Vụ chìm tàu chở 1.500 tấn tro bay: “Nói là không ảnh hưởng thì không đúng”
Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng: “Nếu tro bay đã được đóng kín thì tác hại đã được giảm tối thiểu, không có gì đáng thật lo lắng lắm về tác động môi trường. Tuy nhiên, nói là không ảnh hưởng thì không đúng...".
Ngày 14/3, tàu vận tải Bạch Đằng chở 1.500 tấn bụi than (tro bay) từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đi Cảng Nhơn Trạch, Đồng Nai; khi hành trình đến khu vực biển bãi sau vịnh Mũi Né cách bờ khoảng 0,5 hải lý thì bất ngờ bị lật ngang và chìm. Liệu sự việc này có ảnh hưởng đến môi trường vùng biển xảy ra sự cố?
Tàu vận tải Bạch Đằng SG-8981 bị chìm sáng 14/3. (Ảnh: NLD) |
Một ngày sau sự cố, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn hỏa tốc triển khai phương án ứng phó sự cố tràn dầu và tro xỉ rò rỉ. Cùng ngày, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục có công văn giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai phương án ứng phó sự cố tràn dầu, phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong khu vực. UBND tỉnh cũng giao cho Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận hướng dẫn chủ tàu xây dựng phương án, nhanh chóng trục vớt tàu bị nạn.
Trao đổi với PV Infonet, ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng: “Nói là không ảnh hưởng thì không đúng”.
Ông Tùng lý giải, tro bay là chất thải nên phải có phương pháp bảo quản cả khi vận chuyển, phải tuân thủ theo nguyên tắc nhất định. Tro bay không được phép đổ xuống biển.
“Rõ ràng chất thải nếu thải bừa bãi ra môi trường biển chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước và hệ sinh thái ở đấy. Tôi được biết tàu này có nói chất thải được đóng kín trong thùng, làm thế là họ cũng đã tuân thủ biện pháp phòng ngừa sự cố. Tuy nhiên, khi tàu chìm xuống biển thì đương nhiên biển sẽ bị ảnh hưởng. Nói là không ảnh hưởng thì không đúng. Việc đóng kín trong thùng có thể giảm thiểu được tối đa ảnh hưởng đến môi trường xung quanh thôi”, ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, tro bay từ nhà máy nhiệt điện than nếu ở môi trường bình thường sẽ rất bụi, khi chìm xuống biển sẽ không phát tán ra nhưng vẫn có hóa chất, nếu ở tập trung vào một chỗ mà không có biện pháp xử lý tốt sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái ở dưới.
“Nếu tro bay đã được đóng kín như người ta nói thì có lẽ tác hại đã được giảm tối thiểu, nếu đúng như người ta nói thì không có gì đáng thật lo lắng lắm về tác động môi trường. Còn nếu không đóng kín thì tro bay sẽ xuống đáy biển, mà với số lượng lớn như thế trong đó có nhiều hóa chất sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái ở dưới biển”, ông Tùng cho hay.
Theo báo Người lao động, để tránh nguy cơ thiệt hại có thể xảy ra, trong tối 15/3, Phó Giám đốc Sở TN/MT tỉnh Bình Thuận Đỗ Văn Thái ký công văn khẩn đề nghị chủ tàu sử dụng thiết bị chuyên dùng chủ động bơm hút dầu ra khỏi tàu trước khi tổ chức trục vớt. Theo đó, lượng dầu bơm hút phải được đưa đến khu vực bảo quản an toàn theo quy định. Quá trình bơm hút cần được giám sát chặt chẽ và sẵn sàng các phương án ứng phó nếu có sự cố tràn dầu xảy ra. Phương án trục vớt, bơm hút dầu phải được thông qua Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận và các cơ quan liên quan. Cũng theo Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận, dù lượng dầu trên tàu không quá nhiều và đã được khóa kín nhưng vẫn có khả năng gây ra sự cố tràn dầu. Trong tình hình thời tiết hiện nay, nếu xảy ra sự cố tràn dầu, lượng dầu thoát ra bên ngoài có khả năng tấp vào bờ biển khu vực bãi sau Mũi Né, nơi tập trung rất nhiều cơ sở du lịch cao cấp và các hoạt động dân sinh khác.
Minh Thư