Việt Nam không có ý định thao túng tiền tệ để giành lợi thế thương mại
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. |
Bà Lê Thị Thu Hằng cũng cho hay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ ngành liên quan thời gian qua đã trao đổi với Bộ Tài chính Mỹ về chính sách tài chính vĩ mô và ngoại hối. "Chúng tôi sẵn sàng trao đổi với Mỹ về các vấn đề có thể phát sinh trong quan hệ, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính", bà Hằng nói.
Theo người phát ngôn, quan hệ hợp tác trong kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Mỹ gần đây có những tiến triển tích cực, đóng vai trò vừa là trọng tâm vừa là động lực trong quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
“Chính phủ Việt Nam luôn kiên trì đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, minh bạch và thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các chính sách kinh tế vĩ mô, tài chính, tiền tệ được các cơ quan quản lý, điều hành một cách đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam nhằm ổn định các cân đối vĩ mô, góp phần phát triển kinh tế xã hội”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 29/5, Bộ Tài chính Mỹ ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”.
Tại Báo cáo kỳ này, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa "Danh sách các quốc gia cần giám sát" gồm 9 nước, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ireland, Singapore, Malaysia và Việt Nam.
Tuy nhiên, Báo cáo tháng 5/2019 kết luận không có đối tác thương mại nào thao túng tiền tệ. Tại báo cáo này, Bộ Tài chính Mỹ lập Danh sách giám sát gồm Trung Quốc (chỉ thỏa mãn một tiêu chí nhưng có thặng dư thương mại hàng hóa song phương rất lớn với Mỹ) và 8 đối tác thương mại lớn khác thỏa mãn hai trên ba tiêu chí.
Theo Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam vào Danh sách giám sát trong Báo cáo tháng 5/2019 do chỉ đáp ứng hai tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai.