Vì sao hàng triệu người Trung Quốc không về quê ăn Tết?
Những tuần gần Tết Nguyên đán là thời điểm Trung Quốc chứng kiến cuộc đại di dân "khủng" nhất thế giới khi đoàn người lao động nhập cư trở về quê nhà đoàn tụ với người thân. Tuy nhiên, với người đàn ông 40 tuổi tên Wang Junqiang, dịp Tết lại là cơ hội hiếm hoi để kiếm được một khoản kha khá.
Đến từ tỉnh Thiểm Tây, anh Wang đã có 10 năm gắn bó làm việc ở thành phố Thượng Hải. Từng làm nhân viên phục vụ cho một chuỗi nhà hàng Đài Loan, anh Wang đã gia nhập đội quân vận chuyển thức ăn nhanh trong thành phố (hay còn gọi là shipper) từ năm ngoái. Đây cũng là thời điểm lĩnh vực đặt mua thực phẩm trên mạng bùng nổ.
Anh Wang Junqiang chọn phương án ở lại Thượng Hải thay vì trở về quê nhà trong dịp Tết nguyên đán. |
Theo anh Wang, làm việc xuyên kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là điều anh cảm thấy hạnh phúc bởi công ty quản lý đồng ý trả gấp 3 mức lương hàng ngày cho các nhân viên chịu ở lại thành phố làm việc trong 7 ngày nghỉ Tết. Ngoài ra, công ty của anh Wang còn quyết định tặng thêm tiền cho những nhân viên rời khỏi thành phố Thượng Hải sau kỳ nghỉ Tết hoặc trở lại làm việc sớm hơn quy định nghỉ Tết của chính phủ.
“Mỗi nhân viên sẽ nhận được 1.000 nhân dân tệ (158 USD) nếu làm việc tới tận 30 Tết. Và nếu nhân viên quay trở lại làm việc trước ngày mùng 5 Tết, công ty sẽ thưởng thêm 700 nhân dân tệ”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) anh Wang chia sẻ.
Anh Wang là một trong số hàng triệu người lao động nhập cư ở Trung Quốc chọn phương án ở lại thành phố làm việc qua dịp nghỉ Tết trong khi hàng triệu người khác vượt những quãng đường dài trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt để trở về quê nhà với người thân.
Hành trình trở về quê hương ăn Tết tại Trung Quốc hay còn gọi là “chunyun” được mệnh danh là cuộc di dân lớn nhất trên thế giới với gần 3 tỷ hành trình diễn ra trên các phương tiện giao thông công cộng trong giai đoạn từ ngày 1/2 – 12/3.
Đối với anh Wang, người thường xuyên không trở về nhà ở thành phố Bảo Kê thuộc tỉnh Thiểm Tây trong dịp Tết Nguyên đán, số tiền kiếm thêm trong dịp lễ này thực sự “đáng giá”. Bởi chỉ trong 1 tháng “làm việc chăm chỉ” dịp Tết năm 2017, anh Wang đã kiếm được khoảng 10.000 nhân dân tệ. Tuy nhiên, năm nay, số tiền anh Wang kiếm được có thể sẽ ít hơn.
“Hiện giờ ngày càng có nhiều người gia nhập đội ngũ shipper nên mỗi shipper sẽ nhận được ít đơn hàng hơn”, anh Wang cho biết trong dịp Tết, số lượng đơn đặt hàng cũng ít hơn do phần lớn sinh viên, công nhân viên chức và người lao động đã trở về quê.
Hàng năm, Trung Quốc chứng kiến cuộc đại di dân lớn nhất thế giới mỗi dịp Tết về. |
Bên cạnh đó, việc đi lại đối với gia đình anh Wang trong dịp lễ Tết thật không dễ dàng bởi muốn về thành phố Bảo Kê, anh Wang phải đi qua thành phố Lan Châu hoặc Tây An do không có chuyến tàu hỏa hay chuyến bay nào nối Thượng Hải với quê hương của anh Wang. Việc mua vé tàu ở cả Lan Châu và Tây An trong dịp cao điểm Tết nguyên đán cũng vô cùng khó khăn.
“Tôi thực sự không muốn phải chi nhiều tiền trong dịp Tết. Vợ tôi cũng làm việc ở Thượng Hải, con cái cũng đi học ở đây. Do đó tốt hơn là gia đình tôi trở về quê nhà trong một dịp khác”, anh Wang nói.
Ngay cả cô Maggie Lu (28 tuổi) làm nghề tạo mẫu tóc cũng không trở về nhà trong dịp Tết năm nay.
“Trong nghề này, thời gian bận rộn nhất chính là một tháng trước Lễ hội mùa xuân bởi mọi người đều muốn có một kiểu tóc đẹp để đón năm mới. Do đó, tôi đã chọn ở lại thành phố cùng một số người bạn để tiếp tục làm việc và đi thăm thú hàng loạt địa danh nổi tiếng gần Thượng Hải”, cô Lu từ thành phố Urumqi thuộc khu tự trị Tân Cương đã tới Thượng Hải cách đây 6 tháng chia sẻ.
“Trở về quê nhà, tôi chỉ kiếm được từ 3.000 – 4.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Còn ở Thượng Hải, tôi có thể kiếm được gấp đôi. Tôi tin rằng một khi càng cố gắng chăm chỉ, tôi sẽ nhận được nhiều tiền hơn”, cô Lu nói thêm.
Theo Giáo sư Zheng Fengtian tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, tiền thưởng chính là một phần quan trọng để níu chân lực lượng lao động nhập cư ở lại thành phố trong dịp Tết nguyên đán.
“Nếu tất cả lao động nhập cư trở về quê nhà trong dịp lễ, cuộc sống ở thành phố sẽ lâm vào cảnh thảm họa. Tất cả nhà hàng sẽ phải đóng cửa và không có người giúp việc ngày Tết chăm sóc những đứa trẻ”, ông Zheng nhận định.