Vụ tai biến ở Hoà Bình: Nên có người từ chức để giữ lại danh dự cho ngành y
Bác sĩ Phan Đình Hiệp mặc áo xanh nêu quan điểm của mình trong vụ tai biến y khoa. |
Xin chào bác sĩ Phan Đình Hiệp, thời gian qua trong giới y thuật Việt Nam xôn xao xung quanh câu chuyện của bác sĩ Hoàng Công Lương bị bắt sau sự cố y khoa gây tử vong cho 8 bệnh nhân ở Hoà Bình. Có thể nói chưa bao giờ tinh thần ủng hộ đồng nghiệp lại cao như thế. Cá nhân anh đánh giá như thế nào về vấn đề này?
BS Phan Đình Hiệp: Đúng như vậy, tôi thấy chưa có lần nào việc liên quan tới bác sĩ mà có nhiều người lên tiếng thế. Lần này có Tổng hội y hoc lên tiếng, trước đây thường hội nghề nghiệp họ đều "ngủ đông" mà giờ đã lên tiếng mạnh mẽ. Ngoài ra có cả những người là Đại biểu Quốc hội, bác sĩ Việt ở nước ngoài cũng lên tiếng.
Điều này có nghĩa là việc lên tiếng của giới y khoa là rất mới mẻ. Mọi tiếng nói đều có điểm rất thông cảm cho bác sĩ Hoàng Công Lương. Đây là sự cố đáng tiếc, có người bảo vệ quá mức cho rằng anh ấy vô tội, có người thì cho rằng đó là sự kém may mắn nhưng tất cả đều đồng cảm với BS Lương. Có thể nói, đây chính hiệu quả sức mạnh của nhân viên y tế, tất cả ngành vì sự thật nói lên tiếng nói bảo vệ đồng nghiệp để xã hội đánh giá được vai trò của y tế.
Ngoài ra, tôi cũng thấy chưa có lần nào báo chí và y tế có sự thông cảm như lần này, mọi người đều ủng hộ bác sĩ Lương. Đây là điều đáng mừng nhất mà tôi nhận thấy trong vụ việc của bác sĩ Lương lần này.
Nhưng đây sẽ là bài học không chỉ riêng cho bác sĩ Lương mà cho cả các bác sĩ trẻ khác vì họ còn quá tin người và cả nể mà trong ngành y không thể cả nể được.
Với lỗi này của bác sĩ Lương, việc bắt giam là chưa hợp lý, có thể để tại ngoại để điều tra, về mức phạt thiết nghĩ có thể phạt đình chỉ làm việc 3 tháng. Trong thời gian này, bác sĩ Lương có thể đi học thêm cũng như tĩnh tâm trước khi quay lại môi trường làm việc lâm sàng.
Không chỉ có giới bác sĩ, hội nghề nghiệp mà ngay cả người nhà bệnh nhân cũng làm đơn xin cho bác sĩ Lương được tại ngoại. Theo anh đây có phải là tín hiệu đáng mừng khi bác sĩ và người bệnh ở nước ta đang tìm được tiếng nói chung?
BS Phan Đình Hiệp: Vụ việc này tôi thấy người nhà bệnh nhân cũng đứng về phía bác sĩ. Có vẻ chúng ta đang quên đi điều cơ bản là bác sĩ cũng cần có thái độ phục vụ nhân dân. Khi 8 người chết (dù là không cố ý) thì đó cũng là lỗi rất lớn của hệ thống ngành y.
Người nhà của họ tử vong nhưng họ không kéo quan tài đến bệnh viện như ta thấy một số vụ trước đây, không bạo hành nhân viên y tế, không trường hợp nào đến phá bệnh viện. Dù họ rất đau xót nhưng người ta vẫn nhịn, chấp nhận hi sinh, chưa nóng nảy. Đây là sự tiến bộ của người dân trong các vụ tai biến y khoa.
Điều duy nhất đến thời điểm này mà tôi còn chưa thấy đó là những người có vai trò lãnh đạo trong đội ngũ Y tế và khả năng viết/nói quan điểm có lời cảm ơn người dân trong vụ việc này.
Bộ Y tế lẽ ra nên làm đàn chay nên tạ lỗi người đã khuất và cảm ơn gia đình họ đã thông cảm và có thể phải có người có trách nhiệm trong ngành Y tế (hay những ai có liên đới) xin từ chức để lấy lòng người dân và giữ lại danh dự cho mình, cho ngành.
Sau vụ việc này theo anh có cần phải mua bảo hiểm y nghiệp cho bác sĩ không bởi ở Việt Nam bác sĩ làm việc nhưng chưa có một đơn vị nào đứng ra bảo vệ và có thể sẵn sàng thay bác sĩ bồi thường những thiệt hại do sai sót y khoa?
BS Phan Đình Hiệp: Bảo hiểm y nghiệp nó rất quan trọng, giúp bảo vệ cho nhân viên y tế, hướng dẫn, tránh những sai sót khi có tranh chấp, bồi thường hợp lý cho bệnh nhân....
Nếu có Bảo hiểm y nghiệp thì như trường hợp bác sĩ bị đánh ở Bệnh viện Thể thao Việt Nam, bác sĩ nhận tin bệnh nhân xin gặp. Khi đó, bảo hiểm y nghiệp người ta khuyên bác sĩ không nên đi gặp người nhà bệnh nhân vì có thể gây hậu quả lớn hơn. Nhưng trường hợp này ở Việt Nam lại có vẻ nhiều.
Khi bảo hiểm y nghiệp phải trả tiền cho các sai sót của bác sĩ, họ sẽ luôn có yêu cầu và hướng dẫn để bác sĩ tránh làm sai, tránh các kinh nghiệm thực tế đã từng hay có nguy cơ xảy ra để làm cho đúng hơn.
Vâng xin cảm ơn bác sĩ!