Vì sao thỏa thuận ngừng bắn Ukraine sẽ "chết yểu"?
Bối cảnh căng thẳng
Theo tờ The Moscow Times (Nga), những diễn biến hiện tại đều cho thấy, một thỏa thuận ngừng bắn đơn thuần sẽ không thể xoa dịu chứ đừng nói đến việc sẽ chấm dứt được khủng hoảng Ukraine.
Kể từ 1/2015, quân ly khai đã đẩy mạnh tấn công, trong đó ác liệt nhất là tại sân bay Donetsk. Họ tuyên bố sẽ mở các cuộc tấn công mới để chiếm thêm nhiều lãnh thổ khác nữa.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đích thân tham sự hội nghị về Ukraine tại Minsk hôm 11/2. |
Bên cạnh đó, ly khai đang bao vây và tấn công dồn dập vào thị trấn Debaltseve, nơi có ngã ba đường sắt chiến lược. Trong khi đó, hôm 10/2, quân đội chính phủ Kiev cũng tiến hành một cuộc phản công lớn tại thành phố cảng Mariupol.
Các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai đã cướp đi mạng sống của thêm nhiều thường dân trong những ngày gần đây.
Hôm 10/2, một vụ tấn công bằng rocket tại Kramatorsk đã giết chết 16 người và làm bị thương 48 người.
Mỹ mất kiên nhẫn
Trong khi đó, hôm 11/2, hãng tin AP đưa tin, bất chấp hội nghị thượng đỉnh Minsk, cả hai đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đều kêu gọi viện trợ vũ khí sát thương trị giá 1 tỷ USD cho Kiev để giúp nước này bảo vệ chủ quyền trước những kẻ xâm lược nước ngoài.
Dường như Mỹ đang còn rất ít kiên nhẫn với những gì đang diễn ra ở Ukraine.
Các nhà lãnh đạo Nga, Pháp, Ukraine, Đức tại Minsk hôm 11/2/2015. |
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã nhắc lại cảnh báo sẽ cung cấp vũ khí cho Kiev trong một cuộc trò chuyện với ông Putin vào đêm trước khi diễn ra các cuộc đàm phán.
Ông Obama nhấn mạnh với ông Putin rằng cần ngay lập tức tiến tới và áp dụng một giải pháp hòa bình. Nhà Trắng tuyến bố: “Tuy nhiên, nếu Nga tiếp tục có những hành động hung hăng tại Ukraine, bao gồm gửi quân, vũ khí và tài chính hỗ trợ cho ly khai, Nga sẽ phải trả với giá cao hơn nữa”.
Theo các nhà phân tích quân sự Nga, việc Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev sẽ được Moscow hiểu là một hành động tuyên chiến, chẳng những giúp giảm xung đột Ukraine mà còn có thể dẫn tới một cuộc leo thang xung đột toàn cầu.
Tình hình ở miền Đông Ukraine đang diễn biến căng thẳng và phức tạp. |
Bên cạnh những yếu tố khách quan trên, bản thân thỏa thuận ngừng bắn mới cũng có nhiều điểm bị cho là “có vấn đề”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thỏa thuận không xét đến tình trạng của các vùng lãnh thổ ly khai đang kiểm soát, lịch trình cho việc Ukraine giành lại quyền kiểm soát những khu vực biên giới với Nga.
Steven Pifer, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn mới có tên gọi Minsk II đang có rất nhiều vấn đề. Ông nói: “Nó là một thỏa thuận mong manh, đòi hỏi phải có lòng tin từ tất cả các bên, một điều vô cùng khó”.
Chính quyền Mỹ cũng nhận định, những kế hoạch trên sẽ rất khó thực hiện nếu các bên không tôn trọng thỏa thuận.
Một quan chức Mỹ lo ngại, thỏa thuận ngừng bắn mới sẽ ngay lập tức bị tổn hại nghiêm trọng nếu từ giờ đến đêm ngày 15/2, ly khai có bất kì nỗ lực nào nhằm chiếm thêm các vùng lãnh thổ mới.
Lãnh đạo các nước tham gia đàm phán cũng thừa nhận những khó khăn trong việc thực thi lệnh ngừng bắn. Tối ngày 12/2, phát biểu tại Brussels, Thủ tướng Đức, Angela Merkel cho rằng, 13 điểm trong thỏa thuận ngừng bắn rất cần thiết để kết thúc cuộc xung đột Ukraine nhưng chúng phải được biến thành hành động. Bà cũng khẳng định, để thực hiện việc đó sẽ rất khó khăn.
Tổng thống Dalia Grybauskaite của Lithuania, một trong những nước Baltic đang lo ngại về tình hình hiện nay của Ukraine, cho rằng, thỏa thuận quá mong manh.
Bà nói: “Không hề có thỏa thuận về kiểm soát biên giới. Đây là điểm yếu nhất. Chúng ta đã thấy thỏa thuận Minsk I bị thất bại và thỏa thuận Minsk II cũng có nguy cơ bị như vậy”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Moscow Times - tờ nhật báo tiếng Anh hàng đầu tại Nga, phát hành từ năm 1992. The Moscow Times thuộc sở hữu của công ty Truyền thông Độc lập, công ty xuât bản truyền thông lớn của Nga.