Vladimir Putin - bậc thầy “chuyển bại thành thắng”
Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Trong suốt giai đoạn cầm quyền của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không ít lần phải đối mặt với những khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc”. Tuy nhiên, bản lĩnh của cựu điệp viên KGB đã khá nhiều lần giúp ông Putin không những vượt qua các khó khăn này mà còn biến đó thành lợi thế để lật ngược thế cờ một cách ngoạn mục....
Dẹp loạn ngay sau khi nắm quyền Tổng thống Nga
Sau khi lên nắm quyền sau cuộc bầu cử Tổng thống ngày 26/3/2000 (trước đó Putin được cố Tổng thống Eltsin đề cử nắm chức Tổng thống Nga sau khi ông tuyên bố từ chức ngày 31/12/1999), Tổng thống Putin đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Nước Nga thời Eltsin rơi vào cảnh hỗn loạn do chịu sự chi phối mạnh mẽ của giới tài phiệt nên ảnh hưởng của nhóm này lên tình hình chính trường Nga là rất lớn.
Sau khi bộ máy chính phủ mới của Putin hình thành, các bộ mặt nhiều ảnh hưởng cũ thời Yeltsin – gồm cả Lãnh đạo Nhân sự Aleksandr Staliyevich Voloshin và Thủ tướng Mikhail Mikhailovich Kasyanov vẫn giữ được nhiều quyền kiểm soát đối với các chính sách và sự chỉ đạo của chính phủ mới.
Chính vì vậy, Putin đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm tái lập quyền lực tuyệt đối của Kremlin đối với đời sống chính trị Nga.
Thời Tổng thống Eltsin, 89 vùng lãnh thổ chính trị cấp dưới liên bang ở nước Nga (các nước cộng hoà, vùng, Moscow và Saint-Peterburg) đều được trao những quyền tự trị rất lớn.
Hệ thống này phá vỡ các quy tắc liên bang và góp phần làm lớn mạnh các phong trào li khai, nổi tiếng nhất như tại Chesnia. Vì thế, một trong những đạo luật đầu tiên của Putin là tái lập lại cái mà ông gọi là "quyền lực theo chiều dọc" – nghĩa là quay trở lại với hệ thống liên bang từ trên xuống theo truyền thống.
Trong hành động đầu tiên, Putin thông báo chỉ định bảy vị "đại diện toàn quyền" của tổng thống. Họ chịu trách nhiệm điều phối hoạt động của liên bang tại các siêu vùng vừa mới được thành lập. Ngoài ra, Putin cũng đã tiến hành cải cách triệt để hệ thống Thượng viện Nga (Hội đồng Liên bang).
Ngoài ra, ông Putin và bộ máy của mình trực tiếp đối đầu với nhiều vị Thống đốc bất tuân bị buộc tội tham nhũng. Sự “rắn mặt” của Putin đã khiến nhiều tài phiệt “máu mặt” (Boris Abramovich Berezovsky, Vladimir Aleksandrovich Gusinsky, và sau này là Mikhail Khodorkovsky) phải chạy trốn khỏi nước Nga, qua đó ông Putin dần loại bỏ được ảnh hưởng của nhóm tài phiệt lên chính trường Nga để đảm bảo cho sự ổn định hệ thống chính trị.
Thảm họa tàu ngầm nguyên tử Kursk ghi dấu ấn đầu tiên
Tháng 8/2000, chiếc tàu ngầm nguyên tử Nga Kursk đắm ngoài khơi bán đảo Kola, làm 118 thủy thủ trên tàu thiệt mạng. Rất nhiều người thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội Nga tức giận với sự thất bại của chính phủ và quân đội trong việc cung cấp những thông tin đáng tin cậy về mức độ của thảm họa trong những ngày đầu tiên.
Không để dân chúng tức giận và ngày càng hoang mang, Putin cắt ngắn kì nghỉ của mình, quay trở lại Moscow nhận trách nhiệm trực tiếp giải quyết cuộc khủng hoảng.
Chính hành động kịp thời của ông Putin đã góp phần xoa dịu đáng kể dư luận Nga và đây cũng là hành động ghi dấu ấn đầu tiên của ông Putin trong lòng công chúng Nga như vị lãnh đạo đầy trách nhiệm với đất nước.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Tổng thống Mỹ Obama. |
Ukraine, Crimea - nước cờ lật hoàn hảo
Vào thời điểm quý 3 năm 2013, Ukraine dưới thời Tổng thống Viktor Yanukovich đã tiến hành một loạt các đàm phán và chuẩn bị ký kết các văn kiện liên kết với EU.
Nếu như Ukraine liên kết và trở thành thành viên EU, số phận Hạm đội Biển Đen của Nga đóng tại căn cứ Sevastopol sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, đồng thời an ninh sườn Tây của Nga sẽ không thể được đảm bảo.
Đứng trước thực tế hiển diện là có thể mất Ukraine vào tầm ảnh hưởng của phương Tây, nước Nga của Tổng thống Putin đã đi nước cờ rất táo bạo: Đề nghị (thực chất là gây sức ép) Ukraine hủy bỏ việc ký kết văn kiện này, đổi lại, Moscow sẽ hỗ trợ Ukraine khoản tiền 3 tỷ USD dưới dạng mua trái phiếu châu Âu cho Kiev.
