Vì sao Idlib là trận chiến "khó nhằn" với Tổng thống Syria Assad và Nga?
Dưới sự hỗ trợ của Nga, quân đội của chính phủ Syria đang chuẩn bị cho tiến hành đợt tấn công quy mô lớn nhằm giải phóng toàn bộ vùng lãnh thổ tây bắc Idlib khỏi sự kiểm soát của lực lượng phiến quân Syria và khủng bố.
Idlib là trận chiến "khó nhằn" với Tổng thống Syria Assad và Nga. |
Tuy nhiên, trận chiến ở Idlib, nơi sinh sống của 3 triệu người, có thể biến thành thảm kịch đẫm máu làm tăng thêm con số hàng trăm ngàn người thiệt mạng trong suốt 7 năm nội chiến ở Syria. Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng đã lên tiếng cảnh báo về thảm kịch nhân loại nếu quân đội Syria tấn công Idlib.
Theo Reuters, thách thức lớn nhất trong chiến dịch giải phóng Idlib của Tổng thống Bashar Assad chính là sự có mặt của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trên vùng đất này. Trong khi, các tay súng phiến quân ở Idlib được đánh giá là thiện chiến và được trang bị vũ khí hạng nặng.
Lực lượng nào kiểm soát Idlib?
Idlib hiện bị phân chia và nằm dưới sự kiểm soát của hàng loạt nhóm phiến quân Syria. Trong đó, kể từ năm 2016, chủ yếu lãnh thổ Idlib thuộc sự kiểm soát của Tahrir al-Sham hay còn gọi là Mặt trận Nusra, một chi nhánh của mạng lưới khủng bố al Qaeda.
Một số nhóm Hồi giáo còn hoạt động dưới danh nghĩa Lực lượng Syria Tự do (FSA). Với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, những tay súng này đã tập hợp lực lượng và thành lập tổ chức “Mặt trận giải phóng quốc gia”.
Ngoài ra, Idlib được xem là “thiên đường” cho lính đánh thuê nước ngoài tới hoạt động ở Syria chống lại quân đội của chính quyền Tổng thống Assad.
Theo Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc, lực lượng Mặt trận Nusra nắm trong tay khoảng 10.000 tay súng. Còn theo các nguồn tin từ quân nổi dậy, số tay súng phiến quân Syria gấp nhiều lần hàng chục ngàn người.
Idlib là trận chiến "khó nhằn" với Tổng thống Assad và Nga?
Tổng thống Assad muốn giành lại từng phân đất trên lãnh thổ Syria khỏi sự kiểm soát của quân nổi dậy và khủng bố.
Nếu như hoàn thành chiến dịch giải phóng Idlib, ông Assad sẽ tiến gần hơn tới chiến thắng cũng như đảm bảo Aleppo không bị tấn công và mở đường an toàn tiến tới khu vực bờ biển cũng như thủ đô Damascus.
Đối với Nga, lực lượng đã hỗ trợ quân đội chính phủ Syria kể từ năm 2015, các tay súng nước ngoài hoạt động ở Idlib là mối quan ngại vô cùng lớn.
Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, ít nhất 9.000 người từ khối Liên Xô cũ đã tới Syria đầu quân cho tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và các nhóm cực đoan khác. Do đó, việc Idlib sạch bóng quân khủng bố sẽ giúp Nga đảm bảo an toàn cho căn cứ không quân ở Latakia khỏi các vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV).
Thành trì cuối cùng của quân nổi dậy
Cùng với phần lãnh thổ phía bắc Aleppo, Idlib là thành trì cuối cùng của lực lượng phiến quân Syria.
Hàng loạt tay súng nổi dậy cùng các nhà hoạt động chống chính quyền của Tổng thống Assad đã đổ xô về khu vực này. Nói cách khác, ngoài vùng lãnh thổ phía tây bắc, những người phản đối Tổng thống Assad không còn chỗ dừng chân.
Vì sao tình hình ở Idlib lại vô cùng phức tạp?
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ lo sợ nếu quân đội Syria tấn công Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với làn sóng tị nạn lớn từ Syria tràn sang lãnh thổ nước này. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nơi sinh sống của 3,5 triệu người tị nạn Syria.
