Vợ siết cổ chồng say xỉn tử vong: Cam chịu cả đời, một phút bùng nổ thành tội phạm
Phụ nữ cả đời cam chịu rồi một phút bùng nổ là thành tội phạm. Dẫu không thể ủng hộ hành vi siết cổ chồng nhưng từ căn nguyên, gốc rễ sự việc có thể hiểu được vì sao chị lại làm vậy.
Đó là chia sẻ của TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) xung quanh câu chuyện về người phụ nữ ở Nghệ An đã dùng dây thừng siết cổ chồng tử vong sau khi bị người chồng say" xỉn đánh đập.
Ngày 15/1, Công an huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) cho biết đang tạm giữ bà Sầm Thị Hương (62 tuổi, trú tại xã Thông Thu, huyện Quế Phong) để điều tra hành vi liên quan đến vụ chồng bà Hương tử vong bất thường trong nhà.
Trước đó, tối 12/1, hàng xóm nghe tiếng kêu cứu của bà Hương nên vội chạy sang. Đến nơi, họ phát hiện ông Lữ Văn Phương (59 tuổi, chồng bà Hương) nằm bất tỉnh trong gian nhà bếp, trên miệng có sùi bọt mép.
Sau nhiều lần gọi nhưng không nhận được câu trả lời, bà Hương và hàng xóm đã bế ông Phương vào nhà. Khi kiểm tra, họ phát hiện ông Phương đã tử vong với một vết bầm tím quanh cổ.
Bà Hương sau đó đã thừa nhận hành vi phạm tội. Theo lời khai, tối hôm xảy ra sự việc, người chồng đi uống rượu về rồi ra tay đánh bà Hương. Bực tức vì nhiều lần bị đánh đập, người phụ nữ này đã phản kháng, dùng dây thừng siết vào cổ khiến người chồng tử vong.
Trao đổi với phóng viên về sự việc, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nói đây là vụ việc khiến bà thấy xót xa.
"Phụ nữ cứ cam chịu thì có khi cũng bị giết hoặc bị hành hạ suốt đời, vùng lên thì thành tội phạm" - vị chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về bình đẳng giới nói.
Tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo hành ở mức 60%. (Ảnh minh họa) |
“Người đàn ông giết dần giết mòn cả thể xác, tinh thần và tình cảm của người phụ nữ thì dường như người ta thấy là bình thường và quá nhiều trong xã hội. Người phụ nữ cả đời cam chịu rồi một phút bùng nổ là thành tội phạm. Tất nhiên, tôi không thể tán thành hành động của người phụ nữ ở Nghệ An này nhưng có thể hiểu được vì sao chị lại làm vậy”, TS Khuất Thu Hồng bày tỏ.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, căn nguyên của vấn đề là do bạo lực gia đình kéo dài, người phụ nữ phải chịu đựng quá lâu, rơi vào bế tắc rồi bùng nổ.
“Điều đáng buồn ở đây là người phụ nữ không tìm được nơi nào có thể giúp họ. Cả 2 cuộc điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ đều cho thấy 90% phụ nữ bị chồng bạo hành không tìm đến sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng hay Hội phụ nữ.
Điều đó phản ánh một thực tế mà chúng ta ít muốn thừa nhận rằng các cơ quan chức năng hay các dịch vụ hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực gia đình chưa hiệu quả, hoặc không được phụ nữ tin cậy. Do vậy, họ đành cam chịu trong im lặng.
Khi bị đẩy đến giới hạn cuối cùng thì họ bùng nổ. Logic đó không có gì khó hiểu. 10 năm nay tỉ lệ phụ nữ bị chồng bạo hành vẫn loanh quanh ở mức 60%, chứng tỏ cố gắng của chúng ta chưa đủ, chưa hiệu quả. Người phụ nữ vẫn phải câm lặng đối phó với bạo hành một mình. Tôi thấy rất buồn”, bà Hồng nói.
TS Khuất Thu Hồng đưa ra lời khuyên: "Đừng vì bất kỳ lý do gì mà chị em cứ “nín nhịn, câm lặng” cam chịu bạo lực gia đình! Hãy lên tiếng, hãy kêu cứu, hãy đối mặt với kẻ bạo hành. Người phụ nữ bị bạo hành không phải xấu hổ. Kẻ đáng hổ thẹn, đáng bị trừng phạt là kẻ bạo hành. Những người đáng xấu hổ là những người không làm gì hoặc làm không đến nơi đến chốn để giúp đỡ những người phụ nữ đáng thương ấy".
N. Huyền