Vì sao kinh tế Triều Tiên vẫn tăng trưởng mạnh?
Reuters trích báo cáo của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) cho hay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Triều Tiên trong năm ngoái đã tăng 3,9% so với năm 2015 khi nền kinh tế bị sụt giảm do hạn hán và giá tiêu dùng thấp. Sự tăng trưởng này chủ yếu dựa vào ngành khai mỏ và năng lượng, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ năm 1999.
Với đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc, Triều Tiên cũng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thêm 4,6%, mức cao nhất kể từ năm 2013. Thu nhập bình quân đầu người của Triều Tiên năm 2016 đạt 1,5 triệu won (1.136 USD).
Kinh tế Triều Tiên năm 2016 đã đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 17 năm qua. Nguồn: Reuters |
Triều Tiên không công khai dữ liệu kinh tế của nước mình, song ngân hàng trung ương Hàn Quốc vẫn công bố dữ liệu GDP của Bình Nhưỡng hàng năm kể từ năm 1999 dựa trên thông tin từ các cơ quan chính phủ gồm Bộ Thống nhất Hàn Quốc và Cơ quan tình báo quốc gia. Bản đánh giá của ngân hàng trung ương Hàn Quốc được các tổ chức và các nhà nghiên cứu sử dụng rộng rãi.
Liên Hiệp Quốc đã ban hành các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên kể từ năm 2006 vì các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng đưa ra những biện pháp đáp trả 5 vụ thử hạt nhân và hai vụ phóng tên lửa tầm xa thời gian qua của Bình Nhưỡng.
Tên lửa giúp thúc đẩy kinh tế?
Theo ông Shin Seung-cheol, quan chức của BOK, Mức tăng trưởng cao của Triều Tiên năm vừa qua có thể một phần là do chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân được thúc đẩy do việc sản xuất các bộ phận tên lửa cũng được tính vào tăng trưởng GDP.
Ông Shin nói thêm rằng Triều Tiên cũng đã tăng cường sản xuất điện trong năm 2016 nhưng không thể xác nhận được việc này có liên quan đến sản xuất tên lửa hay không. Hồi tháng 2 vừa qua, Trung Quốc đã cấm toàn bộ hoạt động nhập khẩu than từ Triều Tiên, cắt đứt nguồn xuất khẩu quan trọng nhất của nước này. Bắc Kinh cũng hạn chế việc xuất khẩu dầu mỏ sang Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, Hoa Kỳ đang xem xét các biện pháp trừng phạt mới đối với những công ty, ngân hàng của Trung Quốc có mối quan hệ làm ăn với Bình Nhưỡng nhằm đưa Bắc Kinh và Moscow quay trở lại phòng họp và đồng thuận một nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an nhằm áp đặt trừng phạt nghiêm khắc hơn với Triều Tiên.
Cũng theo số liệu từ Cơ quan Xúc tiến Đầu tư thương mại Hàn Quốc (KOTRA), năm 2016, các thương vụ với Trung Quốc chiếm tới 92,5% tổng nền kinh tế của Triều Tiên. Vì vậy, Kim Suk-jin, nhà nghiên cứu của Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc, nhận định nền kinh tế của Bình Nhưỡng năm nay chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định ngừng tất cả hoạt động nhập khẩu than của Bắc Kinh.
“Triều Tiên có thể phớt lờ một số lệnh trừng phạt nhưng than đá đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế của họ và đây là loại hàng hóa rất khó để buôn lậu bởi than có thể bị phát hiện dễ dàng khi di chuyển”, ông Kim nói.
Quan chức Ngân hàng Hàn Quốc từ chối bình luận về việc lệnh cấm nhập khẩu than của Trung Quốc và thắt chặt các lệnh trừng phạt quốc tế thời gian qua có thể ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Triều Tiên năm 2017.
Cơ quan lương thực Liên Hiệp Quốc hôm qua (20/7) cho biết Bình Nhưỡng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng do hạn hán liên tiếp từ năm 2001 đến nay. Tuy nhiên ông Kim cho rằng còn quá sớm để đánh giá liệu mùa màng ở Triều Tiên có bị ảnh hưởng hay không bởi bán đảo Triều Tiên đã có lượng mưa khá lớn trong những tuần gần đây.