Cuối năm 2013, Tổng thống Yanukovich quyết định hủy bỏ việc ký kết các văn kiện liên kết với EU. Tổng thống Putin được đánh giá đã đi nước cờ cao tay, loại bỏ được tham vọng tiến sát sườn Nga của phương Tây.
Tuy nhiên, phương Tây, trực tiếp là Mỹ, đã không dừng lại ở đó. Tháng 11/2013, cuộc cách mạng Maidan bắt đầu. Lực lượng đối lập, dưới sự hậu thuẫn của phương Tây, đã liên tiếp đụng độ với lực lượng cảnh sát, bảo vệ an ninh của chính phủ.
Đến giữa tháng 2 năm 2014, những cuộc đàm phán giữa ông Yanukovych và phe đối lập đã thất bại khiến bạo lực càng trở nên dữ dội hơn đẩy Ukraine đến bờ vực của một cuộc nội chiến.
Theo Bộ Y tế Ukraine, chỉ riêng ngày 18/2 đã có 28 người biểu tình, 7 cảnh sát và 1 người qua đường thiệt mạng. Đến ngày 21/2, đụng độ đẫm máu giữa lực lượng Berkut và những người biểu tình khiến số người chết lên đến 77 người và hàng trăm người khác bị thương. Tổng thống Yanukovich buộc phải lên trực thăng tháo chạy khỏi dinh thự Tổng thống.
Đến ngày 22/2/2014, Quốc hội Ukraine bỏ phiếu bãi miễn chức vụ Tổng thống với Yanukovich và trao cho Chủ tịch Quốc hội Oleksandr Turchinov nắm quyền Tổng thống tạm thời.
Yanukovich bị bãi miễn và lực lượng đối lập lên nắm quyền đồng nghĩa với việc viễn cảnh Hạm đội Biển Đen của Nga bị “hất cẳng” khỏi Sevastopol và an ninh sườn Tây Nga bị đe dọa tiếp tục tái hiện.
Đứng trước tình thế này, Tổng thống Nga Putin lại một lần nữa thể hiện sự “cao tay” của mình.
Ngày 27/2/2014, một nhóm 60 người Nga có vũ trang chiếm tòa nhà Hội đồng Tối cao, Hội đồng Bộ trưởng Crimea và cắm quốc kỳ Nga trên các tòa nhà này. Hội đồng Tối cao của Crimea sau đó đã tổ chức họp khẩn cấp để tước quyền thủ tướng Crimea Anatolii Mohyliov người được thay thế là Sergey Aksenov thuộc Đảng nước Nga thống nhất tại Crimea, thống nhất tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thăm dò nguyện vọng của người dân Crimea trong việc sáp nhập Crimea vào thành phần Nga.
Đến ngày 1/3/2014,Thượng viện Nga đã chấp thuận cho phép Tổng thống Putin được quyền đưa quân đội vào Ukraine để hỗ trợ chính quyền mới do Sergey Aksenov đứng đầu.
Ngày 16/3/2014, cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề quy chế cho Crimea đã được tổ chức thành công với tỷ lệ rất đông người dân Crimea (96,77%) có nguyện vọng đưa Crimea “trở về với đất mẹ”.
Đến ngày 21/3/2014, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh sáp nhập Crimea vào Nga và ký luật thành lập 2 khu vực hành chính mới của nước Nga là Crimea và thành phố cảng Sevastopol.
Tổng thống Putin đã đưa “Crimea trở về với đất mẹ” theo cách thức bất ngờ nhất đối với tất cả các cơ quan tình báo nhà nghề hàng đầu Mỹ và châu Âu, lấy lại được bán đảo có giá trị đặc biệt quan trọng về chiến lược có diện tích hơn 27 nghìn cây số vuông, với hơn 2,4 triệu người mà không tốn bất cứ viên đạn nào.
Đây được coi là một trong những nước cờ lật hoàn hảo nhất của Tổng thống Putin trong cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ và phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama. |
Từ cô lập, phương Tây quay sang “ve vãn” Nga
Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea khiến Mỹ và phương Tây ban hành một loạt quyết định cấm vận chống lại Nga, đồng thời tẩy chay Nga trong các hoạt động quốc tế.
Nhóm G7 tẩy chay không tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G8 dự định được tổ chức tại thành phố Sochi từ trước đó, đồng thời loại bỏ Nga ra khỏi nhóm để quay trở lại thành nhóm G7.
Những động thái của phương Tây khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây đã rơi vào trạng thái băng giá. Cụm từ “Nước Nga bị cô lập” rất được giới truyền thông Mỹ và phương Tây sử dụng để cho thấy sự cô lập của Nga.
Quyết tâm cô lập Nga của phương Tây được thể hiện rất rõ trong Hội nghị Thượng đỉnh G20 được tổ chức ở Brisbane (Australia) từ 15-16/11/2014. Lãnh đạo các nước phương Tây đã đồng loạt lên tiếng công kích Tổng thống Putin.
