Vụ người đàn ông ôm rắn nhập viện: Lý giải việc đưa cả rắn cùng bệnh nhân chuyển viện
Thông tin về trường hợp người đàn ông ôm rắn hổ mang nhập viện cấp cứu, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Tây Ninh cho biết, con rắn đã được loại khỏi tay bệnh nhân rồi mới chuyển cả người và rắn lên TP.HCM.
Khi nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Tây Ninh, người đàn ông vẫn giữ chặt con rắn hổ mang chúa. |
Chiều 22/8, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Tây Ninh cho biết, khi đến viện, bệnh nhân đã xuất hiện triệu chứng sụp mi, khó thở.
Nhận thấy tình trạng nguy cấp, các bác sĩ khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa Tây Ninh đã rửa sạch vết thương, dùng nẹp cố định chi bị rắn cắn để hạn chế tối đa nọc độc rắn khuếch tán rồi khẩn trương chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.
Theo chia sẻ của ông Bình, khi bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân, ngay tại khoa cấp cứu, con rắn đã được tháo khỏi tay bệnh nhân. Bệnh viện bỏ con rắn vào giỏ sắt và cấp cứu bệnh nhân, sau đó chuyển lên Sài Gòn.
“Chúng tôi đưa cả người và con rắn đã chết lên TP.HCM. Việc đem theo con rắn lên Bệnh viện Chợ Rẫy để các bác sĩ nhận dạng, xác định độc tố cho chính xác”, BS Nguyễn Thái Bình giải thích.
Ông khẳng định những hình ảnh các báo đang sử dụng đăng tải với chú thích "bệnh nhân trên giường cấp cứu với con rắn “khủng” quấn xung quanh tay" và hình ảnh nhân viên y tá cầm con rắn được chụp tại Bệnh viện đa khoa Tây Ninh ngay sau khi nhập viện, con rắn được gỡ ra khỏi tay bệnh nhân.
Do đây là ca bệnh hi hữu nên Bệnh viện cũng khuyến cáo người dân phải cảnh giác, tránh để những tai nạn tương tự xảy ra.
Theo lời kể người nhà bệnh nhân, khoảng 7h30 ngày 19/8, khi đang làm thuê trong vườn na ở xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh; khu vực giáp ranh núi Bà Đen), anh P.V.T (38 tuổi, ngụ huyện Tân Châu, Tây Ninh) phát hiện một con rắn hổ mang chúa màu đen và cố đuổi bắt nó.
Do thiếu kinh nghiệm bắt rắn, lại gặp loài rắn độc nguy hiểm, anh T bị con rắn quay lại cắn vào đùi phải. Lúc này, anh T chạy nhanh ra đường kêu người đến cứu giúp. Cả người và rắn ngay lập tức được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Tây Ninh.
Con rắn hổ mang chúa được nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa Tây Ninh gỡ khỏi tay anh T sau khi nhập viện. |
Đến 12h45 cùng ngày, anh T được đưa tới Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng rất nguy kịch, tứ chi liệt hoàn toàn, đồng tử giãn, mất phản xạ ánh sáng. Bệnh nhân được hỗ trợ hô hấp, điều trị tích cực và truyền huyết thanh kháng nọc rắn.
Tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, bệnh nhân đã được truyền 15 lọ huyết thanh kháng nọc rắn. Sau đó, mặc dù đã hồi tỉnh nhưng bệnh nhân cần phải theo dõi các chức năng tim, thận, hoại tử vết cắn.
Hiện tại, bệnh nhân P.V.T đã được chuyển vào Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị tiếp; được lọc máu để đào thải độc tố; vùng chân bị rắn cắn có nguy cơ bị hoại tử, phải cắt bỏ.
BS Nguyễn Ngọc Sang (Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy) phân tích: Rắn hổ chúa là loài rắn to lớn, có độc tính cao. Lượng độc tiêm vào cơ thể lớn có thể gây tử vong nhanh chóng khi người bị rắn cắn chưa kịp đến cơ sở y tế.
Nọc rắn phát tán nhanh làm cho nạn nhân liệt tứ chi và liệt cơ hô hấp, suy đa phủ tạng nhanh. Bệnh nhân cần được sơ cứu và truyền huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu.
Bệnh nhân bị rắn hổ chúa cắn dù giải quyết được tình trạng liệt cơ và hô hấp nhưng sau đó có thể đối diện nhiều biến chứng do nọc rắn tấn công vào cơ tim làm hủy cơ tim, suy tim cấp.
Bên cạnh đó, lượng nọc tiêm vào vết cắn nhiều có thể làm viêm mô tế bào tiến triển, sưng phù hoại tử cơ. Các cơ bị hủy vô tình phóng thích men ồ ạt có thể làm cho bệnh nhân bị suy thận cấp.
BS Sang khuyến cáo người dân khi đi vào những vùng rừng núi, bụi rậm, nên sử dụng các loại giày cao su, dùng gậy để khua và đánh động các loại rắn tránh xa. Rắn hổ chúa có đặc tính là có thể chủ động tấn công khi bị xâm phạm lãnh thổ nên càng nguy hiểm.
Cùng quan điểm này, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng lưu ý: Ở Việt Nam, rắn độc cắn là một trong những tai nạn thương tích phổ biến và là một trong những ngộ độc hàng đầu, đặc biệt xảy ra nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 11 - là mùa sinh sôi, phát triển của rắn độc.
BS Nguyên khuyến cáo, hiện Việt Nam có rất nhiều loại rắn độc và mỗi loại lại có cơ chế gây độc khác nhau nên tùy theo loại rắn độc mà có biện pháp sơ cứu cũng như hướng điều trị khác nhau.
Theo BS Nguyên, các bước sơ cứu nên làm khi gặp người bị rắn độc cắn là: Động viên bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng; Không để bệnh nhân tự đi lại; Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn); Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường; Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế, đồng thời duy trì băng ép, bất động; Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..).
N. Huyền