Để ngăn chặn cơn bão tị nạn, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho tăng cường sức mạnh tại 12 chốt quân sự ở Idlib theo thỏa thuận với Nga và Iran. Ngoài ra, Damascus cũng sẽ né tránh đối đầu với các lực lượng quân sự nước ngoài hoạt động ở Idlib.
Tuy nhiên, quân nổi dậy Syria cho biết, gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã đẩy mạnh cung cấp vũ khí cho phiến quân Syria ở Idlib.
Với số lượng lớn các tay súng nổi dậy và quy mô hoạt động ở Idlib, chi phí cho chiến dịch quân sự của chính quyền Damascus sẽ bị đội lên nhiều lần. Thậm chí, theo một số nguồn tin ngoại giao, lực lượng phiến quân ở Idlib được trang bị cả tên lửa chống tăng và phòng không hiện đại.
Theo Reuters, khác với những trận địa mà quân đội của Tổng thống Assad đã giành được chiến thắng, dù bị quân chính phủ Syria vây hãm trong nhiều năm, lực lượng phiến quân ở Idlib không hề suy yếu mà thay vào đó còn lớn mạnh hơn rất nhiều.
Quân đội Syria hoạt động ở Aleppo. |
Quan điểm của Iran và phương Tây
Iran có chung quan điểm lo ngại như LHQ về khả năng xảy ra thảm kịch nhân loại ở Idlib. Tehran cũng đang tìm cách để thay đổi cuộc chiến ở khu vực này.
Theo các nhà ngoại giao phương Tây, dù Nga và Iran cùng cung cấp nhân lực cho Tổng thống Assad nhưng quy mô và mục đích là khác nhau.
Trong khi đó, dù không trực tiếp hậu thuẫn cho quân nổi dậy ở Idlib, song chính phủ các nước phương Tây vẫn lên tiếng phản đối cuộc chiến của quân đội Syria ở khu vực này.
Thậm chí, Mỹ còn khẳng định nắm trong tay bằng chứng quân chính phủ Syria chuẩn bị tấn công hóa học ở Idlib. Nhà Trắng cảnh báo rằng, Mỹ và các đồng minh sẽ đưa ra phản ứng “nhanh và quyết liệt” nếu phát hiện quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học ở Idlib.
Tuy nhiên, Damascus phủ nhận có ý định triển khai vũ khí hóa học cũng như khẳng định không còn sở hữu loại vũ khí nguy hiểm này.
Tình hình ở Idlib, khu vực được xem là thiên đường của các tay súng phiến quân thuộc mạng lưới khủng bố al-Qaeda, cũng là mối quan ngại lâu nay của Mỹ. Cụ thể, trong thời gian gần đây, các cuộc tấn công bằng UAV liên tiếp xảy ra ở Idlib.
Bất đồng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan từng kêu gọi tiến hành chiến dịch chống khủng bố quốc tế ở Idlib mà trong đó các tay súng phiến quân ôn hòa Syria có thể cùng tham gia. Tuy nhiên, Nga lại gọi lực lượng phiến quân Syria ở Idlib là “ung nhọt” cần được loại bỏ.
Một nguồn tin ngoại giao cho biết thêm, phía quân đội chính phủ Syria “đã hết kiên nhẫn”, đồng nghĩa với việc chiến dịch tấn công Idlib sẽ diễn ra trong vài ngày tới.
Vậy nếu Idlib được giải phóng, nội chiến ở Syria sẽ kết thúc? Câu trả lời là “không”. Bởi ngoài Idlib, phiến quân Syria vẫn có thể trú ẩn ở phía bắc Aleppo. Các nhóm chống chính phủ cũng đã xây dựng một căn cứ ở khu vực nằm sát biên giới Iraq này và cùng hoạt động với liên quân do Mỹ đứng đầu.
Một khu vực rộng lớn ở phía bắc và đông Syria hiện vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Damascus. Đặc biệt, vùng đất này lại giàu trữ lượng dầu mỏ, nguồn nước và đất nông nghiệp. Hiện khu vực này nằm dưới sự kiểm soát của các tay súng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn. Dù người Kurd không có thái độ thù địch với Tổng thống Assad, nhưng họ muốn khu vực này trở thành vùng tự trị trong khi Tổng thống Syria lại phản đối.