Việt Nam trong mắt một nhà báo hải ngoại
Sau chiến tranh, nói như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Nhiều người có thể có xu hướng chính trị khác nhau, nhưng cái tâm vì đất nước, vì người nghèo của anh chị em thì chúng ta trân trọng. Hòa hợp, hòa giải dân tộc bây giờ tạo nên sức mạnh lớn lắm!”.
Với tinh thần lấy hòa hiếu làm trọng, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, Việt Nam đã thực sự trở thành người bạn của các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thực hiện loạt bài “hòa hợp dân tộc”, chúng tôi hi vọng sẽ cung cấp cho độc giả thêm một số góc nhìn, quan điểm về chủ đề này.
Là một trong những người có nhiều hành động rất cụ thể nhằm kêu gọi sự đối thoại giữa những ý kiến khác biệt trong và ngoài nước, lại có một thời gian dài sinh sống và làm báo tại Hoa Kỳ, ông có suy nghĩ gì về vấn đề hòa hợp dân tộc trong giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế và chủ quyền đất nước đang đứng trước những thách thức lớn?
Nhà báo Etcetera Nguyễn trong chuyến đi Trường Sa năm 2012 (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Tôi rời Việt Nam năm 1988, 18 năm sau mới về lại quê hương đất nước. Có rất nhiều điều mới lạ, khác hẳn khi lúc mình ra đi. Trở lại Hoa Kỳ, tôi cảm thấy người làm báo như chúng tôi cần có thái độ khách quan, dấn thân thêm để đưa nhiều thông tin đa dạng từ trong nước ra nước ngoài để độc giả được thấy rõ, chính xác và đầy đủ hơn. Trở về Mỹ sau chuyến đi, chúng tôi đã mạnh dạn phỏng vấn một số nhân vật trong giới lãnh đạo trong nước, cụ thể là nguyên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và đưa hình ảnh ông lên bìa báo.
Qua sự việc này, vào mùa hè năm 2007, nhân chuyến công du Mỹ của Chủ tịch nhà nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết, Việt Weekly đã bị những người chống cộng cực đoan lợi dụng thời điểm kêu gọi chống đối, biểu tình, triệt hạ. Nhưng chúng tôi vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu báo chí của mình. Chúng tôi chủ trương con đường tốt nhất mang lại sự hòa giải phải dựa trên nền tảng đối thoại. Đó là xu thế chung của thế giới.
Đối với người Việt Nam chúng ta, việc đối thoại, ngồi lại với nhau trong giai đoạn này càng cấp bách hơn nữa vì Việt Nam đã mạnh dạn gia nhập sân chơi quốc tế. Người Việt Nam trong và ngoài nước cũng theo xu thế này, cần phải có nhiều cơ hội để tìm hiểu và giải tỏa với nhau những vấn đề tồn đọng của lịch sử, của quá khứ.
Về Việt Nam, tôi thấy lớp trẻ sinh ra và lớn lên sau năm 1975 không quan tâm nhiều đến những khúc mắc của thế hệ cha anh mình sau cuộc chiến. Họ quan tâm nhiều hơn đến công ăn việc làm, gia đình no ấm, kinh tế vững vàng. Phía hải ngoại giới trẻ cũng vậy, họ lo hòa nhập vào đời sống dòng chính để được thoải mái. Chuyện "hòa hợp hòa giải" hiện nay chỉ có ý nghĩa đối với một số thành phần thuộc lớp tuổi cao niên, có quá khứ sâu đậm với thời gian trước năm 1975 mà thôi.
Nhà báo Etcetera Nguyễn với bức ký họa chân dung một sỹ quan tại quần đảo trường Sa (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Sự hòa hợp không thể chỉ đến từ một phía, để thật sự gạt bỏ những mâu thuẫn và cùng nhau đối thoại, theo ông Việt Nam và những người có quan điểm khác biệt cần phải làm gì?
Nguyên tắc cốt lõi của dân chủ là đối thoại và chấp nhận sự khác biệt, từ đó tìm ra những điểm chung để đồng thuận và làm việc. Sự khác biệt chính kiến của người Việt Nam cũng cần phải có dịp ngồi xuống với nhau để trao đổi, tranh luận, phản biện để tìm ra những sự đồng thuận. Có rất nhiều thái độ, động cơ khác nhau khi xảy ra những cuộc đối thoại, dựa trên tương quan lực lượng và quyền lợi của mỗi bên. Do đó, đôi bên cũng cần phải nhìn nhận những vấn đề thực tế đang xảy ra vì quyền lợi chung của dân tộc.
Tôi tin rằng không thiếu gì những người có lòng, có tâm huyết với đất nước đang nỗ lực làm công việc này. Đã có rất nhiều những cá nhân, tổ chức từ thiện làm công việc này từ nhiều năm qua, và hiện nay, vẫn có thêm những chuyến đi về Việt Nam hay từ Việt Nam ra nước ngoài để đối thoại với nhau. Gần nhất là chuyến đi của nghị viên Al Hoàng, ông đang có mặt tại Việt Nam trong vai trò dân cử để nối kết quyền lợi kinh tế giữa hai thành phố Houston và Đà Nẵng.