Thậm chí Thủ tướng nước chủ nhà Tony Abbott còn tuyên bố sẽ “nói chuyện” thẳng thắn với ông Putin về vụ rơi máy bay Malaysia tại Ukraine, mà Kiev và phương Tây cáo buộc là do phe đòi độc lập thân Nga ở miền đông Ukraine là chủ mưu.
Ông Putin khi đó đã bất ngờ rời Hội nghị thượng đỉnh G20 sớm khi hội nghị này chưa kết thúc khiến cộng đồng quốc tế xôn xao.
Trong bối cảnh bị bao vây, cô lập, Tổng thống Putin lại thể hiện “thương hiệu” của mình khi quyết định mở chiến dịch quân sự chống IS tại Syria ngày 30/9/2015.
Chiến dịch này đã đem đến hiệu quả vượt sức tưởng tượng của nhiều người. Chỉ trong vòng tháng đầu tiên không kích IS, Nga đã tiêu diệt số lượng phiến quân IS nhiều hơn so với cả 1 năm liên quân do Mỹ đứng đầu không kích IS.
Vị thế của Nga trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố đã được nâng lên đáng kể. Thái độ của các lãnh đạo thế giới đối với Tổng thống Putin đã thay đổi rõ rệt tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) tháng 11/2015.
Thay thế cho sự lạnh nhạt và giọng điệu đối đầu ở Brisbane, lãnh đạo các nước phương Tây đều cố gắng có cuộc gặp song phương với ông Putin. Tổng thống Nga và Mỹ thậm chí còn thảo luận riêng lần đầu tiên sau khi Nga sáp nhập Crimea.
Từ chỗ bị cô lập sau sự kiện Crimea, những “đường đi nước bước” đầy chiến lược một lần nữa giúp Putin lật ngược được thế cờ một cách ngoạn mục.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Syria al-Assad |
Chiến trường Syria tiếp tục ghi dấu ấn
Khả năng “lật ngược thế cờ” tiếp tục được Tổng thống Putin thể hiện rõ nét trong quá trình Nga thực hiện chiến dịch quân sự chống IS ở Syria.
Ban đầu, Mỹ không chấp nhận khả năng để Tổng thống Syria al-Assad tiếp tục tại vị. Tuy nhiên, những hiệu quả đáng kể từ chiến dịch quân sự của Nga dường như đã khiến Mỹ phải “xuống nước” trong đòi hỏi này.
Mỹ đã phải cử Ngoại trưởng John Kerry đến Nga để tìm giải pháp cho vấn đề Syria. Trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin ngày 15/12/2015 tại Moscow, Ngoại trưởng Kerry thừa nhận rằng "Mỹ và các đối tác sẽ không tìm kiếm cái gọi là sự thay đổi chế độ ở Syria" và Mỹ giờ đây không đặt vào "những gì có thể hay không thể làm ngay tức khắc đối với Assad", mà thay vào đó là khơi thông một tiến trình hòa bình mà trong đó "người Syria sẽ quyết định tương lai của chính mình".
Đối với Pháp, sau khi kiên quyết hủy hợp đồng mua bán 2 tàu đổ bộ Mistral cho Nga, Tổng thống Pháp F.Hollande đã phải đích thân đến Moscow để hối thúc Nga và Mỹ hợp tác để chống IS.
Ngày 24/11/2015, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga. Sự việc này dường như một lần nữa là “liều thuốc” thử phản ứng của Nga. Nếu không phản ứng kiên quyết, hình ảnh nước Nga và Tổng thống Putin sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhưng nếu như giải quyết vấn đề theo hướng có thể làm bùng phát chiến tranh lại là điều có thể gây nhiều tác động tiêu cực đến Nga.
Ngay sau đó, Tổng thống Putin lại có bước đi hết sức bất ngờ. Ngoài việc ban hành một loạt lệnh cấm vận kinh tế chống Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Putin đã quyết định đưa hệ thống S-400 đến bố trí tại Syria.
Nước cờ này giúp Nga giành quyền kiểm soát toàn bộ không phận Syria. Từ chỗ đề nghị liên quân phương Tây cung cấp kế hoạch bay chống IS để không xảy ra đụng độ trên không, Nga gần như đã buộc được các nước này phải cung cấp kế hoạch bay cho Nga nếu không muốn làm “mồi ngon” cho S-400 của Nga.
Với việc bố trí được S-400 ở Syria (nếu điều trước sự vụ máy bay Su-24 bị bắn hạ gần như là không thể vì không có lý do hợp lý), Nga có thể khống chế toàn bộ khu vực Trung Đông, qua đó giúp đưa ảnh hưởng quân sự của Nga ở khu này lên tầm cao mới.
Với những quyết sách đầy mạnh mẽ, táo bạo, Tổng thống Nga Putin đã không ít lần lật ngược được thế cờ. Mỹ và phương Tây sẽ phải thận trọng trong từng bước đi để không “chèn ép quá đáng” Nga vì khi đó không biết “bậc thầy lật ngược thế cờ” sẽ tung ra chiêu bài gì tiếp theo.