Vì sao tên lửa S-400 của Nga được các nước trên thế giới ưa chuộng?
Mới đây, nhận định trên kênh truyền hình Al-Jazeera của Qatar, chuyên gia Simon Weseman từ Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm cho biết: hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga là một vũ khí công nghệ cao đang được rất nhiều nước chú ý.
Theo chuyên gia Simon Weseman, S-400 là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất trên thế giới.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga |
Ông nói: "Radar và các thiết bị giám sát khác được trang bị cho S-400, cũng như các tên lửa của hệ thống phòng thủ này, đều hoạt động trong phạm vi rộng. Các radar có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 600 km, còn phạm vi hoạt động của các tên lửa đạt tới 400 km. Hệ thống phòng thủ hoạt động với độ chính xác cao, có thể theo dõi một số lượng lớn các mục tiêu tiềm năng cùng một lúc, bao gồm cả những mục tiêu sử dụng công nghệ tàng hình".
Ông Weseman bổ sung thêm rằng S-400 còn có tính di động cao. Hệ thống này có thể thực hiện ba hoạt động cùng một lúc trong vài phút: triển khai, bắn và di chuyển đến một nơi khác.
Các hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không của Nga đã được Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết. Ả rập Xê út cũng đang trong tiến trình đàm phán về hợp đồng cung cấp hệ thống phòng thủ này.
Chuyên gia Wezeman lưu ý rằng, mặc dù đứng trước nguy cơ suy giảm quan hệ với Hoa Kỳ, song các nước này vẫn không từ bỏ ý định mua lại các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga. Đặc biệt, đối với Thổ Nhĩ Kỳ, theo ý kiến của ông, S-400 đã trở thành một "dự án đáng tự hào".
"Chỉ riêng việc Thổ Nhĩ Kỳ không chịu cúi đầu trước Hoa Kỳ cho thấy họ đã tự làm chủ chính mình và có thể thách thức cả Hoa Kỳ và NATO," chuyên gia kết luận.
Mùa hè năm 2017, Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật chống lại các đối thủ của Mỹ bằng các biện pháp trừng phạt (CAATSA). Đạo luật này cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại tổ hợp quân sự-công nghiệp Nga, cũng như chống lại các quốc gia mua vũ khí Nga.