Vì sao Ukraine “nhảy dựng” khi đoàn nghị sĩ Pháp thăm Crimea?
Thượng nghị sĩ Thierry Mariani |
Theo báo Thương gia (Nga), một nhóm nghị sĩ Pháp (10 người) do Thượng nghị sĩ Thierry Mariani - Đại diện Đảng Cộng hòa của cựu Tổng thống Pháp Nikola Sarkozy dẫn đầu đã có chuyến thăm Moscow, sau cuộc gặp tại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, đoàn có kế hoạch thăm bán đảo Crimea.
Đoàn nghị sĩ Pháp quyết định tới thăm Crimea sau khi thăm Moscow đã kéo theo phải ứng giận giữ từ phía Kiev và gây ra nhiều tranh cãi tại Paris. Ngược lại, phía Moscow thể hiện sự tin tưởng rằng chuyến thăm của đoàn nghị sĩ Pháp tới Crimea là một "hình mẫu điển hình" cho các chính khách phương Tây khác.
Sáng kiến của nhóm nghị sĩ Pháp thăm Moscow, chủ yếu là thăm bán đảo Crimea đã trở thành một thử thách thực sự đối với các quan chức Paris.
Trong khi các nhà lãnh đạo Pháp không bình luận về chuyến đi của các đại biểu, Bộ Ngoại giao Pháp gọi chuyến đi này là "một sự vi phạm luật pháp quốc tế".
Theo các phương tiện truyền thông Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao nước này, Laurent Fabius đã không kiềm chế được cảm xúc. Trong quá trình họp kín với các thành viên của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Pháp, ông Laurent Fabius tuyến bố đã rất "sốc" trước thông tin về chuyến đi này bởi khi "tới thăm Crimea mà không có sự cho phép của Ukraine là đồng nghĩa với việc thừa nhận Nga sáp nhập bán đảo Crimea là hợp pháp".
Đáp lại lời Ngoại trưởng Laurent Fabius, ông Nikola Dyuik - thành viên của đoàn nghị sĩ Pháp thăm Crimea đã viết trên trang mạng xã hội Twitter cá nhân của mình rằng: "Thưa ngài Fabius, theo luật pháp quốc tế thì đây là sự tự do trong suy nghĩ của các nghị sĩ. Một dân tộc tự do như Pháp, các nghị sĩ cũng được tự do!".
Trả lời phỏng vấn tờ báo Thương gia, Trưởng đoàn đại biểu, ông Thierry Mariani gọi chuyến đi này là mang tính "biểu tượng" và "lần đầu tiên người ta nói về một đoàn đại biểu quan trọng, đại diện cho sức mạnh chính trị truyền thống của Pháp". Song, ông Thierry Mariani cũng cho rằng chuyến đi này là "sáng kiến của cá nhân" chứ không phải là "quan điểm chính thức của nước Pháp".
Theo ông Thierry Mariani, tham gia chuyến đi này có 10 nghị sĩ Pháp, trong số đó có nghị sĩ Nikola Dyuik, thành viên của Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội, ông Jacques Miyar, thành viên của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Thượng nghị sĩ Yves Pozzo di Borgo - Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.
Phản ứng “giận giữ” với quyết định đến thăm bán đảo Crimea của đoàn nghị sĩ Pháp, phía Kiev đã cấm các thành viên trong đoàn này nhập cảnh vào Ukraine. Bộ Ngoại giao Ukraine gọi sáng kiến của các nghị sĩ Pháp là "hành động vô trách nhiệm" và "không tôn trọng chủ quyền, luật pháp của Ukraine, cũng như không coi trọng các quan điểm chính trị của Pháp và Liên minh châu Âu (EU), bởi Pháp và EU coi sự chiếm đóng Crimea là bất hợp pháp".
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga, Aleksey Puskov |
Theo đại diện Văn phòng Luật sư "Ilyashev và đối tác", Ivan Bozhko, luật pháp Ukraine hiện hành bao gồm có cả các hình phạt hành chính và hình sự (trong đó có hình phạt 8 năm tù) cho hành vi nhập cảnh bất hợp pháp vào bán đảo Crimea.
Kiev yêu cầu người nước ngoài muốn nhập cảnh vào Crimea phải được Ukraine cho phép và sau đó được cấp một loại giấy thông hành. Thượng viện Ukraine cũng bày tỏ sự không hài lòng đối với chuyến đi của nhóm nghị sĩ Pháp tới Crimea, và kêu gọi Chủ tịch Quốc hội pháp lên án hành động này.
Trong thư gửi Chủ tịch Thượng viện Pháp Gerard Larcher và Chủ tịch Quốc hội Pháp Claude Bartolona, Chủ tịch Quốc hội Ukraine Vladimir Groisman bày tỏ hy vọng rằng "chuyến thăm của các chính khách Pháp đang tỏ ra nghi ngờ đối với sự toàn vẹn lãnh thổ Ukraine không thể hiện quan điểm chính thức của quốc hội Pháp và không được sự ủng hộ và đồng tình của Quốc hội".
Báo Thương gia cũng dẫn nguồn tin trong Quốc hội Ukraine nói rằng, Kiev “tin tưởng tuyệt đối” sáng kiến chuyến thăm của đoàn nghị sĩ Pháp sẽ không dẫn đến bất cứ sự công nhận nào của cộng đồng quốc tế rằng bán đảo Crimea thuộc chủ quyền của Nga.
Đại diện Ukraine tại Hội đồng Nghị viện châu Âu, Vladimir Aryev cho biết "Hiện nay, những người đến Crimea đều hoặc là trên danh nghĩa cá nhân hoặc liên quan đến chế độ của Tổng thống Nga Putin. Ông Thierry Mariani – Trưởng đoàn, người tổ chức chuyến đi này là bạn của Chủ tịch Tập đoàn đường sắt Nga Vladimir Yakunin, một người có quan hệ mật thiết với ông Putin".
Ngược lại, Quốc hội Nga thể hiện sự tin tưởng rằng sáng kiến của đoàn nghị sĩ Pháp là ví dụ điển hình cho các chính khách châu Âu khác.
"Đây là một sự kiện quan trọng. Hiện tại, tôi không cho rằng đây là một sự đột phá nhưng chắc chắn là những bước đầu tiên của sự đột phá”, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng Viện Nga, Konstantin Kosachev viết trên trang "facebook" cá nhân của mình và nhấn mạnh cả Quốc hội Pháp, Nghị viện châu Âu hay Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ không thể phớt lờ trước quan điểm của đoàn nghị sĩ Pháp".
Ngoài ra, thượng nghị sĩ Kosachev còn khuyên các chính trị gia nước ngoài khác "cần thể hiện sự can đảm chính trị và noi theo sáng kiến của đoàn nghị sĩ Pháp".
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga, Aleksey Puskov thì cho rằng "việc Kiev dọa sẽ cấm 10 nghị sĩ Pháp nhập cảnh Ukraine sau khi nhóm nghị sĩ này vào Crimea là rất thiển cận vì như vậy Ukraine sẽ phải cấm rất nhiều người khác cũng đã nhập cảnh vào Crimea".
Ông Aleksey Puskov còn mỉa mai việc Ukraine đang đe dọa Paris sẽ “lĩnh hậu quả” nếu không “ngăn cấm” được nhóm nghị sỹ đến Crimea và câu hỏi đặt ra là Kiev có thể trừng phạt Paris bằng gì?.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ báo Thương gia, một trong những tờ báo điện tử có lượng truy cập nhiều nhất tại Nga.