Vụ chạy thận ở Hòa Bình: Luật sư nói "sẽ tiếp tục minh oan cho Đỗ Anh Tuấn"
Các phóng viên chờ đợi bên ngoài phòng xử sau khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm vụ chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình làm nhiều người chết. |
Là bị cáo duy nhất được hưởng án treo trong tổng số 5 bị cáo có kháng cáo trong vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK tỉnh Hòa Bình nhưng bị cáo Đỗ Anh Tuấn (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn) khẳng định “không chấp nhận bản án phúc thẩm" do TAND tỉnh Hòa Bình tuyên sáng 19/6.
Đỗ Anh Tuấn cũng là bị cáo duy kêu oan đối với bản án sơ thẩm ngày 30/01/2019 tuyên phạt bị cáo 30 tháng tù giam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999. Còn tại bản án phúc thẩm, HĐXX không chấp nhận đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo, nhưng xét thấy có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên đã quyết định giảm án cho Đỗ Anh Tuấn từ 30 tháng tù giam xuống còn 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 tháng.
Trả lời báo chí ngay sau khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm, bị cáo khẳng định “không chấp nhận bản án này, sẽ tiếp tục kêu oan và sẽ có đơn kháng nghị lên Giám đốc thẩm”.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương (bào chữa cho ông Đỗ Anh Tuấn trong cả phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm) cho rằng bản án phúc thẩm tuyên thân chủ của bà phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là “trái pháp luật”, đồng thời khẳng định thân chủ của bà “không có tội”.
Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Hòa Bình đã tuyên: “Hành vi của Đỗ Anh Tuấn là đại diện theo pháp luật của Công ty Thiên Sơn ký kết Hợp đồng với BVĐK tỉnh Hòa Bình. Vì Công ty Thiên Sơn cho bệnh viện thuê máy chạy thận phát sinh trách nhiệm chung thực hiện công vụ với Bệnh viện nên Đỗ Anh Tuấn phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 285 Bộ luật Hình sự 1999”.
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn khẳng định sẽ tiếp tục kêu oan. |
Trong khi đó, quá trình xét xử phúc thẩm đã làm rõ Đỗ Anh Tuấn “không đồng phạm” với Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” như bản án sơ thẩm đã tuyên.
Hợp đồng số 64/TS-BVĐKT(Hợp đồng 64) Công ty Thiên Sơn cho BVĐK tỉnh Hòa Bình thuê máy chạy thận mà bản án sơ thẩm viện dẫn đã thanh lý, không còn hiệu lực thi hành.
Hợp đồng 64 là hợp đồng duy nhất trong 4 hợp đồng có chữ “liên danh liên kết” và “Công ty Thiên Sơn chịu trách nhiệm về máy móc, Bệnh viện chịu trách nhiệm về con người”. Tuy nhiên, sau khi không còn thấy phù hợp, hai bên đã làm phụ lục hợp đồng thay đổi hình thức “liên danh liên kết” bằng “cho thuê máy chạy thận”.
Tại phiên tòa, ông Trương Quý Dương đã phân tích kỹ lý do tại sao phải thay đổi hình thức hợp đồng. Luật sư Đinh Hương đặt câu hỏi: “Tại sao cơ quan tố tụng Hòa Bình không trích dẫn các điều khoản của 2 hợp đồng còn hiệu lực giữa Công ty Thiên Sơn và Bệnh viện mà cứ phải trích dẫn Hợp đồng đã thanh lý để buộc tội Đỗ Anh Tuấn?”.
Trước câu hỏi trên, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố chỉ thừa nhận Hợp đồng 64 đã thanh lý và không đối đáp câu hỏi của luật sư Đinh Hương.
Về Hợp đồng 315 sửa chữa hệ thống RO2 ngày 28/5/2019, Công ty Thiên Sơn chưa nghiệm thu bàn giao cho Bệnh viện. Việc tự ý đưa và sử dụng là lỗi của Bệnh viện, và tại phiên tòa, bác sỹ Hoàng Công Lương đã thừa nhận tội “Vô ý làm chết người”.
Luật sư Đinh Hương trích dẫn Điều 285 Bộ luật hình sự 1999 quy định tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là tội đầu tiên trong chương tội phạm về chức vụ. Chủ thể của nhóm tội trong chương này là chủ thể đặc biệt quy định tại Khoản 2 Điều 277 Bộ luật hình sự 1999 quy định: "Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ".
Luật sư Đinh Hương nói: "Theo điều luật này, “người có chức vụ” ở đây chỉ có thể là cá nhân không thể là pháp nhân. Việc xác định trách nhiệm hoặc chuyển giao công vụ (nếu có) chỉ có thể thông qua Hợp đồng lao động, không thể thông qua Hợp đồng kinh tế giữa hai pháp nhân. Mặt khác, "công vụ là hoạt động do cán bộ, công chức nhân danh nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội", mục đích của công vụ là phục vụ nhân dân và xã hội không vì mục đích lợi nhuận.
Trong khi đó, Công ty Thiên Sơn là một pháp nhân thương mại (điều 75 Bộ luật dân sự 2015) 100% vốn tư nhân hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Mục đích của Công ty Thiên Sơn tham gia vào hoạt động này là kinh doanh và kiếm lợi nhuận".
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn và Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương (bên phải). |
Luật sư viện dẫn thêm các quy định liên quan và phân tích: Khoản 2 Điều 277 BLHS 1999 cũng nhắc đến cụm từ “có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”. Hợp đồng Công ty Thiên Sơn cho bệnh viện thuê máy không có điều khoản nào quy định Công ty Thiên Sơn hay cá nhân nào của công ty có quyền hạn gì trong việc khám chữa bệnh của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Thiên Sơn cũng không có chức năng khám chữa bệnh theo điều 7 Luật Khám chữa bệnh.
Ngoài ra, tại phiên tòa phúc thẩm này, ông Trương Quý Dương khẳng định: “Ông Tuấn chỉ là đại diện của đối tác ký hợp đồng cho bệnh viện thuê máy chạy thận như nhiều đối tác khác. Để cấu thành 1 ca chạy thận cần rất nhiều đối tác cung cấp dịch vụ như: điện, nước. dịch lọc, vật tư…. chứ không riêng Công ty Thiên Sơn”. Ông Dương cũng đã trả lời Hội đồng xét xử, “ông Tuấn không có tư cách tham gia vào bất cứ hoạt động khám chữa bệnh của Bệnh viện".
Từ những lập luận trên, luật sư Đinh Hương cho rằng các cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình đã “đánh tráo khái niệm” khi cho rằng Công ty Thiên Sơn là chủ thể của tội danh này bằng các hợp đồng kinh tế để cá thể hóa trách nhiệm của Đỗ Anh Tuấn.
“Chúng tôi sẽ nói tiếp câu chuyện này để minh oan cho Đỗ Anh Tuấn. Tôi không tin rằng các cấp cao hơn Tòa án tỉnh Hòa Bình đồng tình với bản án của TAND tỉnh Hòa Bình vì vấn đề Chủ thể và tội danh được quy định cứng trong luật. Đây là kiến thức cơ bản, sơ đẳng của một cử nhân luật”, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương nói.