Võ gì khiến Iran an toàn trước Mỹ?
Võ gì khiến Iran an toàn trước Mỹ?
>> Phương Tây đồng ý nối lại đàm phán với Iran
>> Tổng thống Obama: Mỹ sẽ luôn ở bên Israel
>> Bộ trưởng Năng lượng Mỹ: Đã dự trữ đủ dầu đề phòng "sự cố Iran"
1. Iran không phải là Iraq
Để “bình định” được một Iraq đã hao hụt nhiều sau chiến tranh vùng vịnh năm 1991, nước Mỹ đã phải mất thêm 12 năm cấm vận, và chỉ đến khi nền kinh tế của quốc gia này chỉ còn là cái vỏ trống rỗng thì cuộc tấn công năm 2003 mới thành công.
Khác với Iraq, trong hàng chục năm liên tục ở trong thế phòng bị, Iran đã xây dựng cho mình một nền kinh tế với những khoản dự trữ đô la khổng lồ có được từ việc xuất khẩu dầu mỏ. Nếu Mỹ muốn làm cho nền kinh tế Iran sụp đổ bằng những lệnh cấm vận, hẳn thời gian sẽ còn phải rất dài, bởi quan hệ kinh tế với các quốc gia của Iran lớn hơn Iraq rất nhiều trong khi đó không ít chính phủ phản đối việc Mỹ gây chiến với Iran.
Dù nền quốc phòng của Iran không thể sánh ngang với Mỹ cùng đồng minh cả về lượng và chất, tuy vậy với những gì Iran đang có, Mỹ thừa hiểu rằng có khả năng họ sẽ bị rơi vào tình thế “cá chết, lưới rách”.
Không thể xem thường lực lượng quân sự của Iran. Ảnh: Minh họa
2. Lý do gây chiến?
Với Afghanistan người Mỹ đã có ngay một Bin Laden, với Iraq họ cũng có cái gọi là “vũ khí giết người hàng loạt” (dù sau này tất cả đều biết đó là điều bịa đặt). Hiện tại với Iran cái cớ vẫn đang là chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng cho đến nay mọi việc mới chỉ dừng lại ở mức độ phỏng đoán.
Tháng 11 năm ngoái, Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã đưa ra bản báo cáo trong đó bày tỏ “nỗi quan ngại sâu sắc”, nhưng rõ ràng lý do đó là chưa đủ để phát động một cuộc chiến chống lại Iran.
3. Tăng giá dầu thô
Mới đây Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, Steven Chu vừa tự tin đưa ra thông báo: “Mỹ đã dự trữ đủ lượng dầu”. Tuy vậy thực tế lại cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác: nếu tấn công Iran đồng nghĩa với việc các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ tại quốc gia này sẽ bị gián đoạn.
Không chỉ có thế, dòng chảy của 20% lượng dầu mỏ thế giới đi qua eo biển Hormuz cũng sẽ bị chặn lại, cơn ác mộng này sẽ không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế của một quốc gia đơn lẻ mà sẽ tác động lên toàn bộ nền kinh tế toàn cầu vốn vẫn đang đối mặt với suy thoái. Thực tế trong những ngày này giá dầu đang ở mức cao nhất trong vòng gần một năm qua.
4. Sự đồng thuận của Liên Hợp Quốc
Thực chất là rào cản đến từ Nga và Trung Quốc, vậy điều gì khiến cho hai nước này “bảo vệ” Iran?
Nga sẽ không để Mỹ can thiệp vào Iran? Ảnh: Internet
Với Nga, dù trong thời gian vừa qua quan hệ hai nước có nhiều sứt mẻ, nhưng xét về tổng thể cả hai bên vẫn rất cần nhau. Sau khi xảy ra cuộc chiến tại Lybia, Nga đã mất đi một nơi quan trọng để khẳng định sự hiện diện của mình tại Bắc Phi, nếu “mất” tiếp Iran và Lebanon, tương lai của Nga tại Trung Đông sẽ trở lên mù mịt hơn bao giờ hết.
Với Trung Quốc, điều này còn quan trọng hơn nhiều, trong nhiều năm qua Iran luôn là đối tác hàng đầu của Trung Quốc, không chỉ trong lĩnh vực hàng tiêu dùng mà còn là các hợp đồng buôn bán vũ khí với số tiền lên đến hàng trăm triệu đô la, đổi lại Trung Quốc có được một nơi cung cấp dầu tưởng như vô tận.
Không những thế, Iran còn là thành viên trong tổ chức hợp tác phát triển Thượng Hải (SCO), nói một cách khác, họ chính là những đồng minh của nhau.
Còn một lý do khiến Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ phản đối việc tấn công Iran đó là vì cả hai quốc gia này đều đang cố gắng khẳng định sự hiện diện tại đây, nếu để mất Iran vào tay người Mỹ, việc tiếp cận các giếng dầu ở đây sẽ trở lên vô cùng khó khăn, đồng nghĩa với việc người Mỹ sẽ độc chiếm “rốn dầu thế giới”.
Thực tế trong giai đoạn vừa qua dù có nhiều sự việc không bằng lòng với Iran nhưng hai quốc gia này vẫn giữ thái độ ôn hòa, mặc cho Mỹ và đồng minh ra sức chỉ trích.
5. Thảm họa Trung Đông
Nếu nổ ra một cuộc chiến tại đây đồng nghĩa với việc thế giới sẽ gặp phải thảm họa. Mâu thuẫn tại khu vực này giống như một mớ bòng bong, không chỉ là của Iran – Israel, mà còn là Palestin – Israel, Libanon – Israel, Iran – Một phần thế giới Ả rập… khi một cuộc chiến nổ ra, mức độ lan tỏa của nó sẽ không khác gì phản ứng dây chuyền trong quả bom nhiệt hạch, mọi thứ có lẽ chỉ dừng lại khi đã cháy thành tro bụi.
Giải quyết nội tình sẽ tốt hơn cho cuộc đua ở lại nhà trắng của ông Obama? Ảnh: AFP
6. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ
Giống như mọi đời tổng thống trước đó, ông Obama sẽ không dại gì tiến hành một cuộc chiến trong thời điểm cuộc bầu cử tổng thống chỉ còn vài tháng nữa (3/11/2012) sẽ bắt đầu. Vấn đề cấp thiết của ông hiện nay là vực dậy nền kinh tế Mỹ vốn đang trong giai đoạn khó khăn, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cử tri.
Hơn nữa, qua hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan Mỹ đã hao tổn rất nhiều tiền của, nhưng các khoản lợi nhuận thu lại chắc hẳn vẫn còn phải chờ thêm một thời gian nữa. Việc chi thêm cho cuộc chiến tại Iran sẽ khiến nền kinh tế Mỹ gặp thêm rất nhiều khó khăn. Trong khi đó Trung Quốc đang tận dụng điều này và ngày ngày âm thầm mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ra khắp thế giới.
Một cuộc chiến xảy ra là điều không ai muốn. Tuy vậy, cho đến thời điểm hiện tại người ta vẫn chưa thấy một lộ trình rõ ràng để chấm dứt nguy cơ này. Ngòi nổ ở đây có lẽ phần lớn nằm ở sự mâu thuẫn giữa Iran và Israel trong đó cốt lõi là chương trình hạt nhân của Iran, điều khó khăn hiện nay là làm sao dung hòa được hai việc – phát triển vì mụch đích hòa bình và sản suất bom hạt nhân, và liệu các bên liên quan có thật tâm muốn giải quyết hay không? Để biết được điều đó có lẽ chúng ta phải chờ "hồi sau sẽ rõ".
Nguyên Đức