Vì sao Mỹ lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa S-400 của Nga?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan |
Theo Ria Novosti ngày 25/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thông báo nước này đã ký thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại S-400 của Nga.
Phát biểu trước các nghị sỹ thuộc đảng Công lý và Phát triển cầm quyền tại Quốc hội, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh: “Chúng tôi đang tiến hành các bước đi cần thiết với Liên bang Nga về vấn đề này. Thỏa thuận đã được ký kết. Và chúng tôi hy vọng sẽ chứng kiến hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 được triển khai tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tiến trình này sẽ được tiếp tục thông qua việc hợp tác chế tạo”.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ chỉ trích khả năng Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa từ một nước không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đề cập vấn đề này, ông Erdogan nhấn mạnh: “Tại sao họ lại quan tâm? Hy Lạp, một nước thành viên NATO, đã sử dụng hệ thống S-300 trong nhiều năm”.
Mặc dù nhiều quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng thỏa thuận với Nga không phải là một sự thay thế cho các thỏa thuận khác của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO hay Liên minh châu Âu (EU), song trên thực tế, thỏa thuận S-400 này vẫn là “một nhát dao” dành cho 2 liên minh vốn đang ngập chìm trong các cuộc khủng hoảng. Theo các chuyên gia, sau khi có hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa tầm xa của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ có thể “đóng của bầu trời của mình đối với các máy bay chiến đấu của NATO” nếu cần thiết.
Chuyên gia Nga thì cho rằng, mối lo ngại của Hoa Kỳ chủ yếu là do hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga có tính cạnh tranh cả về mặt giá thành và chất lượng cao hơn hệ thống tên lửa của Mỹ và Tây Âu.
Bình luận về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa hiện đại S-400 của Nga, Tổng biên tập của tạp chí Arsenal Otechestvo, ông Viktor Murakhovski cho rằng Mỹ bày tỏ mức lo ngại cao về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga với khả năng vượt trội so với các đối thủ châu Âu, có thể sẽ dẫn đến cuộc cạnh tranh không cân bằng.
Trước đó, người đứng đầu Ủy ban tham mưu lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, Tướng Joseph Dunford tuyên bố, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa S-400 từ Nga sẽ gây ra mối lo ngại cho Washington. Về phần mình, trong một cuộc họp báo tại Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết: ông thấy không có lý do gì để Mỹ lo lắng.
Hệ thống tên lửa S-400 của Nga |
Hôm thứ Ba (25/7) vừa qua, trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti, ông Murakhovski nhận định: "Tôi nghĩ rằng mối quan ngại của Mỹ chủ yếu là do sự cạnh tranh. Việc Nga luôn giữ vị trí thứ hai thế giới sau Mỹ trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí chẳng có gì là bí mật - cũng như về mặt doanh thu và số lượng. Ngoài ra, nói thẳng ra thì tất cả các khách hàng nước ngoài đang xếp hàng mua hệ thống tên lửa phòng không S-400. Trên thực tế, đặc điểm của hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga thực sự vượt trội so với hệ thống Patriot của Mỹ và Tây Âu".
Ông cũng lưu ý rằng "về giá cả - chất lượng nói chung là S-400 không có đối thủ cạnh tranh, do đó Mỹ không ngần ngại chọc gậy bánh xe kể cả ở mức độ cao như vậy".
Ông Murakhovski nhấn mạnh rằng Nga đã có kinh nghiệm trong việc bán hệ thống phòng không tiên tiến này cho một quốc gia - thành viên của NATO, đồng thời nhắc lại rằng họ đã bán cho Hy Lạp hệ thống tên lửa phòng không S-300 và hệ thống tên lửa Buk.
Ông tin tưởng rằng công nghệ sản xuất S-400 sẽ không được bán cho Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyên gia kết luận: "Để tạo ra một sản phẩm như thế trên lãnh thổ của mình thì phải mất hàng thập kỷ và hàng trăm tỷ đô la".
S-400 Triumph là hệ thống phòng không tầm xa và tầm trung thế hệ mới, được thiết kế để tiêu diệt tất cả các phương tiện tấn công đường không vũ trụ hiện tại và tương lai; máy bay trinh sát, máy bay ném bom chiến lược và chiến thuật, tên lửa chiến thuật và tên lửa đạn đạo tầm trung, mục tiêu siêu thanh, máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không.
Hiện nay, Nga mới ký hợp đồng cung cấp hệ thống S-400 "Triumph" với Trung Quốc. Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Moscow cũng đang được tiến hành đàm phán với Ấn Độ. Trước đó, Giám đốc điều hành Tập đoàn công nghệ Rostec, ông Sergei Chemezov thông báo rằng, vấn đề kỹ thuật của hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ đã được giải quyết, phần còn lại chỉ là về mặt thủ tục.