Những năm gần đây số lượng Việt kiều hồi hương ngày một nhiều, tuy vậy không ít người vẫn giữ những quan điểm bảo thủ, coi việc trở về là một điều gì đó “chẳng đặng đừng”, chỉ đơn thuần là để làm ăn, đầu tư, chứ quan điểm chính trị thì vẫn bất đồng. Theo ông đâu là nguyên nhân của những bất đồng ấy?
Phần lớn những "quan điểm bảo thủ" của người hải ngoại xuất phát từ những quá khứ trước năm 1975, họ đều giữ thái độ dè dặt, thậm chí cực đoan khi nói về Việt Nam. Những người này chọn con đường không bao giờ trở về Việt Nam nữa. Còn những người có nhu cầu về Việt Nam để du lịch, thăm thân hay đầu tư làm ăn buôn bán, tôi nghĩ họ không cùng suy nghĩ với lớp người kia. Họ chấp nhận hiện thực đang diễn ra ở Việt Nam để về tìm cơ hội làm ăn, hợp tác kinh tế, kể cả về Việt Nam để du lịch hay thăm thân và kể cả hồi hương sống luôn.
Nếu có những bất đồng chính kiến hay quan điểm chính trị, họ đã chọn con đường không về lại đất nước. Khối chống cộng cực đoan quyết định không về, không hợp tác với Việt Nam, trên thực tế ngày càng ít đi vì nhiều lý do: Có thể là hiện nay lượng thông tin ngày càng nhiều về hiện tình đất nước qua nhiều hình thức như thông tin đại chúng, các mạng internet, hay qua những lời tường trình trực tiếp từ những người trong cộng đồng về Việt Nam nhiều lần.
Hơn 900 kiều bào về từ hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ đã có mặt tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần 2 vào tháng 9/2012 |
Trong thời gian sinh sống tại Hoa Kỳ, ông thấy thông tin về Việt Nam có được cập nhật đầy đủ và trung thực đến kiều bào hay không, và khi đã trở về Việt Nam ông thấy những thông tin đó có thật sự chính xác?
Người dân ở hải ngoại hiện nay có thể nói theo dõi thường xuyên tin tức Việt Nam qua các kênh thông tin đại chúng từ các trang báo mạng điện tử rất nổi tiếng trong nước như VNExpress, Thông Tấn Xã Việt Nam, Thanh Niên Online, Tuổi Trẻ Online... với một lượng thông tin đa dạng, phong phú cập nhật thường xuyên. Có nhiều trang mạng điện tử trong nước cũng khai thác đủ mọi khía cạnh xã hội như các vụ tiêu cực, đời sống, xã hội khá giật gân, khiến độc giả tò mò tìm hiểu xã hội Việt Nam.
Nói về lượng tin và đề tài thì quả thật phong phú và đa dạng, thỏa mãn sự hiếu kỳ của người đọc. Những loại tin xã hội này đã phản ảnh được phần lớn nhu cầu của độc giả ngoài nước vì tính chất thời sự và lạ lùng của xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, có một số độc giả hải ngoại quan tâm đến những vấn đề chính trị, dân chủ thì lại có nhiều nhu cầu khác liên quan đến vấn đề những tiếng nói đối lập, những tên tuổi bất đồng chính kiến thì hầu như báo chí trong nước không đưa tin.
Có lẽ đây là những vấn đề nhạy cảm, liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia, nên báo chí tập trung ở trong nước không được phép tự do tìm hiểu, khai thác hay thể hiện trên mặt báo. Khi có dịp về Việt Nam tác nghiệp, mặc dù chúng tôi không chủ trương nhắm vào những đề tài nhạy cảm này, mà chỉ chú trọng đến những vấn đề khác như đời sống, văn hóa, kinh tế, xã hội Việt Nam... nhưng khi có dịp nghe nói đến những đề tài chính trị, nhân vật đối lập, chuyện dân oan..., chúng tôi đều được nghe những lý giải, phân tích khác hẳn những gì các nhà đấu tranh chống cộng ở hải ngoại ra sức tuyên truyền cho người dân.
Nói cách khác, độc giả ngoài nước nhiều khi bị ngộ nhận về nhiều vấn đề trong nước chỉ vì không có thông tin chính nguồn, được phản ảnh một các khách quan, không định kiến, không thổi phồng. Việt Weekly cố gắng lấp khoảng cách, khoảng trống này từng bước một, tôn trọng những giới hạn của việc làm báo trong một đất nước đang phát triển. Chúng tôi rất cẩn trọng, không sốt ruột khi làm công việc báo chí tại Việt Nam trong giai đoạn mở cửa này. Báo chí là công việc lâu dài, không cần phải vội. Cứ trình bày đúng theo sự hiểu biết giới hạn cho phép của mình.
