Việt Nam lọt top 10 quốc gia duy nhất “thực sự hòa bình"
Theo các chuyên gia của bảng xếp hạng thứ 10 của Chỉ số Hòa bình toàn cầu, thế giới ngày càng trở nên nguy hiểm và chỉ có 10 quốc gia được xem là hoàn toàn tránh xa khỏi các cuộc xung đột. Những cuộc nội chiến ở Trung Đông, việc thiếu một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tị nạn cũng như sự gia tăng số người chết trong các vụ tấn công khủng bố đều khiến cho thế giới năm 2016 trở nên kém yên bình hơn so với năm 2015.
Và hiện tại chỉ còn rất ít quốc gia thực sự được sống trong hòa bình, hay nói một cách khác là không dính líu đến bất kỳ cuộc xung đột nào trên thế giới, cả trong và ngoài nước. Theo Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP), cơ quan chủ quản của bảng xếp hạng Chỉ số Hòa bình toàn cầu trong suốt 10 năm qua, chỉ có Botswana, Chile, Costa Rica, Nhật Bản, Mauritius, Panama, Qatar, Thụy Sỹ, Uruguay và Việt Nam là hoàn toàn không có cuộc xung đột.
Việt Nam là 10 quốc gia duy nhất trên thế giới hoàn toàn không có xung đột. Nguồn: Independent |
Theo người sáng lập của IEP, Steve Killelea, tình hình tại Trung Đông ngày càng căng thẳng và khó lường dẫn đến việc tác động xấu lên các khu vực còn lại của thế giới. “Nếu chúng ta nhìn vào tổng thể thì dường như thế giới đang kém yên bình hơn so với 12 tháng trước. Nhưng nếu chúng ta bỏ khu vực Trung Đông ra khỏi bảng xếp hạng trong một thập kỷ qua, hay một năm qua, thì sẽ thấy là thế giới thực ra đã trở nên hòa bình hơn. Điều này nhấn mạnh tác động to lớn của Trung Đông đối với thế giới”, ông nói.
Bảng xếp hạng trên cho thấy 81 quốc gia trở nên hòa bình hơn sau 1 năm trong khi 79 nước khác thì tình hình lại tệ hơn. Tuy nhiên, không giống những năm trước, IEP đã nhấn mạnh một xu hướng rõ ràng rằng những quốc gia có chỉ số hòa bình cao đều cải thiện nhiều trong năm nay, trong khi những quốc gia có chỉ số hòa bình thấp thì tình hình còn tồi tệ hơn. Các nhà phân tích của IEP đã gọi đó là tình trạng “mất cân bằng hòa bình” trên khắp thế giới.
Ông Killelea phân tích: “Lý do quan trọng đằng sau sự mất cân bằng này là việc giải quyết các cuộc xung đột đang nổ ra. Xung đột tại Afghanistan và Iraq đã kéo dài hơn một thập kỷ nay, sau đó lại chuyển sang Syria từ năm 2011 và tới Libya, Yemen. Sự thất bại này đã khiến vấn đề càng thêm tồi tệ. Nếu chúng ta lấy số lượng người chết trong các trận chiến trên thế giới làm ví dụ, có khoảng 112.000 người thiệt mạng trong năm qua, nhưng Syria, Iraq và Afghanistan chiếm tới 75% trong số đó”.
Botswana cũng là một quốc gia không tham gia vào cuộc xung đột nào. Nguồn: Independent |
Ngoài các quốc gia hoàn toàn không có xung đột nói trên, Iceland một lần nữa được vinh danh là quốc gia hòa bình nhất thế giới, tiếp theo là Đan Mạch, Áo, New Zealand và Bồ Đào Nha. Syria một lần nữa lại là nước kém hòa bình nhất thế giới.
Theo định nghĩa của IEP, tình trạng hòa bình tích cực được xác định ở hàng loạt nhân tố, bao gồm: “chấp nhận quyền của những người khác”, “mức độ tham nhũng thấp”, “tự do thông tin” và “một chính phủ hoạt động tốt”.
Cuối cùng, bảng xếp hạng cho thấy châu Âu một lần nữa là khu vực hòa bình nhất trên thế giới và chiếm tới 7 trong số 10 quốc gia top đầu của danh sách. Tuy nhiên, lục địa này cũng không phải là “miễn dịch” với chiến tranh. Anh, Pháp và Bỉ năm vừa qua đã liên quan tới các cuộc xung đột ở Trung Đông cũng như phải hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố ngày càng gia tăng.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Independent, một nhật báo của nước Anh và thuộc sở hữu của tỉ phú Alexander Lebedev. Được thành lập năm 1986, đây là một trong những nhật báo quốc gia trẻ nhất ở Anh.