Vì sao người Nga phải học cách cười trong mùa World Cup?
Masha, một người Nga nhập tịch vào Mỹ, nói rằng ở Nga, việc tự nhiên mỉm cười với người lạ ở nơi công cộng thường bị coi là dấu hiệu của người có vấn đề về thần kinh hoặc thiểu năng trí tuệ. Trong khi đó ở Mỹ và ở nhiều quốc gia khác, mỉm cười là một cử chỉ bày tỏ thiện ý thường thấy. Đây là lý do người Mỹ thường cho rằng người Nga là những người không thân thiện và chai lì cảm xúc.
Người Nga thường cười ít hơn người Mỹ, tuy nhiên điều này không có nghĩa là họ không thân mật. |
Điều này hoàn toàn không đúng. Chúng ta hãy nhìn vào lý do vì sao một số biểu cảm gương mặt, ví dụ như mỉm cười, là một phần quan trọng trong giao tiếp tại một nền văn hóa nhưng lại không phải đối với nền văn hóa khác.
Thứ nhất, mỗi người sống trong nền văn hóa khác nhau có cách giao tiếp khác nhau. Mỗi nền văn hóa có “quy tắc biểu đạt” khác nhau, những quy tắc nhằm xác định cách mỗi người biểu lộ cảm xúc của mình. “Quy tắc biểu đạt” này thường bị chi phối bởi “khoảng cách xã hội”, mức độ tôn trọng riêng tư giữa người và người trong một nền văn hóa.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, tại Nga, khoảng cách xã hội thấp hơn đáng kể so với Mỹ, nghĩa là đối với người Nga việc một người lạ tiếp cận với mình là điều bình thường và giữa hai bên thường dễ có sự thông hiểu lẫn nhau. Người Nga không bị sức ép phải biểu lộ cảm xúc tích cực với nhau (ví dụ như mỉm cười) để bày tỏ sự thân thiện hay cởi mở, bởi họ tin rằng người nói chuyện với họ đã có sự thân mật nhất định.
Ngược lại, người Mỹ thường tôn trọng sự riêng tư cá nhân ngay cả khi ở ngoài xã hội, và do đó việc người lạ tiếp cận một người Mỹ là điều ít khi xảy ra và khi nó xảy ra thì giữa hai bên có thể sẽ cảm thấy căng thẳng. Vì vậy nụ cười ở đây đóng vai trò rất quan trọng khi nó mở đầu hội thoại và giúp người nói và người nghe an tâm hơn.
Thứ hai, chúng ta đều biết rằng mỗi nền văn hóa đều có những cách cảm nhận, bày tỏ và truyền đạt cảm xúc của mình khác nhau. Theo một loạt những báo cáo nghiên cứu do nhà tâm lý học Helena Slobodskaya thuộc Đại học Y Quốc gia Novosibirsk, các bà mẹ ở Nga nhận định rằng con của họ có khả năng bày tỏ cảm xúc tiêu cực như nóng giận và ức chế nhiều hơn so với các bà mẹ Mỹ. Các bà mẹ Nga cũng nói rằng con của họ cũng ít có cảm xúc tích cực như cười đùa.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý đó là trẻ em Mỹ mặc dù dễ biểu lộ cảm xúc tích cực hơn, song chúng lại giỏi kiềm chế cảm xúc và ứng xử của mình hơn. Trong khi đó, mỗi khi trẻ em Nga bày tỏ cảm xúc tích cực, cơ chế kiểm soát trên dường như không tồn tại.
Điều này có nghĩa là gì? Trong mỗi nền văn hóa, nụ cười có ý nghĩa khác nhau. Ở Nga, trẻ em chỉ cười khi chúng thực sự hạnh phúc, và đây là một cách biểu lộ cảm xúc rất chân thật. Còn đối với trẻ em Mỹ, chúng hiểu rằng nụ cười là một tín hiệu xã giao quan trọng. Nó không thể hiện cảm xúc thật của chúng, mà nó đơn giản là nhằm bày tỏ sự tán đồng đối với người đối diện. Đây có thể là lý do vì sao những trẻ em Mỹ cười nhiều hơn thường có khả năng kiềm chế cảm xúc tốt hơn.
Thái độ và cách suy nghĩ của người lớn cũng đóng một phần quan trọng đối với trẻ em. Cha mẹ ở Mỹ tin rằng trẻ em có thể biểu đạt cảm xúc tích cực cũng sẽ sở hữu những đặc điểm có lợi khác, ví dụ như khả năng tập trung và kiểm soát hành động của mình. Nói cách khác, ở Mỹ một đứa trẻ hạnh phúc thì được coi là một đứa trẻ “ngoan”.
Trong khi đó, các cha mẹ Nga không nhận thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa một đứa trẻ cười nhiều và hành động cũng như cách ứng xử của chúng. Vì vậy khi những đứa trẻ này lớn lên, chúng cũng ít cười hơn khi giao tiếp hàng ngày.
Cho dù thế nào đi nữa, cho đến khi giải đấu kết thúc, nhiều người hâm mộ bóng đá nước ngoài sẽ mỉm cười mỗi khi gọi đồ ăn hoặc hỏi đường ở Nga. Đáp lại, nhiều người Nga vẫn sẽ mỉm cười để bày tỏ sự hiếu khách của mình.