Vì sao Trung Quốc muốn "gắn bó" với Ấn Độ?
Trung Quốc đang thực hiện chính sách "đa sắc thái" với Ấn Độ |
Theo giới chuyên gia, Trung Quốc có nhiều việc để làm với Ấn Độ hơn là một cuộc đụng độ biên giới nơi mà cựu Thủ tướng Ấn Độ - Jawaharlal Nehru từng mô tả "không có tới một ngọn cỏ mọc".
Hôm 5/5, quân đội Trung - Ấn đã đồng loạt rút quân tại vùng biên giới Ladakh trên dãy Himalayas sau gần 1 tháng bế tắc nhờ một thỏa thuận được ký kết trong cuộc họp giữa các nhà chỉ huy biên giới của 2 nước. Hành động rút quân của 2 bên cũng đã xóa tan những lo ngại về việc tình hình căng thẳng biên giới làm ảnh hưởng tới chuyến thăm Bắc Kinh vào ngày 9/5 tới của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ.
Ấn Độ cho biết quân đội Trung Quốc đã xâm phạm lãnh thổ phía tây dãy Himalayas từ hôm 15/4. Một số chuyên gia và chính trị gia cho rằng cuộc hành quân bất ngờ này là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang lo ngại việc quân đội Ấn Độ tăng cường hoạt động tại vùng tranh chấp – khu vực biên giới chung hay còn gọi là Đường Kiểm soát thực tế (LAC). Song trên thực tế, 2 nước vẫn chưa đạt được một thỏa thuận chung về việc phân chia ranh giới chính thức tại khu vực này.
"Không thể phủ nhận là chúng tôi đang gặp vấn đề trong việc phân chia biên giới. Nhưng chúng tôi muốn giải quyết vấn đề này. Mặc dù sẽ mất thời gian, nhưng chúng tôi không muốn mối quan hệ giữa 2 nước bị ảnh hưởng", Kong Can – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển tại tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc nói.
Ông Kong Can khẳng định Trung Quốc muốn mối quan hệ thương mại tại vùng biên giới với Ấn Độ được "đâm hoa kết trái" như những khu vực biên giới sát với các quốc gia láng giềng khác của Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ. Hai bên đã đồng thuận tiến tới mục tiêu thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2015, tăng hơn 66 tỷ USD so với năm 2012.
"Khối lượng thương mại sẽ còn tiếp tục tăng cao nếu 2 nước cùng phát triển lĩnh vực thương mại tại vùng biên giới", Kong Can nhận định.
"Khối thương mại khổng lồ"
Với hơn 1/3 dân số thế giới tập trung tại Ấn Độ và Trung Quốc, 2 quốc gia này có thể trở thành "một khối thương mại khổng lồ", theo đánh giá của ông Li Zhu tại Đại học Kinh tế và Tài chính Vân Nam.
Vân Nam là một tỉnh cửa ngõ của Trung Quốc, giữ vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ thương mại và văn hóa với các quốc gia láng giềng tại khu vực phía đông nam Trung Quốc và Nam Á.
"Từ Vân Nam, chúng tôi đang phát triển mạng lưới đường cao tốc, đường sắt và đường thủy phục vụ giao thương với các nước như Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar" đồng nghiệp của ông Kong Can - Yang Ye nói.
Theo ông Yang Ye, Trung Quốc cũng đang chú trọng tới việc tái mở cửa hành trình tới "cấm địa đông bắc Ấn Độ" hay còn gọi là Stillwell Road – nơi các đồng minh vận chuyển hàng hóa vào Trung Quốc trong Thế chiến thứ 2.
Con đường Stillwell Road được khởi đầu từ bang Assam chuyên trồng chè của Ấn Độ, xuyên qua những khu rừng rậm rạp tại bang Arunachal Pradesh và bang Kachin (Myanmar) trước khi tiếp nối với tỉnh Vân Nam.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang phát triển mạng lưới giao thông nối liền tỉnh Vân Nam tới khu vực phía đông Ấn Độ và Bangladesh. Trung Quốc mong muốn tìm kiếm "các khoản đầu tư của Ấn Độ vào tỉnh Vân Nam chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ dược phẩm và công nghệ thông tin".
Bên cạnh nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ thương mại và kinh doanh, mục tiêu cải thiện mối quan hệ thêm khăng khít với Ấn Độ của Trung Quốc còn vì nhiều lý do khác.
Chính sách "đa sắc thái"
Giới phân tích cho rằng nếu mối quan hệ Trung - Ấn đi theo chiều hướng tiêu cực, Ấn Độ sẽ trở nên thân thiết với Mỹ. Đây được xem là mối nguy hiểm lớn với Bắc Kinh.
"Nếu mối quan hệ Trung - Ấn trở nên tồi tệ, nhiều nước sẽ được lợi", Zhou Yunxiang – người đứng đầu nhóm nghiên cứu tỉnh Vân Nam nói.
Nhà quan sát Binoda Mishra thuộc Trung tâm Nghiên cứu về Sự phát triển và Quan hệ quốc tế tại Calcutta cho rằng chính sách ngoại giao của Trung Quốc với Ấn Độ "đa sắc thái hơn những gì Ấn Độ tưởng tượng".
"Các tướng chỉ huy quân đội luôn cố gắng giành giật từng lợi thế một tại khu vực biên giới tranh chấp, song tại Bắc Kinh, giới lãnh đạo hàng đầu nước này luôn đánh giá cao tầm quan trọng của Ấn Độ như một thị trường với mức tăng trưởng cao và là yếu tố cân bằng tại khu vực châu Á", ông Mishra nhận định.