Vì sao Mỹ không nên mời Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC 2016?
Cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới mang tên "Vành đai Thái Bình Dương" (RIMPAC) do Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ dẫn đầu, được tổ chức lần gần nhất vào năm 2014, với sự tham gia của 22 quốc gia và 6 nước với tư cách quan sát viên cùng 47 tàu chiến mặt nước, 6 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 binh sĩ. Năm 2014 cũng là lần đầu tiên, Trung Quốc được mời tham gia cuộc tập trận chung RIMPAC.
Chia sẻ với hãng tin Bloomberg, nhà báo Josh Rogin cho biết nhiều ý kiến ở Washington cho rằng Mỹ không nên mời Trung Quốc tiếp tục tham gia RIMPAC 2016. Bởi việc loại Trung Quốc ra khỏi danh sách tham gia cuộc tập trận sắp tới sẽ cho Bắc Kinh thấy được cái giá phải trả vì có thái độ phi lý ở Biển Đông và biển Hoa Đông trong thời gian gần đây. Nói cách khác, những hành động hung hăng tại các vùng biển xung quanh và tham vọng hiện đại hóa quân sự của Bắc Kinh có thể được xem là lý do thích đáng để Mỹ ngăn không cho Trung Quốc tham gia RIMPAC 2016.
Hìnhảnh cuộc tập trận chungRIMPAC 2014. |
Theo tạp chí The Diplomat, mới đây, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã lên tiếng chỉ trích những hành động xâm chiếm trái phép tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ông McCain nhấn mạnh: "Tại thời điểm này, tôi sẽ không mời Trung Quốc vì họ có thái độ xấu. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã bồi đắp 24,3 hecta tại các quần đảo này. Trong năm 2015, họ còn bồi lấp khoảng 243 hecta và đang xây dựng một đường băng".
Vậy Mỹ có nên loại Trung Quốc ra khỏi cuộc tập trận RIMPAC 2016? Câu hỏi này phụ thuộc vào những đánh giá của Mỹ về việc Washington thu lại được gì khi cho Trung Quốc tham gia và Bắc Kinh giành được gì khi tham gia cuộc tập trận này, cũng như những hậu quả gần kề và lâu dài nếu như Trung Quốc được tự do tham gia RIMPAC.
Đối với Mỹ, việc để Trung Quốc tham dự RIMPAC là cách để đánh giá khoảng cách thực trong mối quan hệ liên quân giữa hai nước. Bởi ở vị thế là người cạnh tranh, Mỹ và Trung Quốc sẽ đều cố gắng phô trương những thế mạnh quân sự trước đối phương. Điển hình, đối với Mỹ, việc để Trung Quốc tham gia RIMPAC là cơ hội phô diễn sức mạnh trước Bắc Kinh. Còn đối với Trung Quốc, sức mạnh quân sự sẽ được phô trương khi mời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tham quan một chiếc tàu sân bay mới đóng và thường xuyên trao đổi quốc phòng cấp cao giữa hai nước.
Tuy nhiên, theo nhận định của nghị sĩ McCain và một số quan chức Mỹ, nếu muốn Trung Quốc tuân thủ các quy định và luật pháp quốc tế, Washington cần đưa ra cái giá để Bắc Kinh thấy được rằng muốn tham gia cuộc tập trận chung RIMPAC hay các tổ chức khác, thái độ của Trung Quốc cần phải thay đổi.
Ngoài ra, việc Trung Quốc được mời tham gia RIMPAC 2014 không phải là lời cam kết đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ vẫn được tham dự các cuộc tập trận tới. Hồi năm 2012, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ là ông Leon Panetta khởi xướng ý kiến mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC, cả quan chức Mỹ và các nước trong khu vực đã đưa ra những ý kiến trái chiều nhau. Bởi tại thời điểm này, Trung Quốc đã không ngừng triển khai các hành động bồi đắp và xây dựng trái phép trên khu vực Biển Đông cũng như đơn phương thiết lập "vùng nhận diện phòng không" (ADIZ) trên biển Hoa Đông. Sự kiện xấu nhất là Trung Quốc "cưỡng chiếm" bãi cạn Scarborough của Philippines hồi đầu năm 2012.
Tàu tấn côngđổ bộ của lực lượng lính thủyđánh bộ Mỹ tham gia cuộc tập trậnRIMPAC 2014. |
Tuy nhiên, hồi tháng 6/2013, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tuyên bố Trung Quốc chỉ chấp nhận lời mời tham gia RIMPAC sau khi khi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama tham dự một cuộc họp thượng đỉnh tại Sunnylands.
