Vì sao quan hệ Đức - Mỹ ‘xuống đáy’?
Tổng thống Mỹ Trump, Thủ tướng Đức Merkel. Ảnh Ria Novosti |
Tờ Der Spiegel (Đức) ngày 19/8 đăng bài viết nhận định, tình trạng quan hệ Mỹ-Đức hiện nay đang “ở đáy” xuất phát từ những bất đồng về các vấn đề chính trị và kinh tế, mâu thuẫn thường xuyên và đe dọa từ phía Washington.
Theo Der Spiegel, kể từ khi ông Richard Grenell đảm nhận vị trí Đại sứ Mỹ tại Đức, cả hai bên đã chơi trò ngoại giao "im lặng". Bài viết còn trích dẫn lời cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz ví Đại sứ Grenell như "sĩ quan thực dân cực đoan cánh hữu".
Theo bài viết, cách hành xử của Đại sứ Grenell dẫn đến tình trạng các quan chức Đức bắt đầu tìm cách né tránh quan chức này. Cụ thể, Thủ tướng Đức Angela Merkelkhông bao giờ nói chuyện với ông Grenell, còn Ngoại trưởng Heiko Maas chỉ muốn gặp nhà ngoại giao Mỹ tại các cuộc gặp ngắn.
Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell |
Tờ Der Spiegel phân tích, có sự khác biệt trong quan điểm của Berlin và Washington về vấn đề quan hệ với Iran. Ngoài ra, tranh cãi thương mại giữa các quốc gia có thể dẫn đến việc tăng thuế, cũng như trong bối cảnh tranh cãi liên quan đến yêu cầu của NATO rằng Đức phải chi 2% GDP cho quân đội, ông Grenell đã đe dọa Berlin rằng Washington sẽ rút binh sĩ Mỹ khỏi nước này.
Người dân Đức chưa bao giờ có thái độ tồi tệ đối với Mỹ như hiện nay: 85% người Đức có quan điểm tiêu cực hoặc rất tiêu cực về Mỹ. Bài viết nêu rõ, Berlin bày tỏ hy vọng rằng "thời kỳ tốt đẹp của quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương" sẽ quay trở lại khi nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump kết thúc.
Tuy nhiên, trên thực tế đây là một sự ảo tưởng, vì các mối quan hệ Đức – Mỹ sẽ không bao giờ như trước, tờ báo khẳng định. Vì các đối thủ của nhà lãnh đạo Mỹ hiện tại - Đảng Dân chủ - đồng ý về một số điểm với những chỉ trích của ông Trump về châu Âu. Do đó, ngay cả sau khi thay đổi chính quyền ở Hoa Kỳ, Washington sẽ vẫn là một đối tác “khó chịu” đối với Đức.