Vì Ukraine, Nhật khó lòng giải quyết tranh chấp với Nga
Theo The Diplomat, Nhật Bản đưa ra tuyên bố nước này sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mạnh tay hơn với Nga vì những hành động can thiệp vào cuộc khủng hoảng tại Ukraine như hỗ trợ cho lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine. Trong khi, phe nổi dậy đang bị cáo buộc là thủ phạm bắn rơi chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines, khiến 298 người thiệt mạng hôm 17/7.
Trên The Diplomat, hai tác giả Zach và Ankit Panda từng đặt ra câu hỏi liệu rằng Nhật Bản có dám mạo hiểm những bước tiến ngoại giao đã đạt được giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Vladimir Putin về cơ hội giải quyết tranh chấp chủ quyền lâu nay giữa hai nước tại quần đảo Kuril/Lãnh thổ phương Bắc, để hướng theo Mỹ và châu Âu trừng phạt Moscow?
Hồi tháng 11/2010, khi còn ở cương vị Tổng thống Nga, ôngDmitry Medvedev đã tới thămquần đảo Nam Kuril/Lãnh thổ phương Bắc. |
Nếu Nhật Bản tiếp tục áp đặt thêm lệnh trừng phạt với Nga, hành động này sẽ khiến tiến trình giải quyết quần đảo tranh chấp trở nên mong manh và đẩy mối quan hệ giữa hai nước sang một kỷ nguyên khác.
Còn theo AP, Nhật Bản sẽ phong tỏa tài sản của "các cá nhân và tổ chức ủng hộ Cộng hòa tự trị Crimea tách khỏi Ukraine" cũng như hạn chế nhập khẩu các loại hàng hóa từ Crimea. Ngoài ra, chiểu theo chính sách của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, Tokyo sẽ rút các khoản vốn đầu tư vào những dự án mới vào Nga.
Mặc dù, lệnh trừng phạt hiện chưa được Nội các của Thủ tướng Abe chính thức công bố song quyết định cuối cùng có khả năng được đưa vào cuối tuần này.
Trước đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga từng kêu gọi Nga giúp giải quyết các cuộc giao tranh tại Ukraine.
"Chúng tôi hối thúc Nga tạo ảnh hưởng tới các nhóm ly khai tại Ukraine để họ hợp tác với nhóm điều tra quốc tế về thảm kịch rơi máy bay MH17. Nhật Bản thực lòng hy vọng tình hình tại Ukraine sẽ được giải quyết qua con đường đối thoại ngoại giao càng sớm càng tốt", ông Suga nói.
Tuy nhiên, quyết định áp đặt thêm lệnh trừng phạt với Nga tại thời điểm hiện nay sẽ tạo ảnh hưởng tới sự phát triển ngắn hạn trong mối quan hệ giữa Moscow và Tokyo.
Sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea, Thủ tướng Abe đã nhấn mạnh rằng không cần mất thêm thời gian mà ngay lập tức áp đặt lệnh trừng phạt với Nga. Trên thực tế, Nhật Bản đã gần như cắt đứt hoàn toàn các cuộc đối thoại về lĩnh vực đầu tư và cải cách thủ tục cấp visa với Nga. Hành động này là một phần trong các lệnh trừng phạt mà Tokyo đang thi hành với Moscow trong thời điểm hiện tại.
Theo bản báo cáo sơ bộ, tuyên bố áp đặt thêm lệnh trừng phạt với Nga sẽ không ảnh hưởng tới chuyến thăm tới Nhật Bản của Tổng thống Putin vào cuối năm nay. Chánh văn phòng Suga nhấn mạnh "chưa có gì được quyết định". Tuyên bố này ám chỉ tới chuyến thăm của Tổng thông Putin tới Nhật Bản vào cuối năm nay.
Nếu như ông Putin vẫn tới thăm Nhật Bản, các cuộc thảo luận giữa quan chức hai nước sẽ xoay quanh số phận của quần đảo Kuril/Lãnh thổ phương Bắc. Tuy nhiên, mọi phương pháp giải quyết quần đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Nga sẽ buộc Tokyo thoát ra khỏi vòng trừng phạt Moscow của phương Tây.
Như tác giả J. Berkshire Miller viết trên The Diplomat hồi năm ngoái, ông Abe đã nỗ lực có những giải pháp ngoại giao nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền quần đảo Kuril/lãnh thổ phương Bắc với Nga ngay khi giành chiến thắng bầu cử vang dội hồi tháng 12/2012.
Theo đó, ngay sau cuộc họp cấp cao bàn về giải pháp giải quyết quần đảo tranh chấp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama và người đồng cấp Nga Igor Morgulov, ông Abe đã cử tiếp cựu Thủ tướng Yoshiro Mori tới Moscow.
Tuy nhiên, sau khi cộng đồng quốc tế cô lập Nga do bất đồng quan điểm về cách giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine, tiến trình đàm phán về số phận quần đảo Kuril/Lãnh thổ phương Bắc giữa Tokyo và Moscow đã bị gián đoạn.
Mọi sự tập trung hiện đang đổ dồn vào việc liệu Tổng thống Putin có quyết định tới thăm Tokyo vào cuối năm nay hay không. Bởi chuyến thăm sẽ mở ra cơ hội để hai nước giải quyết tranh chấp chủ quyền lâu nay.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.