Vừa hay tin con dâu bầu con gái thứ 2, mẹ chồng đã "phán" phải sinh đứa thứ 3 con trai
Nhà tôi có “truyền thống” sinh con một bề nên khi tôi lấy chồng, lại làm dâu trưởng một họ lớn trong làng thì tôi thấy áp lực ghê gớm.
Và rồi điều tôi lo lắng cũng đã tới: Ba năm sau ngày cưới vợ chồng tôi lần lượt sinh 2 công chúa.
Ngay khi biết tin tôi mang bầu cháu thứ 2 cũng là con gái, mẹ chồng tôi đã phán ngay với chồng tôi trước mặt các anh chị em nhà chồng: “Cái Đào muốn yên ổn ở làng này thì phải tính cách để đẻ được đứa con trai con ạ, con về bàn với vợ tính như thế nào thì tính dần đi. Mẹ lo cho dòng họ 1 phần, lo cho nó 5 phần đấy”.
Nghe chồng kể vậy tôi thấy hoang mang lắm. Vợ chồng tôi đều là công chức nhà nước, lương đủ ăn đủ tiêu, giờ mà tính sinh thêm một đứa con trai để nối dõi tông đường nữa thì phải đầu tư rất nhiều, không chỉ đơn giản chuyện mang thai và sinh nở là xong.
Hơn nữa, với vai trò một cán bộ y tế huyện, chồng tôi có yên bề công tác khi sinh con thứ ba? Và điều làm tôi hoang mang nhất đó chính là không biết kịch bản nào sẽ được viết để cho gia đình tôi chào đón đứa con thứ 3 một cách hợp tình hợp lý?
Bởi lẽ chẳng đâu xa, ngay trong làng tôi đã có những tấm gương tày liếp về việc cố sinh con trai.
Ảnh minh họa |
Đơn giản như nhà ông Hiệu phó trường cấp 1 trong làng tôi, phải chạy đôn chạy đáo lo được tờ giấy xác nhận của y tế là vợ mắc bệnh hiểm nghèo, không thể bỏ thai để đường hoàng vỡ kế hoạch sinh con thứ ba. Vậy là ông vừa thoát khỏi mọi án kỷ luật lại vừa có thêm thằng cu chống gậy.
Nhà cô Vinh ngay đầu làng tôi, chồng là bộ đội đóng quân ở xa, cũng là con trưởng. Cô chú có 2 con gái xinh đẹp, thông minh, học giỏi nức tiếng. Vậy mà không hiểu cô chú nghe ai tư vấn, cô tiếp tục mang bầu con trai mãn nguyện như ý. Rõ ràng đứa con trai sinh ra giống bố như đúc nhưng người nhà chồng vẫn nói khắp làng rằng chồng đi công tác xa nhà, vợ ở nhà ngoại tình mới có đứa bé trai này. Ai cũng bảo chỉ vì vợ muốn giữ "thể diện" cho chồng mà hi sinh danh dự nhiều quá, đứa bé sau này lớn lên nó nghe được câu chuyện có thấy tổn thương không?
Chuyện nhà bà Hạnh ông Hoàng cũng rầm rầm khắp làng một thời. Bà Hạnh là người quê Nam Định, gặp ông là kỹ sư cầu đường một thời mê say mà theo ông về làng tôi làm dâu. Thế rồi có thời gian bà cáo làng xóm phải về quê một thời gian dài chăm mẹ bị ốm. Gần năm sau bà trở về và mọi sinh hoạt diễn ra bình thường.
Tới tận 15 năm sau, khi ông Hoàng nghỉ hưu, cả làng ngã ngửa khi có một cậu trai khôi ngô tuấn tú đi theo ông Hoàng về nhà, ra mắt họ hàng làng xóm. Cậu trai đó được giới thiệu là con trai của ông Hoàng bà Hạnh.
Vậy ra trước đây bà Hạnh nói dối về quê chăm người ốm thực ra là lánh về quê sinh con thứ 3, rồi nhờ chị gái ở quê nuôi hộ để tránh điều tiếng ở làng tôi, sợ bay đến tai người cơ quan ông Hoàng mà làm ông mất chức.
Trước đây thỉnh thoảng cũng thấy cậu con trai đó nghỉ hè về làng tôi đi chơi với bọn trẻ con trong xóm nhưng đều được nói là con cháu ở quê lên chơi. Vậy là chỉ vì giữ "ghế" cho bố mà con phải sống xa bố mẹ từ lúc lọt lòng, 15 năm mang danh làm con người khác. Buồn thay!
Có một nhà còn kịch tính hơn. Ông chồng đang là trưởng phòng tổ chức cán bộ của một cơ quan nhà nước, nhưng vì thèm khát một thằng con chống gậy mà nỡ lòng coi con là con nuôi. Bà vợ một thời gian cũng nói với người làng là đi thăm họ hàng ở trong Nam vài tháng. Rồi một ngày bà trở về bế theo đứa trẻ sơ sinh. Hai ông bà làm thủ tục nhận con nuôi: đăng báo tìm bố mẹ đứa trẻ, thông báo khắp làng xóm theo đúng thủ tục rồi đương nhiên đi khai sinh cho đứa bé theo họ bố nuôi.
Thế nhưng đúng ngày đang ra xã làm giấy khai sinh thì có một cô gái tới nhận đó là đứa con của cô ta mang nặng đẻ đau. Hóa ra bấy lâu nay ông bà âm thầm thuê người mang thai và sinh con hộ, cô gái kia vì hoàn cảnh gia đình khó khăn cần tiền chữa bệnh cho bố nên mới chấp nhận hi sinh như vậy. Nhưng rồi bản năng làm mẹ khiến cô không nỡ từ bỏ đứa bé nên đã lần theo dấu vết ông bà để lại mà tìm tới tận nhà.
Cũng không rõ sau này họ giải quyết như thế nào, nhưng lại một lần nữa đứa trẻ sinh ra không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn trong vòng tay của bố mẹ.
Vì thế, tôi rất hoang mang. Không biết rồi đây tôi sẽ phải đóng vai một bà mẹ nuôi, hay một người vợ ngoại tình để hợp pháp một đứa con trai do chính tôi mang nặng đẻ đau sinh ra cùng chồng của tôi đây?
Bạn đọc Lê Thị Đào