“Vũ khí” nào giúp Nga vẫn cầm trịch khi đàm phán về Ukraine?
Theo bà Bayer, gần đây một số phương tiện truyền thông Nga đưa tin Moscow đang tăng cường quân tới các khu vực biên giới phía tây của nước này, ngay gần Ukraine và Belarus.
Ngày 3/6, hãng tin Interfax của Nga dẫn lời một nguồn tin cho biết, Lữ đoàn Súng trường Độc lập 28 từ Yekaterinburg đang được triển khai tới Klintsy ở Bryansk, cách Belarus khoảng 25 dặm và cách Ukraine khoảng 31 dặm. Đồng thời, Lữ đoàn Súng trường Độc lập 23 từ Samara cũng chuyển tới đóng quân ở Valuyki ở Belgorod, các biên giới Ukraine chỉ khoảng 12 dặm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel. |
Những thông tin trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố Nga đang thành lập 3 sư đoàn quân sự mới (một sư đoàn của quân đội Nga bao gồm khoảng 10.000 quân). Trong đó, 2 sư đoàn mới sẽ được đặt ở quân khu miền tây và quân khu miền nam.
Hôm 2/6, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên chính thức của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã tuyên bố rất tự tin rằng: “Sẽ thật cường điệu nếu nói Nga đang gia tăng lực lượng ở gần biên giới với Belarus”.
Bà Bayer nhận định, tuyên bố trên của ông Peskov không phải là lời phủ nhận về việc quân đội Nga đang di chuyển lực lượng đến các khu vực biên giới phía tây. Nó đơn giản chỉ ám chỉ rằng đồng minh Belarus không phải là lý do cho đợt triển khai quân này.
Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh Moscow đang có một cuộc đàm phán phức tạp với Mỹ và Đức về tương lai của Ukraine cũng như mối quan hệ của Moscow với châu Âu.
Có vẻ như Nga, cả chính thức và không chính thức, đang muốn phương Tây biết rằng Moscow đang tăng cường lực lượng ở dọc biên giới phía tây và tây nam.
Một binh sĩ Nga ở Crimea hồi tháng 3/2014. |
Theo bà Bayer, Moscow đang sử dụng chiến thuật đàm phán kép. Moscow muốn Mỹ và phương Tây thấy được mối đe dọa quân sự có thể xảy ra nếu như tiếp tục ép Nga về vấn đề Ukraine. Cùng với đó, các quan chức Nga thể hiện sự sẵn sàng hợp tác với phương Tây về vấn đề Syria. Mục đích cuối cùng của chiến lược này là nhằm tạo ra một sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu về Nga, đồng thời cũng buộc các chính phủ phương Tây phải nhượng bộ trong nhiều vấn đề quan trọng như tình trạng của Ukraine trong tương lai.
Bà Bayer khẳng định, Nga đang trực tiếp và gián tiếp ra tín hiệu rằng, nước này vẫn có khả năng đặt ra một mối đe dọa quân sự đối với Ukraine. Để giúp tín hiệu này có thể thông điệp hiệu quả nhất, Moscow tăng cường các lực lượng quân sự ở dọc biên giới phía tây, nhưng dừng lại ở mức không đưa ra bất cứ mối đe dọa ngay lập tức nào đối với an ninh của các nước NATO.
Trước đây, Nga cũng đã áp dụng chiến thuật này. Năm 2014, khi căng thẳng ở Ukraine đang ở mức đỉnh điểm, NATO ước tính rằng Nga đã triển khai khoảng 40.000 quân gần biên giới với Ukraine. Tuy nhiên, đợt lần này mang thông điệp mạnh mẽ hơn đối với Mỹ và Đức trong các cuộc đàm phán đang diễn ra.
Cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đã kéo dài hơn 2 năm. |
Trong khi đó, Mỹ và Đức cũng đang ở vị thế không mấy thuận lợi để có thể thực sự đối đầu với Nga.
Mãi đến gần đây Berlin và Washington mới cơ bản thống nhất được cách thức đối phó với hoạt động của Nga ở Ukraine. Cả hai nước đã đẩy mạnh các lệnh trừng phạt và thúc đẩy phòng thủ của NATO, đặc biệt ở Ba Lan và các nước Baltic. Đồng thời, cả hai đã cam kết hỗ trợ chính phủ Ukraine cả về mặt chính trị và tài chính.
Tuy nhiên, vị thế của Berlin đang thay đổi do phải đối mặt với nguy cơ Brexit (kịch bản Anh rời EU), các vấn đề ngân hàng ở khu vực nam châu Âu, và cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra ở ngay trong nước Đức. Với tình hình trên, có thể Berlin sẽ phải tìm cách giảm căng thẳng với Moscow.
Hôm 2/6, cố vấn chính sách đối ngoại Christoph Heusgen của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, còn quá sớm để thảo luận về việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier lại có tuyên bố ngược lại khi nói về kế hoạch gỡ bỏ từng bước các biện pháp trừng phạt đó.
Ngoài ra, tờ Spiegel của Đức còn đưa tin, văn phòng của bà Merkel đang bắt đầu thay đổi quan điểm của mình về Moscow và tìm cách giảm bớt một số biện pháp trừng phạt. Ukraine là chiến lược quan trọng đối với Berlin, nhưng không quan trọng bằng việc duy trì sự gắn kết của EU. Việc giảm căng thẳng đối với Nga không những có lợi cho nền kinh tế Đức mà còn giúp gắn kết EU hơn bởi một số nước EU, như Hy Lạp và Hungary, đang muốn thân thiện hơn với Nga.
Lập trường của Mỹ có vẻ vững vàng hơn so với Đức. Washington rất quyết tâm trong việc ngăn chặn sự can thiệp của Nga ở Trung và Đông Âu. Tuy nhiên, với tình hình hiện giờ, lập trường đó có phần bị lung lay.
Mỹ đang cần Nga trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria cũng như trong một loạt các vấn đề quốc tế khác. Hơn nữa, mặc dù Mỹ và NATO vẫn đang tăng cường quân và các loại vũ khí cho các nước NATO ở Trung và Đông Âu, nhưng Mỹ không muốn gây ra một cuộc xung đột với Nga bằng cách cung cấp viện trợ quân sự đáng kể cho Ukraine hoặc triển khai lực lượng lâu dài ở Ukraine.
Do đó, Nga hoàn toàn có thể chắc chắn về việc sẽ có được kết quả như mong muốn khi thảo luận với Mỹ và Đức về Ukraine.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo trang Geopolitical Futures của Mỹ, một trong chuyên đăng tải các bài bình luận, dự đoán tương lai địa chính trị.