Vì sao Mỹ nên “đóng cửa” vào NATO đối với Ukraine?
Vì sao Mỹ nên “sập cửa” vào NATO đối với Ukraine |
Bình luận trên tờ Forbes, chuyên gia Doug Bandow cho rằng việc NATO kết nạp Ukraine là một ý tưởng không tốt, do đó Mỹ cần khẩn trương bác bỏ ý tưởng này.
"Về mặt an ninh, Ukraine - một "hố đen" và nếu kết nạp nước này vào Liên minh NATO thì cũng sẽ không giúp tăng cường sự bảo vệ đối với người Mỹ. Vì vậy, đối với Liên minh sẽ tốt hơn nếu kiên quyết đóng cửa đối với Kiev và xua tan mọi ảo tưởng của nước này…", tác giả Doug Bandow đánh giá.
Theo Bandow, NATO cần kết nạp các thành viên mới chỉ khi thành viên đó có khả năng làm tăng sự an toàn của toàn Liên minh. NATO tuyên bố rằng các thành viên của Liên minh cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn dân chủ nhất định… và Kiev còn xa mới đạt được các tiêu chuẩn của họ.
"Ukraine là ứng cử viên rất xấu để làm thành viên với những lý do chính trị cũng như an ninh", Bandow khẳng định.
Trên danh nghĩa dân chủ, Tổng thống Ukraine hiện hành lên nắm quyền nhờ "cuộc cách mạng đường phố". Tuy nhiên, nếu gia nhập NATO, Ukraine sẽ trở thành một "lỗ đen an ninh khổng lồ cho NATO và Hoa Kỳ".
"Việc Kiev gia nhập NATO sẽ dẫn Ukraine đến cuộc xung đột với Moscow mà trong đó Washington không có chỗ. Mỹ không quan tâm đến cuộc xung đột với một cường quốc hạt nhân, đặc biệt khi lợi ích của Nga là nghiêm túc và rõ ràng", tác giả nhấn mạnh.
Tổng thống Ukraine Poroshenko mới đây đã gặp Tổng thư ký NATO Stoltenberg tại Kiev và tuyên bố "Ukraine rõ ràng vạch ra tương lai chính trị và tương lai an ninh của mình như một thành viên của liên minh xuyên Đại Tây Dương". Đáp lại, ông Stoltenberg đã không đưa ra lời hứa nào mà chỉ bày tỏ thái độ tích cực.
Mong muốn của Kiev gia nhập NATO "là điều dễ hiểu, nhưng bất lợi cho các thành viên NATO hiện tại". Thay vì làm tăng nguy cơ đối đầu với Nga, phương Tây nên "dứt khoát từ chối Ukraine gia nhập NATO". Khi ấy, tất cả các bên có thể tiến tới một giải pháp thiết thực cho cuộc xung đột ở Ukraine, tác giả kết luận.
Tổng thống Ukraine Poroshenko, Tổng thư ký NATO Stoltenberg |
Nhận định vai trò của việc Ukraine gia nhập NATO, người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho rằng khả năng Ukraine gia nhập Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không thúc đẩy ổn định và an ninh tại châu Âu.
“Ukraine gia nhập NATO đồng nghĩa với việc cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đang tiến sát gần biên giới Nga, và điều đó sẽ không góp phần vào việc tăng cường sự ổn định ở châu Âu”, ông Peskov cho biết đồng thời nhấn mạnh rằng “vấn đề Ukraine trở thành thành viên của NATO không trực tiếp liên quan đến Nga. Mặc dù thế, về mặt gián tiếp nó cũng ảnh hưởng ở mức độ khá lớn đối với Nga”.
Nga coi hành động mở rộng các cơ sở hạ tầng của NATO về phía khu vực thuộc Khối Hiệp ước Warszawa trước đây và lãnh thổ Liên Xô, hay thay thế các căn cứ quân sự Xô viết như là một cách gây sức ép chính trị đối với Moscow, và thách thức không gian an ninh của Nga.
Trước đó, Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế Ba Lan (PISM) đăng bài của chuyên gia Daniel Szeligowski xung quanh chính sách của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với Ukraine cũng như diễn biến quan hệ song phương sau Hội nghị thượng đỉnh NATO.
Các nhà lãnh đạo NATO đã quyết định duy trì chính sách “mở cửa” đối với Ukraine và tiếp tục trợ giúp Kiev. Tuy nhiên, Kiev khó có thể hy vọng trở thành thành viên của NATO trong tương lai gần. Thay vào đó, quan hệ song phương sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực của lực lượng vũ trang của Ukraine nhằm bảo vệ biên giới của nước này với Nga cũng như việc tăng cường an ninh cho khu vực biên giới phía Đông của NATO.
Hợp tác giữa NATO và Ukraine trong thời gian tới sẽ tập trung vào việc củng cố và nâng cao năng lực của lực lượng quân đội Kiev và hỗ trợ tiến hành cải cách lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Việc tiến hành cải cách lĩnh vực an ninh và quốc phòng được Hội đồng An ninh và quốc phòng Ukraine thông qua tháng 5/2016, là một phần trong lộ trình đáp ứng các nguyên tắc và tiêu chuẩn của NATO nhằm thúc đẩy tiến trình gia nhập liên minh này.
Mặc dù vậy, không có khả năng NATO kết nạp Ukraine làm thành viên trong tương lai gần. Bất chấp việc tiếp tục tái khẳng định chính sách “mở cửa” đối với Ukraine và lên án các hành động can thiệp của Nga vào chính sách đối ngoại của Kiev.