Vụ sập website tỉnh Nam Định:"Đừng phân biệt con đẻ, con nuôi"
Vụ sập website tỉnh Nam Định:"Đừng phân biệt con đẻ, con nuôi"
Website Nam Định bị tấn công vì “từ chối bằng tại chức”?
Thưa ông, quy định không tuyển dụng làm cán bộ, công chức những sinh viên tốt nghiệp ngoài công lập của Nam Định, liệu có trái luật?
Ông Đào Trọng Thi-Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội |
Nói trái luật thì hơi “quá”, theo tôi cho là trái với tinh thần của pháp luật. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước mà ban hành một văn bản như vậy là hoàn toàn không phù hợp
Như chúng ta đã rõ, Luật Giáo dục nước ta thừa nhận các loại văn bằng của các trường ngoài công lập. Các loại văn bằng này tương đương với các trường công lập, giờ UBND tỉnh lại chỉ đạo các cơ quan tuyển dụng làm như vậy khác nào phân biệt đối xử "con đẻ con nuôi".
Theo tôi, công dân có quyền và có cơ hội tham gia việc tuyển dụng, còn có được hay không phụ thuộc vào cơ quan tuyển dụng, chứ không phụ thuộc vào sự chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước
Thưa ông, với chủ trương của Đảng, Nhà nước là đẩy mạnh “xã hội hóa giáo dục” ? Vậy việc ban hành quyết định trên của UBND tỉnh Nam Định, liệu có đi ngược với chủ trương trên ?
Chủ trương của Đảng, Nhà nước là đẩy mạnh “xã hội hóa giáo dục” và tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục, trong đó rất chú trọng phát triển hệ thống ngoài công lập. Cụ thể, 40% giáo dục đại học là do các trường ngoài công lập đảm nhận, hiện nay mới chỉ đạt được 14 - 15%. Ra một lệnh như thế, theo tôi là ngăn chặn xu hướng đó.
Có thể nói, quy định của Nam Định là trái luật, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng đào tạo tại các trường ngoài công lập nói chung còn nhiều vấn đề phải xem xét lại. Ý kiến của ông thế nào?
Đúng vậy, về chất lượng của trường công lập còn nhiều bàn cãi, tuy nhiên ở đây chúng ta đang nói đến việc tuyển chọn con người cụ thể chứ không phải tuyển chọn trường công lập hay dân lập.
Nếu tuyển chọn để xếp hạng trường công lập với ngoài công lập thì hoàn toàn là vấn đề khác. Chúng ta không thể “vơ đũa cả nắm”, không thể nói một sinh viên của trường ngoài công lập lại kém hơn sinh viên trường khác được .
Từ vụ đánh sập website, và dòng chữ Hacker để lại, theo ông khi đưa ra những quyết định các địa phương cần phải làm gì?
Giao diện website của Sở VH-TT-DL tỉnh Nam Định |
Tôi nghĩ, từ vụ việc này, các địa phương cần phải thận trọng hơn khi đưa ra những quyết định liên quan đến con người. Theo đó, các cơ quan có trách nhiệm của nhà nước phải có giải pháp kịp thời. Trước hết, Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục - Đào tạo là những cơ quan trực tiếp liên quan đến vấn đề này
Vậy, với tư cách là Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, theo ông cần có chế tài gì đối với các địa phương vượt rào trái tinh thần luật(như Nam Định) chẳng hạn?
Theo tôi, trường hợp của Nam Định là trách nhiệm của Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT. Hai bộ đó phải xem xét và với những văn bản không đúng tinh thần của pháp luật và quy định của nhà nước cần phải ngăn chặn góp ý kiến, hoặc nhắc nhở kịp thời
Chúng tôi là cơ quan của Quốc hội, chỉ giám sát việc thực thi pháp luật của Chính phủ, bởi vậy chỉ khi nào hiện tượng này lan rộng và có nguy cơ ảnh hưởng đến chính sách pháp luật của nhà nước thì mới có ý kiến.
Xin cảm ơn ông!
Hà Phương thực hiện