Vịnh Hạ Long: 200 mét bờ biển nhặt được gần tấn rác
Chỉ trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ thu gom rác tại bãi Áng Dù 1 và Áng Dù 2 có tổng chiều dài vừa đúng 200m thuộc quần thể Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, khoảng 100 tình nguyện viên đến từ các công ty du lịch và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã thu gom được 741 kg rác.
Đây là các bãi nhỏ, yên tĩnh và có phong cảnh vô cùng đẹp, nằm cách bến tàu du lịch Hạ Long khoảng 1 giờ chạy tàu. Không có nhiều khách du lịch đặt chân đến bãi Áng Dù, nhưng đây là một trong những nơi phải hứng chịu rác từ ngoài vịnh trôi dạt về.
Lượng lớn rác được các tình nguyện viên thu gom tại bãi Áng Dù. |
Trong số đó, 70% là các tấm phao xốp trôi dạt về, còn lại là dây thừng, vỏ chai nhựa, lưới đánh bắt cá, vỏ bánh kẹo, túi nilon, kim tiêm,... Đó là chưa kể một lượng lớn các loại tre, gỗ trôi dạt về đây nhưng không được tính là rác thải nguy hại. Rác thải là điều rất phản cảm đối với Di sản thiên nhiên thế giới từng 2 lần được UNESCO vinh danh như vịnh Hạ Long.
Chương trình thu gom rác được thực hiện vào chiều 14/6/2018 do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), Công ty Du thuyền Bhaya, Trung tâm hỗ trợ Phát triển xanh (GreenHub) và Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn) phối hợp thực hiện.
Đây là lần thứ 4 các đơn vị này thực hiện chương trình “Hành động vì Hạ Long xanh: hướng tới du lịch không rác” nhằm giới thiệu khái niệm không rác thải và các thực hành xanh áp dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch và khách sạn.
Theo bà Trần Thị Hoa, Giám đốc GreenHub, sau 3 chiến dịch kể từ năm 2016 đến nay, tại 4 km bờ biển của vịnh Hạ Long đã thu được 4 tấn rác thải, chủ yếu là rác thải nhựa và túi nilon.
Ông Trần Quang Đấu, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT) tham gia thu gom rác. |
Tháng 4/2018, trên trang tripadvisor, một diễn đàn hàng đầu thế giới về du lịch, đã xuất hiện một loạt các topic của du khách nước ngoài về một Hạ Long xấu xí với rác thải và ý thức của người dân. Trong đó, có du khách đăng tải hình ảnh nhân viên của một hãng tàu du lịch nổi tiếng thản nhiên quét rác từ boong tàu xuống mặt nước.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hiền, cán bộ thuộc IUCN, hình ảnh này tưởng chừng vô hại đối với doanh nghiệp nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của chính doanh nghiệp đó khi chắc chắn du khách quốc tế sẽ từ chối sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp này.
“Chính việc bảo vệ môi trường sẽ làm tăng thêm giá trị của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không có trách nhiệm thì chính doanh nghiệp sẽ là đối tượng chịu rủi ro về doanh thu đầu tiên,” bà Hiền cho hay.
Cũng theo bà Hiền, văn phòng IUCN Việt Nam đã nhận được không ít phản hồi của du khách về tình trạng các tàu du lịch và tàu vận tải của Việt Nam thản nhiên xả rác xuống vịnh Hạ Long, trong đó có cả tàu của những doanh nghiệp lớn.
Theo ông Michael Greene – Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, đơn vị tài trợ cho Sáng kiến Liên minh Hạ Long – Cát Bà – UBND tỉnh Hạ Long đã di chuyển 250 làng chài nổi, tuy nhiên, với việc vận hành của các tàu du lịch trên vịnh, không tránh khỏi việc có những tàu du lịch xả rác lên mặt vịnh.
