Vụ "đánh rơi" 20 tỷ USD trong 2 ngày diễn ra thế nào?
Quỹ Archegos Capital Management sử dụng tiền đi vay để đầu tư chứng khoán đồng thời cầm cố cổ phiếu như một khoản thế chấp cho các ngân hàng đầu tư, công ty môi giới.
Ngày 2/4, Archegos Capital Management do cựu nhà quản lý quỹ Tiger Asia Bill Hwang điều hành bị buộc phải bán "xả" 20 tỷ USD cổ phiếu do không thể đáp ứng khoản nợ ký quỹ với các công ty môi giới. Điều này dẫn tới việc giá của một số cổ phiếu như ViacomCBS, Discovery giảm hơn 25% trong một ngày. Giá cổ phiếu của Baidu và Tencent giao dịch tại Mỹ lao dốc 33 - 48%.
Vậy các "tay chơi" chính của vụ sụp đổ này là ai, nguyên nhân cũng như tác động của nó tới thị trường chứng khoán toàn cầu như thế nào?
Archegos Capital Management là gì?
Đây là một văn phòng gia đình (family office), nói cách khác là công ty tư vấn quản lý tài sản tư nhân phục vụ các cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao.
Ai sở hữu quỹ Archegos?
Archegos được điều hành bởi Bill Hwang, người từng thành công với vai trò là nhà quản lý tại quỹ đầu tư nổi tiếng Tiger Management của tỷ phú Julian Robertson vào những năm 1990 và thập niên 2000.
Sau đó, ông Hwang thành lập quỹ đầu tư riêng của mình là Tiger Asia với sự hỗ trợ của Robertson. Năm 2012, Tiger Asia và ông Hwang bị Ủy ban giao dịch Chứng khoán Mỹ buộc tội giao dịch nội gián và thao túng thị trường. Khi đó, ông phải nộp phạt 44 triệu USD. Hwang sau đó chuyển Tiger Asia thành một văn phòng gia đình.
Quỹ Archegos quản lý bao nhiêu tài sản?
Theo một bài viết trên Wall Street Journal, Archegos quản lý khối tài sản trị giá khoảng 10 tỷ USD. Quỹ sử dụng số tiền đó để đặt cược lớn vào các cổ phiếu giao dịch tại Mỹ, châu Âu và châu Á.
Một bài báo khác trên South China Morning Post dẫn lời những nguồn tin giấu tên cho biết ông Hwang đã sử dụng chiến lược mua - bán khống tài sản cùng với đòn bẩy cực lớn. Điều này có nghĩa là với mỗi đôla của mình, ông sẽ vay một khoản tiền lớn hơn gấp nhiều lần và xây dựng vị thế trên thị trường chứng khoán.
Điều gì đã xảy ra với quỹ Archegos?
Archegos dùng tiền vay được để đặt cược vào cổ phiếu, đồng thời cầm cố cổ phiếu như một khoản thế chấp với những ngân hàng đầu tư và công ty môi giới đang cho quỹ này vay tiền. Trong những thỏa thuận như vậy, khi giá trị của cổ phiếu cầm cố giảm, công ty môi giới sẽ yêu cầu khách hàng tiếp tục dùng cổ phiếu để làm tài sản thế chấp. Đây được gọi là lệnh gọi ký quỹ (margin call).
Nếu khách hàng không thể cung cấp thêm cổ phiếu, công ty môi giới sẽ bán một phần hoặc tất cả số cổ phiếu cầm cố, tùy thuộc vào việc giá trị của số cổ phiếu cầm cố đã giảm bao nhiêu, để thu hồi tiền. Vì vậy, khi Archegos không thể nộp thêm tiền hay cổ phiếu, các công ty môi giới đã bán phá giá số cổ phiếu mà quỹ này thế chấp với họ.
Vì đây là đợt bán gấp cổ phiếu, giá của số cổ phiếu cầm cố đồng loạt lao dốc. Tình huống này thông thường sẽ khiến các nhà đầu tư khác đang giữ vị thế mua đối với cổ phiếu đó bán tháo. Kết quả, đà lao dốc càng nghiêm trọng.
Những ngân hàng, công ty môi giới nào có thỏa thuận với quỹ Archegos?
Goldman Sachs, Nomura, Credit Suisse, Morgan Stanley và Deutsche Bank được cho là đều từng có liên quan tới các giao dịch của Archegos.
Theo South China Morning Post, Goldman Sachs đã không giao dịch với quỹ của ông Hwang cho đến năm 2018 vì cáo buộc giao dịch nội gián. Tuy nhiên, khối tài sản mà Archegos quản lý ngày càng lớn và lớn hơn nhiều quỹ đầu tư khác trong khi các đối thủ của Goldman Sachs lại kiếm được khoản hoa hồng khổng lồ từ các giao dịch của quỹ này. Vì vậy, Goldman Sachs cuối cùng cũng thay đổi lập trường và chấp nhận Archegos với tư cách là khách hàng.
Các công ty môi giới thỏa thuận với Archegos thiệt hại bao nhiêu?
Hiện vẫn chưa có thông tin nào về mức thiệt hại mà các công ty môi giới có thỏa thuận với Archegos phải chịu.
Mặc dù không đề cập đến Archegos hay đưa ra con số rõ ràng, Credit Suisse cho biết kết quả kinh doanh quý I có thể bị ảnh hưởng rất lớn bởi khoản thua lỗ này.
Nomura cũng không nhắc tới Archegos nhưng cho biết ngân hàng có thể bị lỗ 2 tỷ USD vì một khách hàng Mỹ giấu tên. Các công ty môi giới khác vẫn chưa ra bất kỳ tuyên bố nào.
Archegos nắm giữ những cổ phiếu quan trọng nào?
Ngoài ViacomCBS và Discovery, giới truyền thông cho hay một số công ty Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ như Baidu, GSX Techedu, IQIYI và Tencent Music Entertainment đều nằm trong danh mục đầu tư của Archegos.
Theo một bài báo đăng trên Forbes, kho lưu trữ của Ủy ban giao dịch Chứng khoán Mỹ không có hồ sơ nào của Archegos liên quan tới vấn đề này dù quy mô giao dịch của quỹ đều rất lớn.
Theo Bloomberg và Wall Street Journal, Archegos xây dựng các vị thế thông qua một công cụ phái sinh gọi là hợp đồng hoán đổi tổng lợi tức. Còn theo Forbes, các văn phòng gia đình được yêu cầu phải báo cáo các vị thế với cổ phiếu và phái sinh có giá trị trên 100 triệu USD trong hồ sơ 13-F trên trang web EDGAR của Ủy ban giao dịch Chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, hợp đồng hoán đổi tổng lợi tức thì không cần.
Thị trường toàn cầu phản ứng thế nào trước vụ bán gấp cổ phiếu cầm cố của Archegos?
Đến nay, vụ bê bối này mới chỉ tác động tới những cổ phiếu nằm trong danh mục đầu tư của Archegos. Các chỉ số chứng khoán chính ở Mỹ, châu Á và châu Âu đều không bị ảnh hưởng.
Theo dantri.com.vn/CNBC