Vụ chạy thận ở Hòa Bình: Đang điều tra bác sỹ Hoàng Công Tình
Theo đó, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đang “tích cực điều tra” làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi hợp thức hóa sổ sách, giấy tờ, tài liệu liên quan đến trách nhiệm đối với ông Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó Giám đốc, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực BVĐK tỉnh Hòa Bình), ông Hoàng Công Tình (Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực BVĐK tỉnh Hòa Bình), ông Đinh Tiến Công (Trưởng khoa Điều dưỡng BVĐK tỉnh Hòa Binh), cùng một số cá nhân khác.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra cũng đang điều tra làm rõ việc liên kết khai thác hệ thống máy lọc thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa cho hay, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình sẽ ban hành kiến nghị BVĐK tỉnh Hòa Bình trong việc phối hợp chặt chẽ với Cơ quan tiến hành tố tụng để làm rõ các nội dung nêu trên.
Qua phần xét hỏi công khai đối với ông Hoàng Công Tình tại phiên tòa lần này, Viện Kiểm sát nhận thấy “có dấu hiệu của hành vi thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý” của ông Hoàng Công Tình với vai trò là Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực. Vì vậy, Viện Kiểm sát sẽ đề nghị HĐXX kiến nghị với Cơ quan điều tra để làm rõ nội dung này.
Tại phiên tòa, ngày 19/1/2019, ông Hoàng Công Tình cho rằng trong quy chế bệnh viện không quy định chức trách, nhiệm vụ của Phó trưởng khoa.
Là người được bổ nhiệm làm Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (bao gồm đơn nguyên Thận nhân tạo và đơn nguyên Hồi sức cấp cứu), ông Tình khẳng định mình chỉ được phân công phụ trách đơn nguyên Hồi sức cấp cứu và cũng rất bận rộn tại đơn nguyên này.
Ông Hoàng Công Tình đến Tòa với tư cách Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.. |
HĐXX cho rằng ông Tình không thể nại ra lý do vì đi học hay vì quá bận bịu để cho rằng mình không thể làm được, đồng thời đặt nghi vấn có sự “buông lỏng quản lý” tại Khoa Hồi sức tích cực và Đơn nguyên Thận nhân tạo.
“Trưởng khoa kiêm nhiệm thì cho rằng mình kiêm nhiệm nhiều việc nên không có mặt thường xuyên, chỉ dành thời gian 30-40% một ngày nên giao cho Phó khoa. Phó khoa thì cho rằng mình chỉ phụ trách Đơn nguyên Hồi sức cấp cứu, không biết Đơn nguyên Thận nhân tạo do ai quản lý, ai là người chịu trách nhiệm. Vậy trách nhiệm của lãnh đạo Khoa là như thế nào?” Thẩm phán – Chủ tọa Nghiêm Hoài Anh nói.
Cũng trong phần luận tội của Viện Kiểm sát, Cơ quan này cũng có những kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các nhân viên y tế công tác tại đơn nguyên thận nhân tạo, BVĐK tỉnh Hòa Bình, bao gồm: các điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng, Đỗ Thị Điệp, Nguyễn Thị Hậu; và hai bác sỹ Phạm Thị Huyền, Nguyễn Mạnh Linh.
Đối với điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng, là người tiếp nhận hệ thống RO số 2, khi chưa được lấy mẫu nước đi xét nghiệm nhưng đã đồng ý thỏa thuận cùng Trần Văn Sơn (nhân viên phòng Vật tư) và Bùi Mạnh Quốc (người trực tiếp sửa chữa hệ thống RO số 2) để đến trưa cùng ngày (29/5/2017) sẽ đi lấy mẫu nước.
Xét thấy hành vi của điều dưỡng Hằng chưa đến mức phải xử lý về hình sự, do mối quan hệ giữa bác sỹ và điều dưỡng viên là người ra y lệnh và người thực hiện y lệnh, do vậy cơ quan điều tra đã có văn bản đề nghị BVĐK tỉnh Hòa Bình có hình thức xử lý hành chính đối với điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng.
Đối với điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp, là người thông báo hệ thống RO số 2 đã sửa chữa xong, nhưng thực tế chưa được lấy mẫu nước để xét nghiệm. Khi sự cố xảy ra, Đỗ Thị Điệp là người ký biên bản bàn giao với Trần Văn Sơn, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hậu là người trực tiếp khởi động hệ thống lọc nước RO số 2 sau khi nghe Điệp thông báo.
Xét hành vi của Đỗ Thị Điệp và Nguyễn Thị Hậu không đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình sẽ có kiến nghị với BVĐK tỉnh Hòa Bình xem xét có hình thức xử lý về ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đối với điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp và Nguyễn Thị Hậu.
Đối với các bác sỹ Phạm Thị Huyền và Nguyễn Mạnh Linh, qua các tài liệu điều tra xác định đã thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, vì vậy Viện Kiểm sát không đặt vấn đề xử lý trách nhiệm hình sự.
Chiều 19/01/2019, sau khi kết thúc phần xét hỏi, Viện Kiểm sát đưa ra các mức án đề nghị đối với các bị cáo như sau: Đối với tội “Vô ý làm chết người” theo khoản 2 Điều 98, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999: Bị cáo Bùi Mạnh Quốc từ 4-5 năm tù. Bị cáo Hoàng Công Lương từ 3-3,5 năm tù. Đối với tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2, Điều 285 BLHS năm 1999: Bị cáo Trương Quý Dương từ 2,5-3 năm tù; Hoàng Đình Khiếu từ 3-3,5 năm tù; Trần Văn Thắng từ 3-3,5 năm tù; Trần Văn Sơn từ 3,5-4 năm tù; Đỗ Anh Tuấn từ 3-3,5 năm tù. |