“Có thể lần này hay lần sau họ không bị phát hiện, nhưng những lần sau sẽ có người phát hiện ra. Cơ quan nhà nước cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn để những tàu đó nếu bị phát hiện sẽ phải chịu trừng phạt bởi một biện pháp rất mạnh, như thu giấy phép hoạt động chẳng hạn”, ông Michael Greene đề xuất.
Ông Michael Greene và vợ cùng tham gia thu gom rác với các tình nguyện viên. |
Ông Michael Greene cho rằng Chính phủ cần đưa ra những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, để cộng đồng doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào vấn đề này.
Theo bà Nguyễn Huyền Anh, Phó BQL vịnh Hạ Long, riêng trong năm 2017, lượng rác được BQL thu gom trên vịnh Hạ Long lên đến 2.104 tấn. Bà Huyền Anh cho rằng việc luôn tồn tại một lượng lớn rác thải trôi nổi trên mặt vịnh đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng.
Cùng tham gia thu gom rác với các tình nguyện viên, ông Jake Brunner – Giám đốc IUCN Khu vực Đông Dương & Myanmar – cho rằng tất cả các bên đều có trách nhiệm hành động, nhưng nếu chính quyền không có sự quan tâm rõ ràng sẽ không có được hiệu quả như mong muốn.
ÔngJake Brunner tham gia thu gom rác cùng các tình nguyện viên. |
Nằm trong chuỗi các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường Hạ Long – Cát Bà, IUCN đã tổ chức các chương trình tập huấn cho các công ty du lịch; phát hành cuốn sách hướng dẫn về du lịch Hạ Long – Cát Bà, trong đó lồng ghép những vấn đề về đa dạng sinh học trong các tour du lịch Hạ Long – Cát Bà.
“Thông thường, khi hỏi đến thắng cảnh hòn vọng phu, hướng dẫn viên du lịch chỉ giải thích đó là hình ảnh người vợ đang đợi chồng. Đó là những câu chuyện mang tính chất truyền thuyết, nhưng họ lại không hiểu gì về đa dạng sinh học và quá trình tiến hóa, hình thành núi đá vôi tại khu vực này. Chính sự đa dạng sinh học này mới góp phần làm tăng giá trị của vịnh Hạ Long”, ông Jake Brunner cho hay.
Hoạt động thu gom rác từ tàu du lịch. Từ đây, rác thải sẽ được đưa đến nơi xử lý rác. |
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Minh Phúc - Trưởng phòng Nhân sự, phụ trách các dự án CSR Công ty Du thuyền Bhaya – cam kết thực hiện một loạt các thay đổi nhằm giảm thiểu áp lực về rác thải đối với môi trường.
“Bhaya sẽ đưa ống hút bằng inox vào sử dụng thay thế cho ống hút nhựa chỉ được sử dụng 1 lần trên các tàu du lịch của công ty. Chúng tôi cũng nói không với tất cả đồ dùng có vỏ bọc bằng nhựa, chẳng hạn như vỏ hộp sữa chua, vỏ chai tương ớt, vỏ hộp mứt (jam). Thay vào đó chúng tôi tự làm sữa chua, tương ớt, mứt để phục vụ du khách. Chúng tôi cũng yêu cầu nhà cung cấp trứng cho hệ thống tàu du lịch của Bhaya phải thay thế hộp đựng trứng bằng nhựa bằng bìa carton,” ông Lê Minh Phúc nói.
Với đặc thù là doanh nghiệp phục vụ du khách lưu trú trên tàu, đại diện công ty Bhaya cho hay công ty đang tìm kiếm nhà cung cấp các bàn chải đánh răng có cán bằng tre, gỗ, thay vì cán bằng nhựa, ngoài ra công ty còn hướng đến việc sử dụng túi organic để đựng rác và đựng thực phẩm.
Bên cạnh đó, công ty cũng đang hướng đến việc sử dụng xà bông làm từ bồ kết, hương nhu, bột nghệ, hoa nhài,… để khi khách sử dụng sẽ không thải ra môi trường chất gây ô nhiễm.
Các tình nguyện viên và lượng rác nhặt được tại bãi Áng Dù 2. |