Khi thời điểm cuộc tập trận RIMPAC 2014 càng đến gần, Trung Quốc đã có hành động làm gia tăng căng thẳng an ninh tại Đông Á. Điển hình, hồi tháng 11/2013, Bắc Kinh đã đơn phương thiết lập ADIZ ở vùng biển Hoa Đông. Sau đúng một tháng, các tàu thuyền của Trung Quốc còn chặn đầu tàu USS Cowpens của Mỹ khi đang di chuyển trên Biển Đông.
Đáng nói, dù công khai lên tiếng chỉ trích các hành động khiêu khích của Trung Quốc, nhưng Mỹ lại chưa đưa ra hành động cụ thể để cho Bắc Kinh thấy cái giá phải trả mà dừng lại việc làm của mình. Thậm chí, ngay cả trong quá trình diễn ra RIMPAC 2014, Trung Quốc còn điều tàu do thám lớp Dongdiao tới thăm dò mọi diễn biến của cuộc tập trận.
Trong bài báo đăng trên Bloomberg, giới chức Mỹ đã đề xuất loại Trung Quốc ra khỏi RIMPAC 2016 và khả năng là cả các cuộc tập trận khác. Động thái này nhằm báo động Bắc Kinh về việc Mỹ sẽ có biện pháp trừng phạt trong bối cảnh Trung Quốc không tuân thủ các quy định luật pháp quốc tế. Đây rõ ràng là một lựa chọn đáng để chính quyền Tổng thống Obama cân nhắc.
Bởi thứ nhất, Mỹ sẽ không bị mang tiếng không cho Trung Quốc tham gia RIMPAC là nhằm kiềm chế Bắc Kinh. Thay vào đó, Washington muốn Bắc Kinh tôn trọng những giá trị và quy định quốc tế trong RIMPAC để từ bỏ các hành động đơn phương. Và một lần nữa khẳng định những quốc gia tham dự RIMPAC là các nước tôn trọng quyền tự do hàng hải trên các vùng biển mở. Đây cũng là cơ hội tốt để Mỹ lái Trung Quốc tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Còn về lâu dài, Trung Quốc sẽ nhận ra rằng Mỹ đang dần có cái nhìn khắt khe hơn trước những hành động đơn phương của Bắc Kinh. Nói cách khác, mục đích chính mà Washington muốn truyền đạt tới Bắc Kinh là do nước này thiếu tôn trọng và thực thi các giá trị cũng như quy định hàng hải quốc tế, nên Trung Quốc không được mời tham gia RIMPAC. Ý định này cũng tương tự như trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bởi không quốc gia nào muốn kiềm chế sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, nhưng hy vọng các nước tham gia đáp ứng được yêu cầu chung của tổ chức.
Hìnhảnh vệ tinh tố cáo Trung Quốc tiến hành bồiđắp và xây dựng trái phép tại bãiĐá Gạc Ma thuộc quầnđảo Trường Sa của Việt Nam. |
Tuy nhiên, việc loại Trung Quốc ra khỏi danh sách tham dự cuộc tập trận RIMPAC 2016 sẽ có thể dẫn tới những hành động hung hăng hơn của Bắc Kinh ở các vùng biển xung quanh. Ngoài ra, mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ ngày càng xấu hơn và đẩy Washington tăng cường thi hành những cam kết đảm bảo hiện trạng ở khu vực châu Á với các quốc gia đồng minh và đối tác tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Phát biểu tại New York mới đây, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Daniel Russel nhấn mạnh các đối tác của Mỹ đang theo sát từng động thái trong cam kết duy trì chính sách tái cân bằng khu vực châu Á. Việc loại Trung Quốc ra khỏi cuộc tập trận RIMPAC sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới các đồng minh của Mỹ rằng Washington sẽ buộc Bắc Kinh phải cân nhắc lại thái độ thách thức của mình.
Tóm lại, việc cân nhắc mời hay không mời Trung Quốc tham gia RIMPAC 2016 là điều đáng làm. Bởi Mỹ cần đánh giá lại mối quan hệ hợp tác với Bắc Kinh khi mà Trung Quốc luôn hành động giống như kẻ chuyên phá vỡ các quy tắc luật lệ. Chính quyền của Tổng thống Obama cũng sẽ không phải chịu cảnh cô đơn khi có hành động buộc Trung Quốc thay đổi chủ nghĩa đơn phương tại các vùng biển mở bởi các đối tác và đồng minh của Mỹ sẽ ủng hộ quyết định này.
Theo Diplomat, một khi Trung Quốc chưa thấy được cái giá phải trả và việc bị cô lập sau những hành động của mình, Bắc Kinh sẽ chưa thay đổi. Do đó, giờ là lúc để Mỹ kêu gọi Trung Quốc sửa chữa sai lầm.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.