Vụ 'tố' chồng cũ bắt nhốt trên ô tô, đánh đập hơn 1 ngày: Hành vi bắt người trái pháp luật?
Theo luật sư, cơ quan công an có thể khởi tố anh T về hành vi bắt người trái pháp luật nếu chưa đủ 11% thương tích. Khi có kết quả giám định mà tỷ lệ thương tích từ 11% trở lên thì nâng khung hình phạt với anh T.
Chiều 13/9, trao đổi với PV Infonet, một lãnh đạo Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết đã tiếp nhận hồ sơ vụ việc người phụ nữ gửi đơn tố cáo bị chồng cũ bắt nhốt, hành hung hơn 1 ngày. Công an quận đã phân công một tổ công tác tiến hành điều tra vụ việc.
Cơ quan Công an quận sẽ khẩn trương vào cuộc tiến hành điều tra, làm rõ và không bao che cho sai phạm. Hiện lực lượng chức năng đang tiến hành đưa chị H. đi giám định thương tích theo quy định. Kết quả giám định sẽ là căn cứ để cơ quan điều tra có quyết định khởi tố hình sự đối với anh T. (chồng cũ của chị H.) hay không.
Hình ảnh chị H. sau khi bị chồng cũ đánh đập. (Ảnh gia đình nạn nhân cung cấp). |
Trao đổi với PV Infonet về vụ việc nêu trên, luât sư Phạm Thu Hà – VPLS Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: “Hành vi của người chồng cũ là anh T đến tìm chị H ở một siêu thị phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) để nói chuyện, nhưng trong cuộc nói chuyện anh T và chị H có xảy ra mâu thuẫn dẫn đến việc anh T bắt đầu đánh đập chị H.
Không chỉ vậy, anh T còn lôi chị H lên xe ô tô rồi tiếp tục đánh đập, hành hung chị suốt đêm đến rạng sáng hôm sau và bỏ đói, không cho đi vệ sinh. Sau đó, anh T đưa chị H đến một nhà nghỉ ở Hòa Bình và tiếp tục đánh đập.
Do đó, có thể thấy hành vi của anh T cấu thành tội bắt người trái pháp luật. Cơ quan Công an quận đang tiến hành đưa chị H đi giám định thương tích theo quy định. Kết quả giám định sẽ là căn cứ để cơ quan điều tra có quyết định khởi tố hình sự đối với anh T hay không.
Trường hợp, nếu thương tích dưới 11%, cơ quan công an vẫn có thể khởi tố, bắt anh T về hành vi bắt người trái pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015, sử đổi, bổ sung 2017: Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6- 3 năm.
Luật sư Phạm Thu Hà trao đổi với PV Infonet về vụ việc. |
Cụ thể: Hành vi bắt người trái pháp luật được hiểu là hành vi của người không có thẩm quyền, khống chế người khác không theo đúng các quy định của pháp luật để tạm giữ hoặc tạm giam họ. Pháp luật chỉ thực hiện việc bắt, tạm giữ, tạm giam trong các trường hợp: bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Như vậy, hành vi của anh T khi bắt, giữ chị H không đúng quy định bị coi là trái pháp luật”.
Ngoài ra, luật sư Thu Hà cũng nhấn mạnh: “Về mặt chủ thể: anh T là công dân Việt Nam, đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có đủ năng lực trách nhiệm hình sự bao gồm năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi.
Còn về mặt khách thể: hành vi bắt người của anh T là hành vi xâm phạm đến quyền tự do thân thể, quyền tự do đi lại của chị H.
Về mặt khách quan: Nếu đúng như tố cáo, anh T thực hiện hành vi bắt, giữ chị H trái pháp luật. Hình thức bắt của anh T là đe doạ dùng vũ lực buộc chị H đến nhà nghỉ ở Hòa Bình để tiếp tục đánh đập. Trong quá trình bắt chị H, anh T có những hành vi gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của chị H thì anh T còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS 2015, sử đổi bổ sung 2017).
Hình ảnh người chồng cũ hành hung vợ (Ảnh cắt từ clip). |
Hậu quả của hành vi: bắt người trái pháp luật trước hết là gây ra việc một người bị bắt trái pháp luật. Hậu quả của tội phạm này không phải là dấu hiệu bắt buộc mà nếu có thì là dấu hiệu định khung hình phạt.
