Vụ sản phụ chết nghi do thuốc gây tê: Cục Quản lý Dược làm ngơ trước cảnh báo?
Bệnh viện Phụ nữ TP. Đà Nẵng nơi xảy ra vụ việc đau lòng. |
Từ đầu năm 2019, Hội gây mê khu vực phía Nam và một số bệnh viện tại Cần Thơ, Long An, Bến Tre.... cũng đã đều báo cáo về việc thuốc gây tê Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy (của Ba Lan) được thay thế cho thuốc Bupivacaine for spinal anaesthesia Aguettant 5mg/ml sản xuất tại Pháp có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Các bệnh viện phía Nam ghi nhận thuốc này có hiệu quả giảm đau của thuốc không hoàn toàn, làm tụt huyết áp kéo dài và một số trường hợp gây ra sốc, co giật.
Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Phước Tồn – Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho biết “sau khi nghe nhiều anh em, bác sĩ đề đạt thông tin nguy cơ biến chứng do thuốc gây tê mới, đến tháng 4/2019 Sở Y tế Cần Thơ đã có công văn về việc thay thế thuốc trúng thầu, loại dùng gây tê tủy sống, từ thuốc do Ba Lan sản xuất sang loại do Pháp sản xuất”.
Những Bệnh viện tại Cần Thơ như bệnh viện Phụ sản, đa khoa Trung ương, BV đa khoa TP. Cần Thơ đều phản ánh một số sự cố khi dùng thuốc này nên các bệnh viện mới đề nghị đổi sang thuốc cũ (loại của Pháp sản xuất).
Ông Tồn cho biết văn bản của Sở Y tế Cần Thơ được gửi tới cả Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương CPC1 và Cục quản lý dược, Bộ Y tế. Tuy nhiên, từ tháng 4/2019 đến nay phía Bộ Y tế vẫn không có công văn trả lời nhưng Sở Y tế Cần Thơ vẫn không dùng thuốc gây tê Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy (của Ba Lan) mà sử dụng thuốc cũ.
Sở Y tế Cần Thơ đề nghị "để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và đủ thuốc kịp thời trong điều trị bệnh, Sở Y tế chấp thuận theo đề nghị của Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương CPC1 được thay thế thuốc trúng thầu Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy (của Ba Lan) bằng thuốc Bupivacaine for spinal anaesthesia Aguettant 5mg/ml với giá bằng giá trúng thầu cho đến khi có sự chỉ đạo của Cục quản lý Dược Bộ Y tế".
Điều này cho thấy các tỉnh Phía Nam đã thấy được nguy cơ “thuốc có vấn đề” nhưng Bộ Y tế đã không đưa ra khuyến cáo hay tiến hành thu hồi các lô thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy. Thuốc vẫn được sử dụng tại các địa phương.
Nhiều bác sĩ cho rằng nếu thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy ít nhất đã được thu hồi và kiểm soát, xem xét và đánh giá một cách nghiêm túc ngay từ tháng 4/2019 thì đã không có những cái chết đau lòng của các thai phụ ít nhất được ghi nhận tại Đà Nẵng mấy ngày qua.
Đó là chưa kể, có thể có những sự việc đau lòng khác ở các bệnh viện khác, địa phương khác khi sử dụng loại thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy gây tê nói trên chưa được biết tới.
Đến thời điểm này, riêng Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương CPC1 chi nhánh tại Đà Nẵng đã cung cấp cho các bệnh viện các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Huế tới hơn 12.500 liều thuốc trên.
Trước đó, chỉ trong ngày 17/11, tại Bệnh viện Phụ nữ TP. Đà Nẵng đã xảy ra hai vụ việc, khiến một sản phụ tử vong và một sản phụ nguy kịch sau khi dùng thuốc gây tê để mổ lấy thai. Đó là sản phụ V.T.N.S (SN 1986, trú Cẩm Lệ, Đà Nẵng) và sản phụ Ng.T.H (SN 1986, trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).
Cả 2 sản phụ đều có biểu hiện khó chịu vùng mông, bứt rứt khó chịu, đau, chuyển mê nội khí quản sau khi gây tê tủy sống. Tuy nhiên, sản phụ N.S đã tử vong, còn sản phụ T.H lâm vào tình trạng nguy kịch.