Vụ MH17: EU muốn nhanh chóng phạt Nga, Pháp ngăn cản
Reuters đưa tin cho biết, những nỗ lực tạo ra một mặt trận thống nhất ở Liên minh châu Âu (EU) đã bị ngăn cản bởi một thông báo đến từ nước Pháp. Paris cho biết sẽ phải hoàn thành hợp đồng cung cấp tàu chiến cho Nga trước khi tiến hành trừng phạt Moscow, bất chấp lời đề nghị khá khẩn thiết từ phía Anh và Mỹ mong muốn Pháp dừng hợp đồng này.
Tại một cuộc họp ở Brussels, các ngoại trưởng EU lần đầu tiên đưa ra khả năng hạn chế Nga tiếp cận thị trường vốn, quốc phòng và công nghệ năng lượng của châu Âu, yêu cầu Ủy ban châu Âu đưa ra dự thảo đề xuất trong tuần này.
Biện pháp trừng phạt như vậy đòi hỏi sự chấp thuận của tất cả các nhà lãnh đạo EU và sẽ chỉ áp dụng nếu Moscow không hợp tác với một cuộc điều tra quốc tế về vụ việc MH17 bị rơi ở miền đông Ukraine. Chiếc máy bay của Hãng hàng không Malaysia Airlines đã gặp nạn trong khu vực xảy ra chiến sự giữa quân ly khai thân Nga và binh lính chính phủ Kiev. Phương Tây kết tội Moscow đã cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy, gây ra vụ việc thảm khốc nói trên.
"Tôi rất vui khi chúng tôi đưa ra được một quyết định mà tôi cho là khá mạnh mẽ và nhất trí được về nó", Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans nói với các phóng viên sau cuộc họp.
Timmermans đã bắt đầu cuộc họp của các ngoại trưởng EU sau khi dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ tới 298 nạn nhân xấu số của chiếc máy bay MH17, trong số họ có đến 193 người Hà Lan. MH17 đang trên đường đi từ Amsterdam đến Kuala Lumpur và gặp nạn tại Donetsk, Ukraine.
Các bộ trưởng đã nhất trí mở rộng danh sách các cá nhân và các tổ chức của Nga trở thành mục tiêu của phong tỏa tài sản và cấm thị thực, và mở ra khả năng áp đặt lệnh trừng phạt đối những người cung cấp hỗ trợ tài chính cho các quyết định của Nga.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho biết London muốn các biện pháp nhắm mục tiêu vào bạn bè và đồng minh của chủ nhân điện Kremlin, Tổng thống Vladimir Putin để gây áp lực buộc Nga ngừng can thiệp vào Ukraine. Ông đã dùng từ ngữ khá nặng nề, gọi những người này là “tay chân của ông Putin”.
“Các tay chân của ông Putin và bè lũ của ông ta ở điện Kremlin là những người phải chịu áp lực", hãng tin Reuters trích dẫn lời ông Hammond, "Nếu các lợi ích tài chính của nhóm xung quanh nhà lãnh đạo này bị ảnh hưởng, nhà lãnh đạo (Nga) sẽ biết về nó".
Cuộc họp hôm thứ Ba đã diễn ra khi Hoa Kỳ thúc đẩy áp lực lên châu Âu, cảnh giác về việc làm mếch lòng một nhà cung cấp năng lượng quan trọng, để nhanh chóng đưa ra các động thái chống lại Nga.
Chủ tịch nước cộng hòa Lithuania, một thành viên của EU, cáo buộc Pháp theo đuổi một chính sách giống như những năm 1930, nhân nhượng các quyết định của mình đối với Đức Quốc xã để tìm cách hoàn thành cung cấp một tàu sân bay trực thăng tới Moscow.
Các phái viên EU sẽ thảo luận về danh sách mục tiêu mở rộng của các biện pháp trừng phạt được công bố trước đây.
Một số nhà ngoại giao cho biết các nhà lãnh đạo EU có thể tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt để đưa ra quyết định cuối cùng về các biện pháp trừng phạt kinh tế mở rộng, có thể là vào tuần tới.
Lịch trình tiếp theo của Hội nghị thượng đỉnh EU là vào ngày 30/8. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho biết các bộ trưởng có thể quyết định sớm hơn thông qua việc trao đổi thư từ.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.