Bà nội đầu độc cháu bằng thuốc chuột: “Không thể tin đó là sự thật!
Trước cơ quan công an, người bà nội là bác sĩ thừa nhận đã 2 lần bơm thuốc diệt chuột vào sữa uống của cháu nội bại não.
Người bà nội gây ra vụ việc chấn động dư luận. |
Sự việc khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Hiện người bà ấy (Chử Thị Mỹ Lệ, 51 tuổi, trú tại thôn Tú Linh, xã Tân Bình, TP.Thái Bình) đang bị công an TP Thái Bình tạm giữ để điều tra hành vi đầu độc cháu nội bằng thuốc chuột.
Theo kết quả điều tra ban đầu, ngày 13/7, bé trai L.T.D.M (gần 1 tuổi) được đưa vào Bệnh viện Nhi Thái Bình cấp cứu. Sau 2 ngày điều trị, bé chuyển biến nặng nên được đưa lên Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại đây, các bác sĩ phát hiện trong mẫu xét nghiệm của bệnh nhi có chất độc nên đã báo cho Công an quận Đống Đa, TP. Hà Nội.
Sau đó người bà nội đã được cơ quan công triệu tập. Tại cơ quan công an, bà Chử Thị Mỹ Lệ đã thừa nhận 2 lần bơm thuốc diệt chuột vào sữa cho cháu M. uống. Công an quận Đống Đa sau đó đã bàn giao hồ sơ vụ việc cho Công an TP. Thái Bình để tiếp tục làm rõ.
Được biết, bà Chử Thị Mỹ Lệ hiện là Phó trưởng khoa Sản Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Còn cháu M. bị sinh non, mang bệnh bại não và hở hàm ếch, thường xuyên phải đi bệnh viện điều trị. Bố mẹ cháu đi làm ở Hà Nội nên gửi cháu về cho bà nội chăm sóc.
“Không thể tin đó là sự thật!” là câu đầu tiên thốt lên của BS Hoàng Thuý Hải, chuyên gia Chương trình Cửa sổ tình yêu khi trao đổi với phóng viên về vụ việc này.
Bà Hải cho biết, không thể tin tại sao lại có người nhẫn tâm, không chút tình người đến như vậy. Cho dù cháu bé là người khuyết tật thì cháu cũng không đáng bị bà nội đối xử như vậy.
“Cháu nội của mình, lại bị bệnh tật, đáng lẽ phải thương cháu, hỗ trợ bố mẹ cháu chăm sóc cháu, khi cháu lớn hơn sẽ tìm cách đưa cháu hoà nhập cộng đồng một cách tốt nhất chứ. Kể cả gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể nuôi được thì vẫn còn các trung tâm bảo trợ đón cháu bé mà”, BS Thuý Hải xót xa nói.
Càng đau lòng hơn nữa khi người bà ấy lại chính là một bác sĩ, hàng ngày làm công việc hành nghề cứu người, giúp người khác khắc phục khiếm khuyết.
“Đạo đức nghề nghiệp được học, đào tạo rất nhiều mà sao lại hành xử như vậy? Bà ấy đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy định của ngành, hơn hết cả là sự vi phạm đạo lý làm người”, BS Thuý Hải nhấn mạnh.
Theo BS Thuý Hải, nếu là người bình thường có thể biện minh rằng do thiếu hiểu biết nhưng người bà ấy lại là một bác sĩ- người biết rất rõ hậu quả của việc mình làm. Ấy vậy mà vẫn bấp chấp làm.
Trước ý kiến cho rằng có thể người bà ấy bị stress do phải chăm sóc cháu bệnh nên tìm cách giải thoát cho cháu, BS Hoàng Thuý Hải khẳng định không thể suy nghĩ theo hướng thông cảm như vậy được.
“Bởi vì người bà thừa hiểu hành vi đó là vi phạm pháp luật, là giết người. Nếu sự việc không được phát hiện, bé không qua khỏi thì toà án lương tâm sẽ phán xử người bà suốt đời, liệu có sống được bình thường không?”, BS Hoàng Thuý Hải phân tích.
Qua sự việc này, BS Hoàng Thúy Hải nhìn nhận: “Đây là hồi chuông cảnh báo rằng nhiều giá trị đạo đức, gia đình, truyền thống đã bị mai một, dễ bị xung quanh làm thay đổi".
Trong khi đó, một cựu lãnh đạo làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em thì phỏng đoán có thể người bà bị stress quá nặng dẫn đến ý tưởng điên khùng muốn giải thoát cho cả bà và cháu.
N. Huyền