Vụ Tiên Lãng: Lực lượng cưỡng chế đã đi sai đường công vụ?
Vụ Tiên Lãng: Lực lượng cưỡng chế đã đi sai đường công vụ?
>Chủ tịch và phó chủ tịch huyện Tiên Lãng bị cách chức
> Vụ Tiên Lãng: Cần chuyển cho cơ quan điều tra quân sự
> Cách chức, kỷ luật hàng loạt lãnh đạo huyện Tiên Lãng
> Kiến nghị mới nhất từ Luật sư của Đoàn Văn Vươn
>Cán bộ lão thành đề nghị cách chức Bí thư Thành ủy Hải Phòng
![]() |
Luật sư Nguyễn Việt Hùng |
Đường công vụ là đường nào?
Trong kiến nghị gửi các cơ quan chức năng, Luật sư Nguyễn Việt Hùng, Luật sư bào chữa cho hai bị can Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý, chỉ ra rằng: Còn một con đường khác đủ to và rộng để các lực lượng cưỡng chế đi vào khu vực bị cưỡng chế và đây mới chính là đường mà phía UBND huyện cho rằng là đường công vụ.
Đường mà lực lượng cưỡng chế đi vào có thể đến được khu vực cưỡng chế nhưng phải đi qua nhà và khu vực chăn nuôi của gia đình ông Quý, ông Vươn, không nằm trong khu vực bị cưỡng chế, họ cũng đã làm tới ba lần rào chắn chắc chắn (Rào tre có chằng buộc cẩn thận) nhưng lực lượng cưỡng chế đã không báo trước là sẽ đi qua và vẫn tự động phá cửa, phá rào đi vào khu vực chỗ ở của những người này.
![]() | ||
|
Ngay cả khi gặp phải sự phản kháng bằng mìn tự tạo, bình gas của một số người trong gia đình ông Vươn, thì vẫn có sự chỉ huy lực lượng cưỡng chế tiếp tục xông vào, khiến sáu cán bộ chiến sỹ công an, bộ đội bị bắn; đồng thời cũng quản lý và chiếm giữ luôn cả khu vực đầm và nhà của gia đình ông Vươn không nằm trong khu vực bị cưỡng chế.
Trách nhiệm của những người có thẩm quyền
Cũng theo Luật sư Nguyễn Việt Hùng: Sau khi cưỡng chế, một số cán bộ cấp huyện, xã không những không bảo vệ hiện trường mà còn lệnh phá nhà, hủy hoại tài sản của công dân, đến nay Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án.
Chỉ riêng hành vi của một số cán bộ, công chức liên quan đến việc cưỡng chế nhầm nhà dân, khi gặp phản kháng vẫn tiếp tục xông vào, rồi việc quản lý tài sản sau cưỡng chế nhưng tài sản lại bị hủy hoại, cá, tôm, chuối và một số tài sản khác có dấu hiệu bị đánh bắt, chiếm đoạt đã đủ cơ sở chứng minh họ thiếu trách nhiệm và gây hậu quả nghiêm trọng đến mức nào, nếu chưa muốn nói là vô trách nhiệm với nhân dân và vô trách nhiệm với tính mạng, sức khỏe của cả đồng đội, đồng nghiệp của họ; xâm phạm đến các quy định của Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.
Những cán bộ, công chức từ cấp xã đến cấp thành phố liên quan đến vụ việc có trách nhiệm, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đất đai, giao đất, thu hồi đất, xét xử đúng pháp luật, cưỡng chế thu hồi đất đúng pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật ở địa phương. Nhưng trong một khoảng thời gian dài và gia đình ông Vươn đã nhiều lần khiếu nại, kiến nghị nhưng họ đã không thực hiện như vậy, hậu quả là một quyết định trái cả pháp luật và đạo lý vẫn được thực thi. Trách nhiệm của họ là phải hiểu biết pháp luật để thực hiện công vụ. Ngay cả trong trường hợp pháp luật về đất đai còn chưa rõ thì họ, với tư cách là cán bộ, công chức, cũng phải có trách nhiệm phối hợp, tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn ở địa phương, Trung ương để giải quyết vụ việc đúng pháp luật; thấu tình, đạt lý; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân. Mặc dù, trong trường hợp này, Luật đất đai năm 2003 đã quy định rõ những trường hợp nào thì được thu hồi đất, quy định này là rõ ràng, nhưng họ vẫn ra quyết định thu hồi và cưỡng chế thu hồi.
Luật sư Nguyễn Việt Hùng cho rằng: Những người có thẩm quyền biết lối đi ra khu vực cưỡng chế có hai lối đi, một lối là phải đi qua khu nhà đất, nơi cư trú của người dân không trong khu vực bị cưỡng chế; biết có rào chắn do dân chủ động ngăn không cho đi vào; biết việc đi qua đây sẽ có thể bị chống trả quyết liệt (có thể có mìn và súng) nhưng vẫn ra lệnh cho lực lượng cưỡng chế tiến vào để xảy ra việc người dân chống trả bằng việc cho nổ mìn tự tạo, bắn súng hoa cải vào lực lượng cưỡng chế; trong khi có lối đi khác không liên quan lại không chỉ đạo đi. Vậy: Ai là người sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này?
KIÊN TRUNG