Vì sao TT tương lai Ukraine cần gặp Tổng thống Nga Putin càng sớm càng tốt?
Tổng thống tương lai Ukraine Vladimir Zelensky |
Theo Giáo sư Jorge Mustre, Tổng thống tương lai của Ukraine Vladimir Zelenskiy cần gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin càng sớm càng tốt, để đảm bảo thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk và chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine - Donbass.
Chuyên gia Jorge Mustre chia sẻ: "Tổng thống tương lai của Ukraine Zelensky phải đối mặt với hai nhiệm vụ lớn nhưng không quá khó để hoàn thành. Nhưng chúng đều có mẫu số chung – đó là phá vỡ hình mẫu do ông Poroshenko đặt ra. Nói cách khác, Ukraine không thể tiếp tục quay lưng với Nga, quốc gia luôn có quá nhiều mối quan hệ về kinh tế và văn hóa. Đó là sai lầm lớn của Tổng thống sắp mãn nhiệm Poroshenko khi tin rằng sẽ có 'tuần trăng mật' vĩnh viễn trong quan hệ với phương Tây. Ông Zelensky phải tổ chức cuộc họp khẩn với Tổng thống Putin để thỏa thuận Minsk thực sự có hiệu lực và đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến ở miền Đông Ukraine".
Theo ông Mustre, trong chính sách đối nội của ông Zelensky, “cần phải nỗ lực chống lại 'chế độ đạo tặc' (chế độ chính trị tham nhũng), thứ đang chiếm ưu thế ở quốc gia Đông Âu này”, nhằm “củng cố niềm tin của người dân và thực hiện cải cách cần thiết”, làm tăng niềm tin của nhà đầu tư và dẫn đến tăng trưởng kinh tế, "cũng như mang lại cho người dân chất lượng cuộc sống tốt hơn".
Chuyên gia Mustre lưu ý rằng chiến thắng của ông Zelensky là ví dụ tiếp theo cho thấy mạng xã hội và phương tiện liên lạc mới đóng vai trò rất quan trọng trong bầu cử.
Tổng thống Nga Putin |
Trong khi đó, hãng thông tấn Tass (Nga) đưa tin, Giám đốc Trung tâm Chính trị Đương đại Nga Alexei Chesnakov ngày 22/4 cho rằng, các điểm căng thẳng mới giữa Moscow và Kiev có thể xuất hiện sau cuộc bầu cử tổng thống Ukraine.
Chuyên gia Alexei Chesnakov chia sẻ: "Các bên vẫn chưa tận dụng kho vũ khí trừng phạt nhằm vào bên còn lại, và có thể đưa ra các bước đi biểu tượng khác nhau để chứng tỏ quyết tâm đi đến cùng của họ". Theo ông Chesnakov, ở cả Nga và Ukraine đều "tồn tại các nhóm có tầm ảnh hưởng đang cân nhắc việc gia tăng rủi ro làm công cụ hữu hiệu để duy trì thế đối đầu".
Ông Chesnakov nhấn mạnh: "Nga coi trọng sự hiện hữu của Cộng hòa tự xưng Donestk và Lugansk bởi họ ngăn Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU). Không còn đòn bẩy nào khác. Đối mặt với nguy cơ mất đi tài sản này, Moscow có thể bắt đầu ban hành hộ chiếu Nga cho cư dân ở khu vực Donbass (miền Đông Ukraine) hoặc đưa ra các quyết định khác nhằm buộc Kiev nhất trí thỏa hiệp hoặc buộc phương Tây thừa nhận rằng Ukraine không thể hội nhập trong dài hạn, chừng nào nguy cơ leo thang căng thẳng vẫn còn tồn tại ở miền Đông nước này".
Chuyên gia không loại trừ khả năng Ukraine cũng có thể gia tăng rủi ro, bằng cách "khiêu khích đụng độ ở Donbass, ở Biển Đen hoặc Biển Azov, tìm cách tăng cường sự can dự của phương Tây trong thế đối đầu giữa Kiev và Moscow". Tuy nhiên, theo ông Chesnakov, căng thẳng gia tăng không có nghĩa xảy ra chiến tranh giữa hai nước.