Vườn hoa, cây cảnh quý hiếm, độc nhất vô nhị của bác Cách
Phong phú các loại lan
Hai lần ghé qua vườn cây, hoa cảnh của bác Trần Duy Cách, chúng tôi đều bắt gặp nhiều người yêu hoa, nhất là các loại lan đến thăm thú, chọn mua. Anh Trần Văn Bách, một khách hàng thường xuyên mua phong lan cho hay, tiểu vườn nhà anh có khá nhiều các loại lan, nhưng niềm đam mê với lan của anh chưa bao giờ dừng lại. Anh chọn vườn lan của bác Cách là bởi có nhiều cây đẹp, phù hợp với túi tiền và sở thích.
Nắm được nhu cầu, sở thích của khách hàng, mấy tháng nay, bác Cách đã đặt thêm các loại lan mokara, vanda... ở Đà Lạt để ghép cành, chưng vào chậu phục vụ khách hàng. Ghép xong đến đâu khách hàng mua hết đến đó. Nếu muốn sở hữu chậu hoa theo ý thích, có lúc khách hàng phải đợi hai ba hôm.
Phật thủ, cây cảnh được ưa chuộng thời gian gần đây |
Theo chủ vườn hoa, người dân chọn mua lan là bởi màu sắc đẹp và khá dễ trồng, chăm sóc. Thời gian nở hoa kéo dài, có loài thậm chí tới 3 tháng. Vì thế, mấy năm gần đây, phong trào trồng lan phát triển khá mạnh. Một chậu lan hồ điệp với 3 cây, có thể 3 màu hoặc một màu tùy theo sở thích có giá dao động khoảng từ 500-700 ngàn đồng. “Với những người yêu hoa, con số này có thể chấp nhận được. Ngày tết, có một chậu lan đẹp ở phòng khách cũng thú vị. Vừa lâu tàn, vừa thơm, lại dễ trồng nên mình rất thích. Năm nào gia đình mình cũng mua ít nhất một chậu lan”, chị Phương Anh, một “tín đồ” của lan hồ điệp chia sẻ.
Đa số khách hàng đến với vườn lan của bác Cách đều quen thân hoặc được người đã từng mua giới thiệu. Điểm chung của hầu hết khách hàng là sau khi tham quan vườn hoa, cây cảnh, ai cũng dừng lại trước những cây hoa lan thuộc dòng quý hiếm, mà rất ít người chơi lan có, như hoài thanh, đại thanh, thanh ngọc, hoài ngọc, nghênh xuân đen, vàng, trắng... Đặc biệt là cây mai vàng có tuổi thọ khoảng 50 năm cho cành vươn rộng vài người ôm không xuể đang độ nở hoa. Đã có nhiều người ngỏ ý muốn mua lại hoặc thuê để trưng ba ngày Tết, song bác Cách chưa đồng ý.
Nhiều loại cây mới
Dù yêu lan đến độ nghe ở đâu có người bán những loại lan quý, hiếm là lập tức đến tận nơi, nhịn cả tiền cơm để mua cho bằng được, song, trước cơ chế thị trường, bác Cách phải nhập thêm nhiều giống cây mới để làm phong phú vườn cây cảnh của mình cũng như đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Hiện, ngoài các loại cây phật thủ cảnh được ưa chuộng hai ba năm trở lại đây, vườn cây, hoa cảnh của bác Cách có khá nhiều các loại cam, quýt bưởi... Và rất nhiều các loại cây, hoa cảnh khác mà người dân ưa chuộng, như đỗ quyên, ly ly, tường vi....
Bác Cách cho hay, các giống cây mới tuy nhập từ các tỉnh ngoài Bắc hoặc trong Nam, song bác không chỉ bán mà còn nghiên cứu kỹ thuật để trồng, ghép cành, nhân giống. Như cây phật thủ tuy thị trường Huế mới xuất hiện vài năm nay, nhưng trước đó bác đã trồng cây này hơn 5 năm và đã cho quả. Cho chúng tôi xem một quả phật thủ vừa chín đang để ở bàn thờ bác dẫn chúng tôi đến cây phật thủ đang ra hoa, chuẩn bị kết trái trồng bấy lâu nay để minh chứng rằng không chỉ ở ngoài Bắc, Huế cũng hoàn toàn có thể trồng được cây này, quan trọng là ở khâu chăm sóc.
Người đàn ông đã qua tuổi thất thập, song vẫn rất nhanh nhẹn, tháo vác còn chỉ cho chúng tôi xem thành quả của việc nhân các giống cây, như chanh đào, nói rằng khí hậu thời tiết ở Huế dù khắc nghiệt, song nếu con người có tâm huyết, yêu cây, yêu hoa đều có thể trồng thành công các loại cây hoa quý.
Sắp tới, khi hoàn tất việc san lấp mặt bằng ở phía đối diện Đô thị mới An Cựu, bác Cách cho hay sẽ chuyển toàn bộ vườn cây hoa cảnh của mình đến đây để mở rộng vườn, tạo điều kiện thuận lợi để người yêu hoa, cây cảnh tham quan, mua bán.
Bài, ảnh: Linh Đan/Báo Thừa Thiên Huế