Vì sao Hà Lan cấm máy bay của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ hạ cánh?
Theo Reuters, vụ việc bất thường trên xảy ra vài giờ sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết ông sẽ bay tới Rotterdam bất chấp chính phủ Hà Lan cấm ông tham dự cuộc tuần hành của người Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức ở đây để ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý trao thêm quyền lực cho Tổng thống Erdogan.
Tuần trước, ông Mevlut Cavusoglu cũng đã bị ngăn không thể tham dự một sự kiện tương tự ở Hamburg. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng châu Âu sẽ phải hối hận về “thái độ như ông chủ” của mình. Vị quan chức này cũng cáo buộc Hà Lan đối xử với nhiều công dân Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống ở đó như “những con tin”, cắt đứt liên lạc của họ với Ankara.
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ trả lời báo chí tại sân bay quốc tế ở Istanbul trước khi lên đường sang Hà Lan ngày 11/3. Nguồn: Reuters |
“Tôi gửi công dân của mình đến đó để họ cống hiến cho nền kinh tế của châu Âu, chứ họ không phải là con tin của các người. Nếu việc tôi đến Hà Lan làm gia tăng căng thẳng thì hãy cứ như vậy đi. Tôi là Bộ trưởng Ngoại giao và tôi có thể đi bất cứ đâu mà tôi muốn”, ông trả lời kênh CNN.
Ông Cavusoglu cũng dọa sẽ áp dụng những biện pháp cấm vận chính trị và kinh tế nghiêm trọng nếu Hà Lan không cho ông nhập cảnh. Lời đe dọa này của Bộ trưởng Ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến chính phủ Hà Lan thêm quyết tâm ra lệnh cấm máy bay của ông hạ cánh.
Lý do mà Hà Lan đưa ra là lo ngại liên quan đến an ninh và yêu cầu từ phía người dân. Song, các quan chức Hà Lan cũng nói thêm rằng lời đe dọa trừng phạt của ông Cavusoglu đã khiến việc tìm một giải pháp hợp lý trở thành “không thể”.
Chính trị gia chống Hồi giáo của Hà Lan, Geert Wilders, đã viết trên Twitter rằng: “Gửi tới tất cả những người Thổ Nhĩ Kỳ ở Hà Lan, đồng tình với ông Erdogan: Hãy về nước và đừng bao giờ quay lại đây”.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng khẳng định: “Trên truyền hình, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã nói rõ rằng ông đang đe dọa Hà Lan với những lệnh trừng phạt và chúng tôi sẽ không bao giờ đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ nếu còn tiếp tục đe dọa như vậy. Do đó, chúng tôi quyết định thông qua một cú điện thoại rằng tốt hơn hết là ông Cavusoglu đừng có đến đây”.
Máy bay của Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ phải hạ cánh xuống sân bay ở Goin, miền Đông nước Pháp đêm 11/3. Nguồn: Reuters |
Trước đó, chính phủ Hà Lan đã thu hồi giấy phép hạ cánh đối với chiếc máy bay chở Ngoại trưởng Melvut Cavusoglu, theo lịch trình, là người sẽ phát biểu tại cuộc tuần hành vào hôm thứ Bảy (11/3) nhằm ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý với mục đích tăng thêm quyền lực cho ông Erdogan.
Thị trưởng Rotterdam Ahmed Aboutaleb nói vào hôm đầu tuần rằng chủ nhân của hội trường, nơi sẽ tổ chức buổi tụ họp có sự góp mặt của ông Cavusoglu, đã thu lại giấy phép, nhưng ngoại trưởng vẫn có thể đến thăm.
“Ông Cavusoglu có quyền miễn trừ ngoại giao nên chúng tôi sẽ vẫn đối xử với ông ấy một cách trân trọng, nhưng chúng tôi có những phương tiện khác để ngăn cản mọi việc diễn ra ở nơi công cộng”, Reuters trích lời ông Aboutaleb cho hay.
Một cuộc tụ họp tương tự, dự định tổ chức vào hôm nay (12/3) tại Thụy Sĩ, cũng chưa có gì chắc chắn, sau khi một địa điểm đã từ chối cho tổ chức. Một sự kiện khác tại Zurich, được lên kế hoạch tổ chức vào hôm 10/3, với sự tham dự của một quan chức cao cấp đã bị hủy bỏ, tương tự như các cuộc tuần hành tại những thành phố của Áo như Hoerbranz, Linz và Herzogenburg.
Chính phủ Hà Lan và Áo cũng chỉ trích chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối với việc vận động cho cuộc trưng cầu dân ý tại các nước thuộc khối EU.
Căng thẳng ngoại giao leo thang
Trước sự việc trên, Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức triệu tập đại diện lâm thời của Hà Lan để giải thích. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng giận dữ miêu tả người Hà Lan là “tàn dư của Phát xít”.
“Các nước này có thể cấm máy bay Ngoại trưởng của chúng tôi chừng nào các ông muốn, nhưng kể từ nay hãy xem các chuyến bay của họ hạ cánh tại Thổ Nhĩ Kỳ thế nào. Họ không biết các nghi thức ngoại giao hay chính trị. Họ là các tàn dư của phát xít. Họ là những người phân biệt chủng tộc”, ông Erdogan cảnh báo trong một cuộc tuần hành ở Istanbul.
Đáp trả, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte gọi đề cập của ông Erdogan với phát xít và những kẻ phân biệt chủng tộc là “bình luận điên khùng”.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ tụ tập để chào đón Bộ trưởng Ngoại giao tới Hà Lan. Nguồn: Reuters |
Hồi đầu tuần, việc hủy bỏ các cuộc tuần hành ở Đức cũng khiến Tổng thống Erdogan tức giận, cáo buộc Berlin là “hành động theo kiểu phát xít”. Bình luận này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của giới chức chính phủ Đức.
Quan hệ giữ Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia châu Âu đã xấu đi kể từ cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các chính phủ châu Âu, trong đó có Đức, vì các vụ bắt giữ và sa thải nhiều quan chức được cho là liên quan tới âm mưu đảo chính. Theo ước tính, gần 100.000 công chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sa thải vì cuộc đảo chính.
Nhiều quốc gia châu Âu đã bày tỏ sự bất bình đối với cách thức đối phó của Tổng thống Erdogan trong cuộc đảo chính. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố bà sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn căng thẳng chính trị Thổ Nhĩ Kỳ leo thang sang Đức.
Tổng thống Erdogan muốn tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc mở rộng quyền lực vào ngày 16/4 tới. Ông Erdogan đang kêu gọi sự ủng hộ của các cử tri Thổ Nhĩ Kỳ sống ở nước ngoài để ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý, trong đó có 1,4 triệu người ở Đức.