Vì sao xoa bóp bấm huyệt dễ gây nghiện?
Không chỉ có tự bẻ khớp mà trào lưu xoa bóp bấm huyệt cũng đang nở rộ, nhiều người còn mắc chứng nghiện xoa bóp, một tuần không được xoa bóp bấm huyệt cảm giác người nặng nề.
Chị Nguyễn Bích Ngọc, Hà Nội, cho biết chị làm công việc kế toán văn phòng, ngồi nhiều nên thường xuyên bị đau cổ vai gáy và 4 năm nay chị phải xoa bóp bấm huyệt. Nếu không được làm 2 lần mỗi tuần, chị sẽ thấy mệt mỏi, stress, làm việc khó hiệu quả hơn.
Thời kỳ giãn cách, chị Ngọc còn thuê kỹ thuật viên từ BV Y học cổ truyền sang nhà xoa bóp bấm huyệt cho bởi cảm giác thiếu rất khó chịu.
BS Huỳnh Tấn Vũ – Bệnh viện Đại học Y Dược, Cơ sở 3, TP HCM, cho biết, xoa bóp bấm huyệt có rất nhiều tác dụng cho cơ thể, như tác dụng vào hệ thần kinh. Khi xoa bóp bấm huyệt tác động trực tiếp lên các thụ cảm thể thần kinh dày đặc ở dưới da tạo ra các phản xạ thần kinh đáp ứng từ đó gây nên tác dụng điều hòa quá trình hưng phấn hay ức chế thần kinh trung ương, gây thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung, giảm đau, giãn cơ, và điều hòa chức năng nội tạng.
BS Vũ cho biết xoa bóp bấm huyệt còn có tác dụng kích thích thần kinh trung ương tiết ra endorphin gây cảm giác dễ chịu, khoan khoái, giảm căng thẳng, điều này cũng cho phép giải thích hiện tượng “nghiện xoa bóp” ở những người được xoa bóp bấm huyệt liên tục trong một thời gian dài.
Vì sao xoa bóp bấm huyệt dễ gây nghiện? |
Xoa bóp bấm huyệt trực tiếp lên các dây thần kinh hay đám rối thần kinh có thể gây tăng hoặc giảm cảm giác, kích thích vận động, kích thích quá trình phát triển tái sinh nhanh những sợi thần kinh bị tổn thương.
Không chỉ với hệ thần kinh, xoa bóp cũng tốt cho da vì da có nhiều chức năng quan trọng như: bảo vệ, điều hòa thân nhiệt, bài tiết, nhận cảm, thẩm mỹ… Xoa bóp bấm huyệt có tác dụng rõ rệt đối với da và tổ chức dưới da.
Xoa bóp bấm huyệt làm tăng tuần hoàn tại chỗ nên có tác dụng tăng cường dinh dưỡng, giảm đau, hạn chế quá trình thoái hóa của xương khớp. Đối với khớp hạn chế vận động, xoa bóp bấm huyệt kết hợp với tập vận động giúp phục hồi khả năng vận động của khớp. Chính vì vậy,có những người đã nghiện xoa bóp bấm huyệt và khi không được thực hiện theo chu kỳ họ sẽ thấy khó chịu.
Theo y học cổ truyền, xoa bóp bấm huyệt là thông qua tác động vào kinh lạc, huyệt vị, có thể đuổi ngoại tà, điều hoà được dinh vệ, thông được kinh lạc, khí huyết và điều hoà được chức năng của tạng phủ, lập lại cân bằng âm dương.Còn biện pháp nắn chỉnh khớp thuộc phạm vi ngoại khoa y học cổ truyền, bệnh chủ yếu biểu hiện ở phần ngoài cơ thể, trật khớp là bệnh ở phần cốt tiết của cơ thể.
BS Vũ lưu ý những người sau không được thực hiện xoa bóp bấm huyệt: Bệnh ác tính, các khối u, lao tiến triển, suy tim, suy gan, suy thận nặng, suy dinh dưỡng. Người mắc các bệnh ưa chảy máu, các vùng đang chảy máu hoặc đe dọa chảy máu, các bệnh da liễu.
Lưu ý, khi xoa bóp bấm huyệt không xoa bóp vào vùng hạch bạch huyết gây tổn thương và làm giảm sức đề kháng của cơ thể như: đám hạch quanh tai và thái dương, đám hạch khuỷu, đám hạch bẹn… Phụ nữ có thai hoặc đang có kinh nguyệt tránh xoa bóp bấm huyệt vào vùng thắt lưng và vùng bụng.
Khánh Chi