Vì sao Mỹ không dám tấn công Triều Tiên?
Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt |
Tờ AP mới đưa tin, ngày 11/7, Mỹ đã gửi các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc dự thảo nghị quyết mới về việc trừng phạt Triều Tiên do nước này mới thực hiện vụ phóng thử tên lửa đạn đạo mới.
Theo đó, dự thảo nghị quyết về áp dụng các biện pháp mới để trừng phạt Triều Tiên đã được Mỹ gửi đến 4 quốc gia ủy viên thường trực còn lại của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Anh, Nga, Trung Quốc, Pháp). Tuy nhiên, đại diện thường trực của Mỹ tại Liên Hợp Quốc chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này.
Trước đó, ngày 4/7, Triều Tiên đã tiến hành vụ phóng thử tên lửa tiếp theo và lần phóng này được cho là được thực hiện đối với tên lửa đạn đạo. Nga tuyên bố rằng Triều Tiên đã phóng thử tên lửa tầm trung, còn Mỹ cho rằng đó là vụ phóng thử tên lửa đạn đạo.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp vào ngày 5/7. Mỹ, Pháp và Anh cho rằng cần phải áp dụng các lệnh trừng phạt mới chống Triều Tiên vì vụ thử này. Còn Phó đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vladimir Safronkov cho rằng cấm vận sẽ chỉ đẩy cuộc khủng hoảng Triều Tiên vào ngõ cụt.
Sau đó, Đại diện thường trực của Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ lực để giải quyết chương trình hạt nhân-tên lửa của Triều Tiên.
“Mỹ sẵn sàng hành động bằng tất cả các khả năng của mình để bảo vệ người dân và các đồng minh của Mỹ. Một trong các khả năng đó là sử dụng sức mạnh quân sự. Chúng tôi sẽ hành động nếu như đó là điều cần thiết nhưng khuynh hướng này không phải là ưu tiên”- bà Nikki Haley tuyên bố.
Nga và Trung Quốc ngay lập tức đã lên tiếng phản đối kịch bản này. “Khả năng sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề Triều Tiên cần phải được loại trừ”- Phó đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vladimir Safronkov nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan “nhanh chóng thúc đẩy đối thoại để bàn mọi giải pháp cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên”.
Nhận định về khả năng Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, giáo sư Anatoli Petrenko thuộc Viện Hàn lâm Điều hành xã hội của Nga cho rằng khả năng này là rất thấp vì Mỹ vẫn phải quan ngại sẽ làm bùng phát Thế chiến lần 3 nếu tấn công Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump |
“Tổng thống Mỹ Donald Trump hiểu rõ rằng việc khởi động cuộc chiến mới trên bán đảo Triều Tiên sẽ là bước đi đầu tiên làm bùng phát Thế chiến lần 3. Mặt khác, các lực lượng tài phiệt Mỹ hiện vẫn muốn duy trì tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Tôi cho rằng Mỹ sẽ vẫn tiếp tục sử dụng “vũ khí miệng” mà sẽ không áp dụng các hành động quân sự cụ thể nào. Việc chuyển trung tâm tác chiến từ một nơi này đến nơi khác trên thế giới là công việc có thể được thực hiện trong một vài giờ đồng hồ, thậm chí vài phút nếu thực hiện bằng tên lửa. Và Mỹ hiểu rất rõ điều này”- chuyên gia Anatoli Petrenko nhấn mạnh.
Theo giáo sư người Nga, vẫn còn nhiều khả năng để Mỹ và Triều Tiên tiến hành đối thoại nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng này.
“Hiện đang có một xu hướng rõ ràng là Mỹ muốn thể hiện sự vượt trội của mình ở khắp mọi nơi trên thế giới, muốn chứng minh sức mạnh của mình. Mỹ sẽ vẫn tiếp tục xu hướng này. Tuy nhiên, đối tác của Mỹ là Hàn Quốc lại đang ủng hộ xu hướng giải quyết vấn đề bằng các biện pháp đối thoại hòa bình. Triều Tiên cũng sẽ phải hành động theo sự sắp xếp của Trung Quốc và Nga vì đây là hai đối tác quan trọng nhất của Triều Tiên. Do đó, vẫn có khả năng Triều Tiên sẽ phải đồng ý đối thoại”- giáo sư Anatoli Petrenko kết luận.