Trong tôn chỉ đưa tin của mình, lâu nay Việt Weekly xem vấn đề hòa hợp và hòa giải dân tộc quan trọng ở cấp độ nào? Liều lượng thông tin mà Việt Weekly dành cho vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Chủ trương của Việt Weekly là phản ảnh khách quan, trung thực sự việc và tạo diễn đàn chung cho nhiều tiếng nói trong và ngoài nước tham gia vào những vấn đề chung. Chúng tôi không đặt ra tôn chỉ, hay tiêu chí phải làm công việc của các nhà chính trị, chính khách hay các vị dân cử.
Hãy để các việc hô hào, tuyên truyền cho các vị ấy làm. Công việc của nhà báo là đi lượm lặt thông tin chính nguồn, mắt thấy tai nghe, tổng hợp những gì nghe được để phân tích, lý giải các sự kiện, dựa trên những yếu tố khách quan của đám đông. "Hòa hợp hòa giải dân tộc" là câu chuyện chung, trách nhiệm chung của mọi giới, mà Việt Weekly qua các tin tức, phỏng vấn... đã tác động chung thành những cây cầu để đôi bên có dịp thể hiện những ý kiến khác nhau.
Viet Weekly đang hoàn tất các thủ tục để mở văn phòng tại Việt Nam |
Được biết, Việt Weekly đang hoàn tất thủ tục để mở văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM, điều này chưa từng có tiền lệ, liệu đây có phải là một trong những nỗ lực của Việt Weekly nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa hai bên, tiến tới hòa giải những ý kiến khác biệt?
Nỗ lực tiến hành thủ tục mở văn phòng báo chí của Việt Weekly đầu năm 2013 là kết quả của nhiều năm làm việc, quan sát thị trường báo chí trong nước của nhóm chủ trương Việt Weekly. Để công việc đưa tin hiệu quả, chính xác, phong phú hơn, chúng tôi đang tiến hành thủ tục để hoạt động báo chí công khai. Chúng tôi quan niệm rằng, làm báo phải có mặt tại chỗ để đưa tin mới xác thực, thỏa mãn độc giả của mình.
Kể từ năm 2006 tới nay, qua một số chuyến đi Việt Nam tác nghiệp qua các sự kiện lễ hội, văn hóa hay chính trị, chúng tôi thấy lượng độc giả tăng lên nhiều vì họ quan tâm đến những thông tin hiện thực, khách quan của Việt Weekly về tình hình Việt Nam. Sự chú ý và quan tâm của độc giả là động lực để chúng tôi đi tới quyết tâm phải tham gia trực diện và lập văn phòng tác nghiệp báo chí ở Việt Nam trong năm nay.
Hiện nay một số người vẫn “lo sợ” khi quay trở lại Việt Nam, đó có thể là sự lo ngại về môi trường, sinh hoạt, chính sách và thậm chí cả bất đồng chính kiến… Đã từng về Việt Nam rất nhiều lần, ông có thể chia sẻ điều gì với họ?
Nếu có những nỗi "lo sợ" từ phía những người chống cộng khi quay về trong nước thì, cũng chỉ là một thiểu số không đại diện cho những người ở hải ngoại. Trong những năm gần đây, lượng người từ hải ngoại về ngày càng nhiều. Nên những băn khoăn, trăn trở từ những chuyến đi Việt Nam, theo tôi cũng từ từ thay đổi, không như trước đây.
Tất nhiên văn hóa sống, sự tự do, điều kiện sống ở hải ngoại khác hẳn trong nước, do đó nếu có những "lo sợ" cũng không ngoài những rủi ro khi làm ăn thua lỗ vì thiếu hiểu biết, không nắm vững luật Việt Nam, nên xảy ra những thua lỗ, thất bại không tránh khỏi. Tôi về Việt Nam trong năm 2012 - 2013 tới 5 chuyến, nhưng đều về tác nghiệp báo chí nên cũng có những giới hạn của công việc của nghề báo vì phải tôn trọng những luật lệ hay những phạm vi được đưa tin vì yếu tố nhà báo nước ngoài.
Ngoài công việc đưa tin ra, nếu chỉ đi chơi, du lịch, thăm người thân, tôi thấy đi Việt Nam là thoải mái, thích thú nhất. Vì được nói tiếng mẹ đẻ, được ăn nhiều món ăn ngon khắp các miền, được ngắm, xem, tham dự nhiều lễ hội văn hóa Việt mà trước đây chỉ được biết qua sách vở. Nếu không có những động cơ hay manh động chính trị gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, tôi nghĩ những ai từng về Việt Nam đều cảm thấy không có vấn đề gì khó khăn hay phải "lo sợ".
Xin chân thành cảm ơn ông!