Vì sao Nga đẩy mạnh quan hệ với Hàn Quốc - Triều Tiên?
Bên cạnh quyết định ngừng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), Hàn Quốc đang cùng Nga có những hành động giúp vực dậy nền kinh tế Triều Tiên. Động thái của Hàn Quốc đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới lệnh trừng phạt mà Trung Quốc áp đặt với Triều Tiên cũng như những nỗ lực kiềm chế Bình Nhưỡng của Mỹ.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), mối quan hệ hợp tác mới nổi giữa Nga và Hàn Quốc đang làm thay đổi tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Nói cách khác, Hàn Quốc đang bắt đầu tách dần khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với Triều Tiên với sự góp mặt của Nga.
Bất chấp lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế, Triều Tiên vẫn liên tiếp cho phóng thử tên lửa. |
Hồi tuần trước, một quan chức cấp cao thân cận của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ra thông báo ngừng triển khai THAAD. Trong khi đó, một phần của hệ thống này đã được Mỹ lắp đặt tại Seongju, nam Gyeongsang để ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm năng từ Triều Tiên. Còn ngay từ trong chiến dịch tranh cử, ông Moon cũng đã lên tiếng phản đối kế hoạch triển khai THAAD của Mỹ và giờ ông này đang yêu cầu giới chức Hàn Quốc nghiên cứu những tác động môi trường mà THAAD có thể gây ra. Nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc cho biết chương trình nghiên cứu này sẽ phải mất tới hai năm mới hoàn thành.
Quyết định ngừng triển khai THAAD được xem là gáo nước lạnh mới dội vào quan hệ Washington - Seoul khi mà gần đây Tổng thống Donald Trump từng lên tiếng đe dọa xóa bỏ Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Hàn cũng như yêu cầu Seoul chi trả chi phí triển khai THAAD.
Về phần mình, Nga đang đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Triều Tiên. Hồi tháng Năm, hãng tin Sputnik cho hay: "Quan hệ thương mại song phương giữa Nga và Triều Tiên đã tăng thêm 73% trong giai đoạn từ tháng 1 – 2/2017 so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu của Nga sang Triều Tiên cũng đã tăng 149,1%".
Trái với mối quan hệ đang ngày càng thân thiết giữa Nga và Triều Tiên, hồi tháng Hai, Trung Quốc đã quyết định ngừng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên trong toàn năm nay. Điều đáng nói, Trung Quốc chiếm tới gần 90% hoạt động thương mại nước ngoài của Triều Tiên và than đá là một trong những mặt hàng thu ngoại tệ chính của Bình Nhưỡng. Do đó, động thái của Bắc Kinh đã khẳng định việc chính quyền Trung Quốc đồng tình với lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn Triều Tiên tiếp tục theo đuổi chương trình sản xuất tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, bất chấp lệnh trừng phạt kinh tế, Triều Tiên vẫn liên tiếp cho phóng thử tên lửa và lần phóng gần nhất là hôm 8/6. Đây là vụ thử thứ 10 trong năm nay của Triều Tiên và là vụ thử thứ 5 kể từ khi ông Moon Jae-in chính thức nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc. Mặc dù sau vụ phóng của Triều Tiên hôm 8/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng phản đối hành động mang tính khiêu khích này nhưng đồng thời cũng đưa ra lời cảnh báo trước những động thái "bắt nạt" Bình Nhưỡng.
SCMP cho rằng, dù Trung Quốc đã đồng tình và tham gia vào lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế đối với Triều Tiên thì việc Nga tăng cường hoạt động thương mại song phương với Bình Nhưỡng đã trở thành cản trở lớn nhất hiện nay trong việc thi hành các lệnh cấm vận kinh tế với Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) tới Mỹ gặp gỡ Tổng thống Donald Trump hồi tháng Năm. |
Giáo sư kinh tế tại Đại học Niigata, ông Ivan Tselichtchev nhận định: "Về ngắn hạn, hành động của Nga là nhằm chứng minh Moscow thi hành chính sách đối ngoại hoàn toàn khác biệt với phương Tây. Hành động của Nga còn nhằm chứng minh sức mạnh địa chính trị. Sự khác biệt giữa Nga và phương Tây thể hiện ở nhiều lĩnh vực như ở Triều Tiên, Syria và Cuba. Song Nga không nên đánh giá quá cao việc mở rộng quy mô quan hệ với Triều Tiên bởi mối quan hệ này vẫn không thể sánh được với quan hệ Trung – Triều".
Trong thời gian qua, Nga và Triều Tiên đã cho triển khai nhiều kế hoạch chung như mở cửa tuyến phà mới từ Vladivostok tới thành phố Rajin của Triều Tiên. Giới chức Nga cũng đã tới thăm Triều Tiên hồi tháng Một để bàn thảo chương trình đầu tư nâng cấp tuyến đường sắt Rajin-Hasan. Ngoài ra, hai nước còn ký kết thỏa thuận lao động nhập cư trong bối cảnh hiện có khoảng 40.000 lao động Triều Tiên đang làm việc trong ngành khai thác gỗ và xây dựng ở Nga. Tất cả những chương trình này là nhằm giúp Bình Nhưỡng khắc phục hậu quả khi bị cộng đồng quốc tế thi hành lệnh trừng phạt.
Mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã nhắc tới việc thành lập các "vành đai kinh tế" với Triều Tiên và tái mở cửa khu công nghiệp chung Kaesong, khu vực từng là nguồn thu nhập lớn của Bình Nhưỡng.
Trong khi Nga và Hàn Quốc chung tay giúp đỡ vực dậy nền kinh tế của Triều Tiên thì mối quan hệ giữa Seoul và Washington lại đang phải đối mặt với nhiều trắc trở, còn quan hệ giữa Mỹ - Trung bắt đầu có những dấu hiệu cải thiện. Nói cách khác, ông Moon là người ủng hộ chiến lược tách Seoul ra khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ để tiến tới cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Triều Tiên và Nga.
Theo giáo sư Younkyoo Kim tại Đại học Hanyang, Nga đang tìm cách đối phó với mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Mỹ - Trung bằng cách cải thiện quan hệ với Triều Tiên và Hàn Quốc.
"Đây là một điều gây ngạc nhiên bởi khi ông Trump mới đắc cử, nhiều người cho rằng ông Trump sẽ hợp tác với Nga. Ngoài ra, Mỹ - Nga sẽ cùng phối hợp để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Nhưng giờ mọi chuyện lại hoàn toàn khác. Trung Quốc đang giúp Mỹ còn Nga cũng đã có kế hoạch riêng", ông Kim nhận định.