Vụ tai biến ở Hòa Bình: Cục trưởng Khám chữa bệnh chia sẻ 4 quyết định cân não
Các bệnh nhân ra viện sáng 8/6 |
Chia sẻ với các bệnh nhân, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh gửi lời chia buồn sâu sắc nhất của Bộ Y tế tới những người bệnh không may tử vong trong sự cố y khoa tại bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.
Ông Khuê cũng bày tỏ vui mừng khi 10 bệnh nhân trong sự cố y khoa đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai đã ổn định sức khỏe và được xuất viện để tiếp tục chạy máu chu kỳ.
Sau 10 ngày xảy ra tai biến, với ông Khuê đó là 10 ngày rất vất vả của bác sĩ cũng như ngành y. Ông Khuê nhớ lại: “Tối 29/5 khi tôi trực tiếp có mặt tại bệnh viện Đa khoa Hòa Bình và đã cùng các bác sĩ đưa ra 4 quyết định cực kì khó khăn, có lẽ là khó khăn nhất trong cuộc đời công tác của tôi tính tới thời điểm này. Hôm nay, 10 bệnh nhân đã được ra viện với sức khỏe ổn định, chúng tôi cũng thấy nhẹ lòng”
Theo đó, 4 quyết định được PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ là: Đóng cửa nguyên đơn Thận nhân tạo để phục vụ công tác điều tra; Đi thăm từng bệnh nhân, tới từng giường bệnh để sàng lọc bệnh nhân với nguyên tắc xử lý tại chỗ. Có 02 bệnh nhân nặng, quyết định chuyển ngay 10 bệnh nhân về bệnh viện Bạch Mai an toàn trong đêm 29/5; Quyết định thứ 3 là đưa hơn 100 bệnh nhân lọc máu chu kỳ vào ngày hôm sau về những nơi nào có thể lọc máu; Quyết định thứ 4 là ổn định bệnh viện để tiếp tục điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân ở các khoa phòng khác.
Hiện nay, hơn 100 bệnh nhân lọc máu chu kỳ của Hòa Bình được lọc máu tại bệnh viện Đa khoa Thành phố Hòa Bình và các bệnh viện trong thành phố Hà Nội sức khỏe đều tốt.
Bộ Y tế cũng đang tập trung khắc phục sớm sự cố để đưa hơn 100 bệnh nhân này về trên Hòa Bình, tiếp tục được lọc máu chu kỳ vì thời tiết nắng nóng sẽ ảnh hưởng tới người bệnh nhân, giảm chi phí cho bệnh nhân khi họ và gia đình phải về Hà Nội.
Tuy nhiên, để đơn nguyên đi vào hoạt động thì phải chấm dứt điều tra và tìm rõ nguyên nhân, khắc phục sự cố.
Về phía bệnh viện Bạch Mai, TS. Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp bệnh viện Bạch Mai cũng khẳng định: “Hiện tại chúng tôi có đủ điều kiện khẳng định các bệnh nhân còn lại trong sự cố y khoa chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình đã trở lại tình trạng sức khỏe như trước khi xảy ra biến cố”.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Thiều, 45 tuổi, là người bị sốc phản vệ nặng nhất ngày 29/5 tại Hòa Bình được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai. Khi về Bệnh viện Bạch Mai anh bị hôn mê sâu phải lọc máu ngoài cơ thể, điều trị ở khoa hồi sức tích cực nhưng đến nay anh đã khỏe mạnh có thể lọc máu chu kỳ bình thường trong những ngày tới.
Chia sẻ giờ phút được ra viện anh Thiều cười: "Tôi thấy tràn đầy sức lực có thể yên tâm lọc máu chu kỳ thời gian tới".
Bệnh nhân Phạm Ngọc Chung - 56 tuổi chia sẻ: Ông bị suy thận mạn 9 năm nay phải chạy thận nhân tạo 5 lần/tuần. Đến 8h45 phút ngày 29/5/2017 ông Chung kể khi mình đang chạy thận nhân tạo khoảng 45 phút thì xuất hiện đau bụng, khó thở, nôn, tụt huyết áp.
Ông được dừng chạy thận và dùng corticoid, và được chuyển xuống Bệnh viện thành phố Hòa Bình chạy thận tiếp rồi sau đó chuyển về khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục điều trị. Đến nay sức khỏe của ông tốt hơn.
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đây là sự cố y khoa thế giới chưa từng ghi nhận. Tuy nhiên, bệnh viện đã huy động tất cả phương tiện tốt nhất, nhân lực giỏi nhất để cứu chữa cho bệnh nhân, nhờ vậy đã giảm đến mức thấp nhất bệnh nhân tử vong.