Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ liên tục cáo buộc Nga vi phạm không phận?
Theo Sputnik, có ba lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ hai lần cáo buộc máy bay Nga vi phạm không phận trong vài giây. Thứ nhất, lời buộc tội của Ankara phản ánh mong muốn của nước này, đó là gây ảnh hưởng lên sự cân bằng sức mạnh tại đàm phán Geneva, với mục đích giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.
Nhà khoa học chính trị Yuri Pochta cho Sputnik biết, nếu đàm phán ở Thụy Sỹ thành công, điều này có nghĩa là chính sách đối ngoại của Tổng thống Erdogan đã thất bại. “Tham vọng muốn kiểm soát Syria và Iraq của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ là con số không bởi Nga đang nỗ lực bằng mọi giá để hóa giải các mâu thuẫn ở Syria”, ông Pochta nói.
Thổ Nhĩ Kỳ lần thứ hai cáo buộc máy bay Nga vi phạm không phận. |
Nhà phân tích này cũng cho rằng ông Erdogan có thể sẽ cử binh lính tới dọc biên giới. Những tin đồn về việc Ankara lên kế hoạch tiến hành một chiến dịch quân sự hạn chế ở phía Bắc Syria đã dấy lên từ nhiều tháng nay. Trước đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã vượt qua biên giới tới gần thành phố Jarabulus của Syria.
Thêm vào đó, với việc cáo buộc chính quyền Nga, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn chứng tỏ rằng họ sẵn sàng bảo vệ người Syria gốc Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng này đang chiến đấu chống lại các đội quân của chính phủ Syria.
Theo chuyên trang phân tích Expert Online, quân đội chính phủ Syria gần đây liên tục giành chiến thắng ở các khu vực vùng núi Latakia, giải phóng cho khu vực bị các phiến quân chiếm đóng, trong đó có nhiều người là gốc Thổ. Yêu cầu để yên cho lực lượng này của Ankara không được chấp nhận cũng như việc tăng cường cung cấp vũ khí qua biên giới cho đội quân này của Thổ Nhĩ Kỳ cũng không mấy thuận lợi.
Lý do thứ ba, Ankara khăng khăng cho rằng máy bay Nga vi phạm không phận là để buộc Tổng thống Putin phải ngồi vào bàn đối thoại với Tổng thống Erdogan. “Rõ ràng rằng ông Erdogan không thể gặp được ông Putin vì vậy Ankara phải dùng mọi cơ hội có thể”, nhà lập pháp Leonid Kalashnikov cho Ria Novosti biết.
Theo ông Pochta, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cần một cuộc gặp mặt với người đồng cấp Nga để giữ thể diện, để cho thấy rằng ông Erdogan cũng là một đối tác bình đẳng. “Ông Erdogan từng sử dụng chiến lược này trước đây, ông gửi thư cho Liên minh châu Âu, ông gửi thư cho Mỹ, ông gửi cho cả Nga cùng một lúc khi ông ta không có các liên hệ về chính trị hay quân sự cụ thể nào”, ông Pochta nói.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.