Vụ bà nội đầu độc cháu đánh động bậc cha mẹ giao hết con cho ông bà, người giúp việc
Có không ít vợ chồng trẻ sinh con ra nhưng không trực tiếp chăm sóc mà giao hết cho ông bà, thậm chí là người giúp việc hoặc bảo mẫu. Đây là một sự thiệt thòi lớn của trẻ trong những năm đầu đời.
Nghi can trong vụ việc đầu độc cháu nội bằng thuốc chuột. |
Vụ việc bà nội đầu độc cháu bằng thuốc chuột là một hành động khó chấp nhận và chắc chắn pháp luật không thể bỏ qua.
Dư luận xã hội cho rằng, đã là con người thì không ai nhẫn tâm làm thế với một đứa trẻ, mà đứa trẻ đang bị bệnh ấy (theo Luật trẻ em, bé nằm trong diện trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt) lại chính là máu mủ của mình.
Nhưng rõ ràng, dã tâm ấy xuất phát từ chính người bà đối với cháu ruột của mình, và hành vi ấy được thực hiện bằng chính người có kiến thức y khoa, chuyên về phụ sản. Tôi nghĩ, chúng ta đau lòng một thì cha mẹ, người thân liên quan đến bé chắc không có từ ngữ nào diễn tả hết nỗi đau ấy được.
Câu chuyện này cũng cho chúng ta thêm dữ liệu để củng cố nhận định: môi trường bất an toàn đối với trẻ giờ đây không chỉ có ở bên ngoài xã hội mà còn tồn tại trong chính gia đình trẻ, không còn là nguy cơ tiềm ẩn mà đã trở thành nguy cơ hiện hữu.
Thậm chí, nó không chỉ xảy ra ở những gia đình có hoàn cảnh phức tạp, có vấn đề xã hội, mà nó còn xảy ra trong những gia đình có nền tảng về nhận thức xã hội, trí thức, văn minh.
Tôi không cho rằng đây chỉ là chuyện cá biệt, trên thực tế, có rất nhiều vụ việc xâm hại bạo hành trẻ dã man, tàn độc xảy ra trong chính gia đình của trẻ trong thời gian qua.
Những động cơ, hành vi xâm hại dã man đối với trẻ không chỉ đến từ người ngoài và không dừng lại ở đó. Thậm chí có không ít vụ việc xâm hại trẻ đến tử vong do chính người có mối quan hệ huyết thống, do chính người thân ruột thịt của trẻ gây nên.
Đã có rất nhiều câu chuyện đau lòng, những vụ án bức xúc trong dư luận xã hội đánh động vào lương tâm con người, Quốc hội cũng đã có phiên giám sát tối cao nhưng rồi những vụ việc nhức nhối như thế vẫn diễn ra.
Xét ở mọi góc nhìn, mọi khía cạnh cuộc sống, chúng ta phải chấp nhận một sự thật là những câu chuyện về bạo hành xâm hại trẻ khó có thể chấm dứt, những giải pháp mà pháp luật và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra cũng chỉ góp phần giảm thiểu tình trạng này.
Bởi lẽ, nơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ đầu tiên đó chính là gia đình trẻ, cha mẹ của trẻ, người thân của trẻ, không người ngoài nào có thể làm thay trách nhiệm đầu tiên này. Và tôi tin rằng, người gây ra sự việc chấn động như vậy sẽ sớm nhận sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật, của tòa án lương tâm.
Từ câu chuyện đau lòng ở Thái Bình, và kể cả những vụ án tương tự từng có trước đó, nó không chỉ phản ánh về đạo đức làm người, về nguyên tắc nghề nghiệp của một người làm trong ngành y, mà nó đã trở thành câu chuyện pháp luật, rất cần được các nhà làm luật quan tâm.
Như tôi đã từng chia sẻ và nhiều lần phát biểu, pháp luật bảo vệ trẻ em ở ta không thiếu nhưng thật sự chưa đủ mạnh. Đôi khi, chúng ta luôn bị các yếu tố duy tình lấn át, những hành vi sai phạm liên quan đến quyền trẻ em trong chính ngôi nhà của trẻ đều được giải quyết khỏa lấp bằng yếu tố tình cảm, bằng mối quan hệ ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau.
Cha mẹ giao toàn quyền chăm sóc con cái cho ông bà vì không có điều kiện ở gần con là một thực trạng tồn tại lớn nhất trong các hộ gia đình có trẻ em hiện nay tại Việt Nam, nhất là ở các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn.
Việc không có cha mẹ ở cạnh con trong những năm đầu đời thật sự là một thiệt thòi rất lớn đối với trẻ.
Thế nhưng về mặt pháp luật, các điều khoản có tính ràng buộc trách nhiệm của cha mẹ trong việc chăm sóc trẻ những năm đầu đời lại chưa rõ ràng. Khi một đứa trẻ ra đời, quyền được sống, quyền được chăm sóc phải được quan tâm đến đầu tiên, nhưng các con còn quá nhỏ, không có quyền được lựa chọn môi trường sống của mình, và điều này tùy thuộc hoàn toàn vào sự quyết định của những người làm cha làm mẹ.
Vừa rồi, khi chúng tôi tiến hành điều tra hộ gia đình có trẻ em ở địa phương, đến từng hộ gia đình nắm bắt và rà soát thông tin mới thấy, các nhóm nguy cơ để trẻ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nhiều nhất không phải là trẻ bỏ học, mà là trẻ có bố mẹ đi làm ăn xa, vài tháng mới về thăm con một lần.
Có không ít vợ chồng trẻ sinh con ra nhưng không trực tiếp chăm sóc mà giao hết cho ông bà, thậm chí là người giúp việc hoặc bảo mẫu.
Họ chấp nhận việc sống xa con chỉ bởi vì không đáp ứng được điều kiện sống vừa làm việc vừa sống gần con, trực tiếp chăm sóc con. Tình trạng này hiện rất phổ biến và hầu như các bậc làm cha làm mẹ trong tình cảnh luôn có một lý do duy nhất, đó là không còn sự lựa chọn nào khác.
Chúng ta luôn chia sẻ và cảm thông với những sự lựa chọn này nhưng thực chất, đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ bất an toàn. Khi có những việc đau lòng xảy ra thì trẻ chính là nạn nhân đầu tiên, và đôi khi, cha mẹ trẻ cũng sẽ là nạn nhân ngay trong chính sự lựa chọn của mình.
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền
(Uỷ viên Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội)