Vụ cưỡng chế đất: “Vẫn còn dấu vết xe cẩu, xe xích vào đập phá”
Vụ cưỡng chế đất: “Vẫn còn dấu vết xe cẩu, xe xích vào đập phá”
>> Vụ cưỡng chế đất: Mặt trận có quan tâm Tết đối với gia đình ông Vươn?
Vụ cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng) đang được dư luận quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết nghiêm vụ việc và các Bộ chức năng cũng đã bắt đầu vào cuộc. MTTQ Việt Nam cũng đã cử đoàn công tác về tận nơi để tìm hiểu vụ việc…
Sau khi kết thúc đợt giám sát, Luật sư Lê Đức Tiết, phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn về dân chủ và pháp luật MTTQ Việt Nam-thành viên đoàn giám sát của Mặt trận trả lời phỏng vấn của VOV Online về vụ việc này.
LS Lê Đức Tiết: "Qua chứng cứ chúng tôi trực tiếp giám sát thì dân không thể nào phá được một ngôi nhà hai tầng." Ảnh: DT |
- Thưa ông, trong cuộc phỏng vấn với VOV Online ngay sau khi đoàn giám sát của MTTQ Việt Nam kết thúc đợt giám sát, Trưởng đoàn giám sát có cho biết Mặt trận chưa công khai nhiều thông tin mang tính phản biện. Theo ông, những thông tin này có đủ sức phản biện một cách thuyết phục không?
- Thực ra còn tuỳ vấn đề, bởi trong đợt giám sát vừa qua, nhiều thông tin MTTQ Việt Nam mới nghe được một phía. Chính quyền cũng chỉ mới nói về phía chính quyền, người dân thì cũng mới nói ý kiến của người dân. Hiện giờ MTTQ Việt Nam chủ yếu là lắng nghe. Sau đó, phải để hai bên đối thoại và xác minh lại mới biết độ chính xác của thông tin đến mức độ nào.
- Theo ông, trong vụ việc này, có thể nói Mặt trận các cấp đã thực sự vào cuộc một cách kịp thời?
- Trong vụ việc này, Mặt trận cấp dưới đáng lẽ phải vào cuộc sớm hơn. Theo tôi Mặt trận từ cấp tỉnh đến cấp xã là chưa kịp thời.
Vụ việc xảy ra ngày mùng 5/1 nhưng đến 28/1, MTTQ Việt Nam mới biết được và cử đoàn giám sát xuống Tiên Lãng (Hải Phòng) ngay. Gần Tết nhưng chúng tôi vẫn cố gắng về gặp gỡ bà con để động viên tinh thần và hiểu rõ hơn vụ việc, lắng nghe ý kiến của các bên. Theo tôi, Mặt trận Trung ương làm được như thế cũng là tích cực.
- Ông nhận xét như thế nào về sự không thống nhất trong phát ngôn của đại diện chính quyền các cấp ở Hải Phòng về vụ việc này? Cụ thể, khi lãnh đạo thành phố thì nói rằng dân phá nhà ông Vươn, trong khi lãnh đạo huyện lại khẳng định lực lượng cưỡng chế phá?
- Trong cuộc giao ban báo chí, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Đỗ Trung Thoại cho rằng, việc phá nhà ông Vươn là do người dân bức xúc. Nhưng trong cuộc họp báo, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền đã khẳng định rằng, lực lượng chức năng phá.
Nhưng qua chứng cứ chúng tôi trực tiếp giám sát thì dân không thể nào phá được một ngôi nhà hai tầng. Chúng tôi đã xác minh vẫn còn dấu vết của xe cẩu, xe xích vào đập phá để lại trên nền ngôi nhà. Nên việc nói dân vào phá, tôi khẳng định là không đúng.
Ngôi nhà của ông Đoàn Văn Quý (em ông Vươn) bị phá nằm trong phần diện tích đầm chưa bị cưỡng chế. Ảnh: Vietnamnet |
- Mới đây, phía người nhà ông Vươn thông tin là toàn bộ thuỷ sản trong đầm đã bị chủ một đầm ở Hải Phòng đánh bắt hết. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Tôi có nghe phía gia đình ông Vươn nói hành chục tấn thuỷ sản và cả chó, gà đều bị bắt trộm, nhưng chưa có sự xác minh.
Nhưng trong việc này, chính quyền ở đây đã sai là khi cưỡng chế phải niêm phong lại tài sản cho gia đình họ (gia đình ông Vươn-PV). Chính quyền ở đây không làm thống kê, không niêm phong là một sai sót.
Cái sai nữa là việc phá nhà trong khu vực đất đai không được thu hồi. Có hai vùng 21ha và vùng 19ha và khi thu hồi ở vùng 19ha, lực lượng cưỡng chế lại phá nhà trong vùng 21ha- là vùng nằm ngoài khu cưỡng chế.
- Thưa ông, ở góc độ luật pháp, ông nhìn nhận như thế nào vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng)?
- Về luật pháp của nước ta, mặc dù là luật Đất đai là một ngành luật rất phức tạp và có nhiều quy định, nhưng có một số vấn đề rất rõ ràng. Thu hồi đất, luật quy định rất rõ ràng, trường hợp nào thu hồi, trường hợp nào không thu hồi. Còn nếu đã làm không đúng thì phải sửa. Về vấn đề này, địa phương chưa thấy được cái sai của mình.
Thủ tướng đang giao cho các Bộ xác minh. Các Bộ cũng đang vào cuộc để làm rõ vụ việc.
Về phía Mặt trận, sau khi tìm hiểu, tuy không nắm được đầy đủ, nhưng cũng phân biệt được đúng, sai. Nhưng Mặt trận không phải cơ quan giải quyết, chỉ có chức năng giám sát.
Sau này khi có kết luận của cơ quan Nhà nước và các Bộ chức năng, nếu thấy đúng, Mặt trận sẽ ủng hộ và giải thích cho nhân dân. Nếu mặt trận thấy chưa thỏa đáng thì sẽ có ý kiến kiến nghị.
- Thưa ông, Thủ tướng đã có chỉ đạo giải quyết nghiêm vụ này. Theo ông nên thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng như thế nào?
- Thủ tướng đã có chỉ đạo, các cơ quan chức năng nên nhanh chóng vào cuộc, càng để lâu càng không có lợi.
Về sai sót thì cấp nào cũng có, nhưng vấn đề là phải biết rút kinh nghiệm và sửa sai. Đó là việc cần làm. Nhưng trước mắt, phải giải quyết vấn đề đoàn kết giữa nhân dân với Đảng, với Mặt trận, với chính quyền.
Lãnh đạo MTTQ Việt Nam sẽ sớm kiến nghị Chính phủ cử các cơ quan chức năng bao gồm cả cơ quan Công an, Toà án, Thanh tra… vào xác minh vụ việc.
Mặt trận cũng sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác của mình. Mặt trận có nhiệm vụ kiến nghị và đốc thúc. Còn việc giải quyết đến đâu và như thế nào là tuỳ thuộc chính quyền. Mặt trận chỉ chủ động được trong việc kiến nghị với Trung ương Đảng và Chính phủ.
(Theo VOV)