Việt Nam tham dự diễn đàn chính sách cấp cao KOPIST - “Du lịch: Cơ hội và Thách thức”
Diễn đàn là cơ hội để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển du lịch, phương hướng phục hồi trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Việt Nam tham dự diễn đàn chính sách cấp cao KOPIST - “Du lịch: Cơ hội và Thách thức” |
Ngày 23/6, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu tham dự Diễn đàn trực tuyến chính sách cấp cao – Sáng kiến hợp tác Hàn Quốc vì sự phát triển du lịch bền vững (KOPIST).
Diễn đàn lần này có chủ đề “Du lịch: Cơ hội và Thách thức”. Tham dự diễn đàn KOPIST có lãnh đạo cơ quan du lịch quốc gia, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đến từ 10 nước đối tác của Hàn Quốc.
Diễn đàn chính sách cấp cao – Sáng kiến hợp tác Hàn Quốc vì sự phát triển du lịch bền vững (KOPIST) được tổ chức với sự tham gia của các cơ quan du lịch là các đối tác của Hàn Quốc.
Diễn đàn là cơ hội để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển du lịch. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, diễn đàn năm nay được tổ chức trực tuyến về chủ đề tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành du lịch và phương hướng phục hồi. Việt Nam đã tham gia diễn đàn từ năm 2017.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đã chia sẻ về tình hình và chính sách phát triển của du lịch Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Theo đó kể từ cuối tháng 3 năm 2020, Việt Nam đã tạm ngừng đón khách du lịch quốc tế và chủ yếu tập trung phát triển thị trường du lịch nội địa.
Du lịch là một trong những ngành bị tổn thương nặng nề nhất và phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng do Covid-19, lượng khách du lịch và doanh thu du lịch giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp du lịch và khách sạn phải dừng hoạt động, nhân lực du lịch bị mất việc làm hoặc chuyển sang các ngành nghề khác.
Tất cả những yếu tố này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng dịch vụ trong ngành du lịch.
Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngành du lịch, tìm các giải pháp hữu hiệu để tái thiết du lịch và mở cửa lại sớm nhất có thể. Mới đây, Bộ Chính trị đã đồng ý cho phép thí điểm áp dụng hộ chiếu vắc xin đối với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc, Kiên Giang.
Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ cần thích ứng với tình hình mới, tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn và sức khỏe cho cộng đồng, cung ứng các dịch vụ trực tuyến, có chính sách đặt dịch vụ và hoàn hủy linh hoạt, phát triển các sản phẩm du lịch thông minh…
Nhận thức rõ xu hướng du lịch mới và chuyển đổi số được thúc đẩy bởi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Phó Tổng cục trưởng cho rằng đây cũng là cơ hội cho Việt Nam và các quốc gia khác từng bước phục hồi và phát triển thông qua đổi mới và ứng dụng công nghệ trong du lịch.
Theo đó, Tổng cục Du lịch đã cho ra mắt ứng dụng du lịch an toàn trên điện thoại di động để đảm bảo sự an toàn cho du khách và đội ngũ lao động trong ngành du lịch. Các doanh nghiệp du lịch cũng chủ động trong việc đổi mới, chuyển đổi số hoạt động của mình như trong các khâu tiếp thị, bán hàng và cung ứng dịch vụ.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã nghe các tham luận về tác động của đại dịch Covid-19 đối với du lịch, sự thay đổi xu hướng du lịch, chiến lược đổi mới của các doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh đại dịch và chuyển đổi số, cũng như cùng nhau thảo luận về định hướng phục hồi của ngành du lịch trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ chương trình KOPIST, Hàn Quốc còn tổ chức khóa đào tạo trực tuyến dành cho cán bộ du lịch của các quốc gia đối tác trong thời gian từ ngày 19-30/7 nhằm nâng cao kiến thức về du lịch và khả năng phát triển các dự án du lịch.
H. Anh