Tội bắt người trái pháp luật của anh T hoàn thành vì anh T đã có hành vi bắt người trái pháp luật (chị H) xảy ra. Tuy chưa có kết quả giám định thương tích, nhưng hành vi của anh T đã cấu thành tội bắt người trái pháp luật theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 157 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Vì vậy cơ quan công an có thể khởi tố, bắt anh T về hành vi bắt người trái pháp luật nếu chưa đủ 11% thương tích. Sau khi đã có kết quả giám định mà tỷ lệ thương tích từ 11% trở lên thì có thể nâng khung hình phạt của anh T lên các khoản 2 hoặc khoản 3. Ngoài hình phạt chính, còn hình phạt bổ sung thì anh T có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1- 5 năm”.
Hình ảnh chị H. đang điều trị tại bệnh viện |
Bên cạnh đó, luật sư Thu Hà cũng khuyến cáo: “Chúng ta có một hệ thống pháp luật với những quy định chặt chẽ, thường xuyên được bổ sung, cập nhật nhằm mục tiêu phòng, chống bạo lực gia đình, nhưng vấn nạn này cứ mãi tiếp diễn.
Chúng ta đang có hàng chục luật với các điều khoản, quy định nhằm ngăn cấm, định tội cho hành vi bạo lực gia đình như: Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật hôn nhân gia đình, Luật bình đẳng giới, Bộ luật hình sự…
Đau lòng hơn, theo thời gian, những vụ đánh đập phụ nữ, hành hạ, ngược đãi có khuynh hướng thêm phức tạp.
Dù những ông chồng vũ phu đang bị chính quyền xử lý, nhưng điểm chung của những người vợ (nạn nhân) trong các vụ việc lại giống nhau ở cách im lặng cam chịu. Nếu không nhờ cộng đồng mạng vì quá bức xúc và chính quyền chủ động vào cuộc, thì chẳng có ông chồng vũ phu nào bị xử lý.
Cách tốt nhất để hạn chế và ngăn ngừa những hậu quả đau lòng từ những ông chồng vũ phu đấy, là những người vợ nên chủ động nhờ pháp luật bảo vệ mình, thay vì im lặng một cách bị động. Bởi nếu càng im lặng, nhẫn nhục bao nhiêu, thì những người chồng vũ phu càng lấn tới và hậu quả cuối cùng sẽ rất nặng nề, có khi không lường trước được. Sự cam chịu và im lặng của nạn nhân chính là một sai lầm, thậm chí còn là hành vi vi phạm pháp luật: dung túng và bao che tội phạm.
Thêm vào đó, việc xử phạt các hành vi bạo lực gia đình không đủ sức răn đe, đa số thường được hòa giải chứ chưa được giải quyết một cách dứt điểm. Trong thực tế, nếu chỉ hòa giải thì sẽ không bao giờ ngăn được bạo lực của những ông chồng vũ phu. Thiết nghĩ, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức còn là xử phạt nghiêm minh bằng những chế tài thích đáng hơn nữa”.
Theo nội dung đơn phản ánh của người nhà chị H. thì chị và chồng cũ là anh T. mới ly hôn được vài tháng ở Thanh Hóa. Sau khi kết thúc hôn nhân, chị H. đi Hà Nội làm việc.
Khoảng 21h ngày 6/9, anh T. đến tìm chị H. ở một siêu thị tại phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) để nói chuyện. Trong cuộc nói chuyện này, giữa chị H. và anh T. xảy ra mâu thuẫn. Lúc sau, anh T. bắt đầu đánh vợ cũ. Không chỉ vậy, anh T. còn lôi chị H. lên xe ô tô rồi tiếp tục đánh đập.
Trong đơn trình báo gửi đến cơ quan chức năng, chị H. cho hay chị bị hành hung suốt đêm 6/9 đến rạng sáng hôm sau (7/9 – PV) trên ô tô và bị bỏ đói, không được đi vệ sinh.
Cũng trong đêm, gia đình trình báo Công an phường Xuân Tảo về sự mất tích của chị H. Nạn nhân tố cáo, đến sáng 7/9 bị đưa đến một nhà nghỉ ở Hòa Bình và tiếp tục bị đánh đập.
Đến chiều 7/9, chị H. được đưa trở về Hà Nội. Khi có mặt ở Hà Nội, nạn nhân tường trình bị chồng cũ đánh sau khi người này đọc được tin nhắn trong điện thoại của chị.
Theo trình báo, nạn nhân chỉ thoát được sự kiểm soát của chồng cũ khi được một số người dân phát hiện, giải cứu.
Vào chiều 13/9, người nhà của nạn nhân cho biết hiện sức khỏe của chị H. chưa có tiến triển. Chị vẫn phải điều trị tại bệnh viện với các vết thương, bầm tím khắp cơ thể, đặc biệt là ở vùng mặt. Bên cạnh đó, tinh thần của chị H. không ổn định, thường xuyên hoảng loạn và không muốn tiếp xúc với người khác.
Tân Trường