phương Tây không sẵn lòng cung cấp viện trợ kinh tế cho Kiev, cho Bắc Kinh cơ hội trở đưa đòn bẩy kinh tế qua đất nước Ukraine. Sự mở rộng ảnh hưởng này đảm bảo rằng Ukraine sẽ đóng một vai trò có ích ở rìa phía tây "Con đường Tơ Lụa" mà Trung Quốc đang xây dựng nhằm tăng sức mạnh địa chính trị, kết nối liên minh kinh tế Á - Âu đến Nam Á và Thái Bình Dương.
Mối quan hệ này tiếp tục phát triển dưới thời Tổng thống Viktor Yanukovych. Sang 2011, Trung Quốc tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Ukraine, mở rộng đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng như các chương trình đường sắt, sân bay ở Kiev. Tuy nhiên, nó có điểm trũng. Theo tạp chí The Diplomat, nó đã thất bại trong năm 2013, khi quan hệ song phương giữa hai nước giảm 0,5%, trái ngược với sự tăng trưởng 36% hàng năm trong nhiệm kỳ của Tổng thống Yushechenko. Nguyên nhân được đánh giá từ nhiều phía: Từ sự sụp đổ của nền kinh tế Ukraine, quan hệ Moscow - Kiev cùng sự kiện Crimea trở về với Nga đã đưa quan hệ Trung - Ukraine vào một vận rủi.
Đến nay, dưới thời Tổng thống Petro Poroshenko, ông này ủng hộ mối quan hệ gần gũi với EU hơn là Trung Quốc trong việc chống lại ảnh hưởng của Nga. Trung Quốc không bị ràng buộc bởi sự cân bằng quan hệ giữa Nga và Ukraine. Kết quả là, Trung Quốc chiếm thế thượng phong trong "Trò chơi lớn" với Ukraine. Ngay cả trước khi cách mạng Maidan nổ ra cuối năm 2013, Trung Quốc tuyên bố có ý định thuê lại 5% đất trang trại của Ukraine. Sau vụ sáp nhật Crimea năm 2014, Trung Quốc đều đặn tăng phạm vi ảnh hưởng lên đất nông nghiệp ở Ukraine.
Trung Quốc cũng đầu tư đáng kể trong các lĩnh vực khác. Tháng 3/2015, Trung Quốc cho Ukraine vay 15 tỷ USD trong 15 năm, tái thiết lại cơ sở vật chất đã sụp đổ và nâng đỡ thị trường bất động sản của nước này. Quan hệ giữa hai nước còn sâu sắc hơn trong lĩnh vực công nghiệp hàng không, công nghệ thông tin, những ngành công nghiệp tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế Ukraine.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Washington Post, nhật báo lớn nhất và là lâu đời nhất tại Washington D.C, Mỹ. Bên cạnh những tờ báo lớn khác như The New York Times, The Wall Street Journal và Los Angeles Times, The Washington Post thường đăng tải các phóng sự về Nhà Trắng, Quốc hội và những khía cạnh khác của chính phủ Mỹ.