Vụ Nhật Cường: Cần nói cho dân biết có lợi ích nhóm, ai đó dằn mặt hay không?
Đó là ý kiến của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội sáng nay 22/5 của Quốc hội.ĐB Khánh cho rằng, chính quyền cần làm rõ doanh nghiệp Nhật Cường sai phạm gì để nói cho dân biết, hiểu rõ hơn.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, sáng 22/5 của Quốc hội. |
Vụ việc của doanh nghiệp Nhật Cường (đơn vị cung cấp trang thiết bị phần mềm cho dự án hành chính công Hà Nội sau khi chuỗi cửa hàng bị khám xét, ông chủ bỏ trốn, hiện cơ quan công an ra quyết định truy nã - PV) đã được đại biểu Khánh đề cập trong nhận xét chung về sự hạn chế của dịch vụ công thiếu đồng bộ, thiếu kết nối.
"Tôi theo dõi nhiều năm thấy có mấy điểm làm cho đại biểu rất băn khoăn. Như sự kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin trong cải cách hành chính, đến giờ vẫn rất chậm và chưa có gì cả", bà Khánh nhận xét.
Đại biểu Khánh cho biết, vừa qua Hà Nội đã triển khai chính quyền điện tử và đã bộc lộ khó khăn khi kết nối với cơ quan khác vì chưa có quy định về kết nối, chia sẻ thông tin.
"Khi Hà Nội xây dựng chủ trương thực hiện thủ tục hành chính công qua mạng, người dân rất mừng. Vì người dân chỉ cần ngồi ở nhà sử dụng điện thoại vẫn có thể thực hiện được dịch vụ hành chính thông thường. Tuy nhiên, mọi thứ tới nay vẫn tắc do chúng ta chưa có sự liên thông.
Trong bối cảnh đó lại xảy ra vụ Nhật Cường khiến dư luận, người dân hoang mang nhưng đến giờ ngay cả đại biểu cũng chưa nắm rõ thông tin tại sao lại như thế? và vụ việc liệu có ảnh hưởng gì đến tiến độ triển khai dịch vụ công của Hà Nội hay không?" - bà Khánh băn khoăn.
Theo đại biểu Khánh, chính quyền cần làm thông tin: "Doanh nghiệp Nhật Cường sai phạm gì? Cần nói cho dân biết đằng sau Nhật Cường có lợi ích nhóm hay không? Có phải đụng chạm đến ai đó nên dằn mặt nhau hay không?"
Bà Khánh cũng nhấn mạnh: "Đại biểu còn không biết thông tin thì dân biết thế nào được. Ít nhất đại biểu phải được thông tin sớm để còn giúp cho dân hiểu".
ĐB Nguyễn Anh Trítại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, sáng 22/5 của Quốc hội. |
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí lại cho rằng, “vụ Nhật Cường chưa biết gì nhưng thông tin đã loạn lên. Những luồng thông tin quy kết, độc địa như vậy thì cần ổn định dư luận như thế nào? Trong khi đó công tác ổn định, định hướng dư luận thường là đi sau, phát hiện không kịp thời”.
Với sự phát triển của mạng xã hội, các thiết bị công nghệ, nhiều người có động cơ thổi phồng, làm nhiều sự việc nặng nề lên. Thậm chí sự việc chưa rõ thì họ đã có... kết luận, ông Trí nói.
Liên quan đến vụ việc này, chiều qua (21/5), tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Chánh Văn phòng – người phát ngôn của UBND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên cũng nhấn mạnh: Thời gian qua một số cơ quan báo chí đăng tải các bài viết, thông tin quan tâm đến việc Công ty Nhật Cường được thực hiện nhiều dự án với TP Hà Nội, lo lắng ảnh hưởng đến một số hoạt động của Thành phố.
Theo ông Tiên, trong đó cũng có một số thông tin chưa chính xác, không khách quan đầy đủ. Điều này dẫn đến bạn đọc, nhân dân hiểu chưa đúng bản chất vấn đề, ảnh hưởng không tốt đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành phố. Hiện vụ án đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra theo Luật định.
“Chúng tôi đề nghị các cơ quan báo chí chờ kết luận chính thức của cơ quan điều tra để thông tin chính xác về vụ việc; đưa tin theo cơ quan chức năng có thẩm quyền”, ông Phạm Quí Tiên nói thêm.