Vì sao Mỹ không dỡ bỏ trừng phạt Triều Tiên trước cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim?
Sau khi gặp gỡ một quan chức cấp cao của Triều Tiên tại Nhà Trắng vào ngày 1/6, ông Trump cho biết Triều Tiên đang tỏ ra có tinh thần hợp tác hơn và rằng mặc dù lệnh trừng phạt hiện nay vẫn sẽ được giữ nguyên, song ông sẽ ngừng áp đặt những hình thức mới.
Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim sẽ gặp mặt ở Singapore vào ngày 12/6 tới. |
Thêm vào đó, Tổng thống Mỹ cho biết ông không muốn dùng cụm từ “sức ép tối đa” nữa, bởi hai nước đang “xích lại gần nhau hơn”.
Cũng trong một cuộc họp báo vào ngày 4/6, khi được hỏi liệu chiến dịch “sức ép tối đa” của Mỹ đối với Triều Tiên sẽ tiếp tục, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết: “Chúng tôi vẫn đang áp dụng những biện pháp trừng phạt với Triều Tiên và sẽ không dỡ bở chúng chừng nào họ tiến hành phi hạt nhân hóa”.
Chính quyền Trump đã tuyên bố rằng chính những biện pháp gây “sức ép tối đa” của mình, được sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc và các cường quốc trên thế giới, đã giúp đưa Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Bà Sanders cho biết các hoạt động chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa ông Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn đang diễn ra thuận lợi, và rằng hai người sẽ gặp gỡ nhau vào lúc 9 giờ sáng ngày 12/6 tới. Cũng chính ông Trump nói rằng cuộc gặp mặt này vẫn có thể diễn ra sau khi ông nhận được lá thư từ ông Kim gửi đến thông qua đại biểu Triều Tiên.
Khi được hỏi về nội dung thư của ông Kim, bà Sanders từ chối “đưa ra thông tin chi tiết”, song bà cho biết “chúng tôi cảm thấy tình hình vẫn đang diễn ra thuận lợi và đã có những bước tiến rõ rệt”. “Tổng thống đã nhận được những báo cáo thường nhật về Triều Tiên từ đội ngũ cố vấn an ninh của mình”, bà nói thêm.
Nhiều thương nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đã kêu gọi ông Trump không được chấp nhận một thỏa thuận cho phép Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, và đe dọa sẽ tăng cường cấm vận đối với Bình Nhưỡng nếu điều kiện này không được chấp thuận.
Cụ thể, Lãnh đạo phe thiểu số, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer và nhiều người khác đã gửi một bức thư lên Tổng thống Trump nhằm đưa ra những yêu cầu của mình về thỏa thuận mà Mỹ và Triều Tiên có thể ký kết trong tương lai. Họ cũng mong ông tác động hơn nữa lên Trung Quốc để đảm bảo họ “sẽ làm những gì có thể để giúp một thỏa thuận được chấp thuận và đảm bảo Triều Tiên tuân thủ thỏa thuận này”.
Việc nới lỏng trừng phạt với Triều Tiên sẽ phải cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ. Do các nghị định của Mỹ cần 60 lá phiếu ủng hộ từ Thượng viện gồm 100 nghị sĩ và đảng Cộng hòa của ông Trump chỉ nắm được 51 ghế, quyết định trên sẽ cần sự ủng hộ của một số nghị sĩ đảng Dân chủ.