Vì sao S-400 trở thành hàng “hot” trên thị trường vũ khí toàn cầu?
Hệ thống phòng không S400 của Nga |
Theo tờ báo, vào đầu tháng 1/2018, Trung Quốc đã nhận được loại vũ khí này, trong năm tới (2019) hệ thống phòng không S-400 sẽ có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ, còn hợp đồng với Ấn Độ về việc cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không trị giá hợp đồng là hơn 5 tỷ USD vừa được Nga - Ấn Độ ký kết hồi tháng 10/2018.
Theo các chuyên gia của tờ Die Welt, xét về các đặc tính kỹ thuật thì hệ thống phòng không S-400 vượt trội so với các hệ thống phòng không của Mỹ. Đặc biệt, tổ hợp của Nga có khả năng tấn công các mục tiêu khác nhau, bay ở độ cao tới 30 km trong bán kính 400 km, và có thể được trang bị tên lửa có tầm xa khác nhau. Trong khi đó, hệ thống phòng không Patriot của Mỹ chỉ được trang bị tên lửa tầm xa 100 km.
Tuy nhiên, theo tác giả của bài báo, đối với người mua thì các đặc tính kỹ thuật có tầm quan trọng thứ yếu, vì thỏa thuận này mang hàm ý chính trị. Về vấn đề này, đối với nhiều quốc gia thì hệ thống phòng không S-400 đã trở thành một lá bài đặc biệt quan trọng trong đối thoại với Hoa Kỳ, giúp các quốc gia này bảo vệ sự độc lập của mình.
"Chỉ riêng mối quan tâm tới việc mua hệ thống phòng không này đã là cơ hội để khẳng định lập trường mình như là một quốc gia có chủ quyền, không cho phép Washington áp đặt các quy tắc của mình", tờ báo kết luận.
Trước đó, trong bài viết đươc đăng tải trên tờ National Interest (NI) của Mỹ, khi đề cập tới các vũ khí của Nga, tác giả bài nhận định "không nên đùa" với hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Bài báo đề cập, có rất nhiều tranh cãi liên quan đến tổ hợp tên lửa phòng không S-400. Hoa Kỳ đang lên tiếng đe dọa sẽ trừng phạt những nước đặt hàng hệ thống phòng không của Nga. Tuy nhiên, nhiều quốc gia không vì thế mà đánh mất sự quan tâm của mình với hệ thống này, điều đó được chứng minh qua thỏa thuận cung cấp S-400 cho Ấn Độ và Trung Quốc ngay trong năm nay. Thậm chí, tác giả bài báo còn cho rằng chẳng có lực lượng không quân của bất kỳ nước nào lại muốn đụng độ với không quân Nga.
Vì sao S-400 trở thành hàng “hot” trên thị trường vũ khí toàn cầu? |
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 (theo phân loại của NATO-SA-21 Growler) được thiết kế để bảo vệ hiệu quả các cơ sở chính trị, hành chính, kinh tế và quân sự quan trọng nhất khỏi các cuộc không kích, các đòn tấn công của tên lửa chiến lược, tên lửa đạn đạo chiến thuật và tên lửa chiến thuật, cũng như các tên lửa tầm trung trong điều kiện chiến đấu và tác chiến điện tử.
S-400 là hệ thống phòng không tầm xa và tầm trung thế hệ mới, được thiết kế để tiêu diệt tất cả các phương tiện tấn công đường không vũ trụ hiện tại và tương lai; máy bay trinh sát, máy bay ném bom chiến lược và chiến thuật; tên lửa chiến thuật và tên lửa đạn đạo tầm trung, mục tiêu siêu thanh; máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không.
S-400 có khả năng theo dõi 300 mục tiêu và cùng lúc bắn hạ 36 mục tiêu trong số đó. S-400 cũng đủ sức bắn hạ các tên lửa chiến lược có tầm bắn tới 3.500 km. Ngoài ra, S-400 có thể bắn hạ các máy bay chiến đấu ở độ cao 27 km hoặc các mục tiêu tầm thấp, cách mặt đất chỉ từ 5-10 m.